Tiếng sáo

26 3 0
                                    

Mỗi buổi chiều, người ta lại thấy anh ta thổi. Tiếng sáo trong theo gió đưa vào phố, réo rắt và chơi vơi, hoà nhịp với tiếng sáo diều vang vang ở trên cao. Mọi người ngừng câu chuyện, lắng tai nghe, rồi bảo nhau:

- Sáo của Tiến ngoài ga.

Họ yên lặng nghe, cám dỗ bởi tiếng nhạc êm dịu ấy, cùng với buổi chiều man mác của đồng quê, thấm thía vào tâm hồn họ. Thong thả và sẽ sẽ, họ bắt đầu kể những chuyện về thân thế người thổi sáo.

Tiến là một anh chàng xinh trai, và tài hoa. Âm nhạc thứ gì anh cũng biết hết, nhưng hay nhất là sáo ngang. Anh lại biết ca hát đủ các lối: giọng anh trầm và mạnh mẽ, mỗi khi anh vừa gẩy đàn bầu vừa ca Nam Binh thì ai cũng phải muốn nghe. Anh không có nghề nghiệp gì cả. Mẹ anh chỉ có một mình anh; bà cụ năm nay đã già, và đứng trông nom một cửa hàng cơm trọ cho các hành khách đi tầu. anh không làm việc gì. Suốt ngày loay hoay vào mấy cái đàn, hoặc làm những thứ đèn kéo quân rất thần tình, ngày tháng tám, bởi anh rất khéo tay, bà cụ Tiến đã nhiều lần phàn nàn về sự Tiến chẳng giúp đỡ cụ được công việc gì; tuy già đã hai thức tóc mà bà vẫn còn phải khó nhọc để nuội con. Hàng xóm ai cũng chê anh chàng lười và bất hiếu. Nhưng hễ khi nào bà cụ chửi mắng quá là Tiến nổi xung – anh ta tính rất cọc - đập phá hết cả đồ đạc trong nhà. Bà cụ Tiến lăn lộn kêu khóc ngoài đường, phân vua với cả phố về sự khổ cực của bà; tiến cứ đập và cứ phá, nhưng không bao giờ anh chạm đến những cây đàn treo trên vách.

Cãi nhau xong, hai mẹ con lại làm lành như cũ. Tội nghiệp bà cụ, bà có một con, chẳng lẽ giận con mãi. Người ta lại thấy Tiến ngồi chắp nhặt những thức mà anh ta đã phá và bà cụ thổi nồi cơm rõ ngon và mua nhiều đồ nhắm cho con uống rượu.

Rồi buổi chiều, tiến mang sáo ra cánh đồng đằng sau nhà thổi. Tiếng sáo anh này hôm ấy càng réo rắt du dương, lên bổng xuống trầm, bay đi khắp mọi nơi.

Nếu chỉ có thế, thì người trong phố cũng ít chuyện kháo nhau về anh ta. Tôi quên chưa nói rằng Tiến không có vợ, không có con chính thức. Ngày còn trẻ, đã lâu lắm, mẹ Tiến có cưới cho anh ta một cô vợ người cùng làng, nhà khá giả và đảm đang lắm. Nhưng sau khi đi học đàn trở về, anh ta chê vợ xấu và tìm cớ đuổi đi.

Từ đấy, anh không lấy người nào nữa, và giả thử anh có muốn lấy vợ, những nhà có con gái trong làng cũng chẳng ai gả cho anh. Nhưng anh không cần vì anh nhiều vợ theo lắm.

Lần đầu tiên, sau khi đi vắng một ít lâu, anh trở về đem theo một cô gái rất trẻ và có nhan sắc, chỉ độ mười lăm, mười sáu tuổi. Tất cả phố ga đều tò mò chú ý và bàn tán đến người con gái ấy. Họ bảo nhau rằng cô ta mê Tiến vì tiếng sáo, trốn nhà theo Tiến về đây. Người bảo cô là con một ông phán già ở trên tỉnh; có người, ra dáng biết rõ chuyện hơn, quả quyết rằng cô lạ con út một ông Án vùng xuôi, em một cậu ấm cũng chơi bời và đàn địch như Tiến; và bởi thế Tiến đi lại nhà cậu ấm kia họa đàn, rồi quyến rũ cô em gái. Sự thực, có lẽ không ai biết rõ. Người ta bàn tán vì rỗi chuyện cũng có, và vị ghen với Tiến có cô vợ đẹp theo cũng có. Những trang sức đắt tiền của cô con gái, vòng xuyến, hột hoa, toàn bằng vàng, gây lòng thèm muốn và ganh ghét. Cô Liên – tên người thiếu nữ - đi đến đâu cũng gợi chung quanh cô những bàn tàn ra vào. Nhưng không ai dám tỏ ý khinh cô. Cái vẻ thanh cao quý của cô, cái bàn tay xinh xẻo, có ngón tay búp măng, và gót chân đỏ hồng nhỏ nhắn của cô nổi lên giữa đám người thô sơ ở phố này và khiến họ kính phục. Một đằng khác, cái vẻ duyên thắm dễ thương của cô, đôi mắt đen lành và thơ ngây như đôi mắt của trẻ con, khiến mọi người có cảm tình tốt đối với người con gái ấy.

Truyện ngắn Thạch LamNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ