Buồn nôn, Sartre thơ thẩn trước cổng chùa_Kiệt Tấn

293 1 0
                                    

"Je comprenais la Nausée, je la possédais."

Sartre

"Xá lợi tử! Thị chư pháp không tướng"

Bát nhã Tâm Kinh

A. Dẫn nhập

L’existentialisme, Thuyết hiện sinh của Sartre là triết thuyết rất thịnh hành trong thập niên 1960. Buồn nôn, phi lý là thái độ rất thường thấy trong giới trí thức trẻ vào thời kỳ này. Lúc đó, người viết mới vào lứa tuổi 20 nên không rõ Thuyết hiện sinh là cái gì cho lắm. Bây giờ, hơn 40 năm sau mới có dịp trở lại tìm hiểu cái hiện tượng “buồn nôn, phi lý”, “rong rêu sỏi đá” của các bậc đàn anh mình thời trước.

Rồi buồn nôn chợt đến

[…] Như vậy, khi nãy tôi ở trong công viên. Rễ cây marronnier lặn sâu trong đất, ngay dưới băng ghế tôi ngồi. Tôi không còn nhớ ra đó là một cái rễ cây. Các từ ngữ đã tan biến, và cùng tan biến theo nó ý nghĩa của sự vật, cách sử dụng chúng, những dấu ghi mờ nhạt mà người ta đã vạch trên mặt chúng. Tôi ngồi, người hơi cong, đầu cúi, một mình đối diện với khối vật đen đúa và gút mắc, hoàn toàn thô thiển và nó làm tôi sợ. Và rồi trong tôi chợt bừng sáng. Điều đó khiến tôi ngộp thở. Trước những ngày gần đây, chưa bao giờ tôi linh cảm "hiện hữu" muốn nói lên điều gì. Nếu có ai đó hỏi tôi hiện hữu là gì, có lẽ tôi sẽ trả lời một cách thành thật rằng nó chẳng là gì cả, nó chỉ vỏn vẹn là một hình thể trống rỗng (forme vide) ghép lên sự vật từ phía bên ngoài mà không làm thay đổi một mảy may nào bản chất của sự vật. Và rồi thế đó; bất thình lình, nó có đó, sáng trưng như ban ngày: hiện hữu thình lình được vén màn. Nó đã đánh mất cái dáng vấp vô hại của thể loại trừu tượng: chính nó là cái chất bột (pâte) của sự vật, cái rễ cây này được nhồi nặn trong chất hiện hữu. Hoặc đúng hơn, cái rễ cây, hàng rào của khu vườn, băng ghế, loại cỏ mọc lơ thơ trên thảm cỏ, tất cả đều tan biến; cái đa dạng (diversité) của sự vật, tính cá biệt (individualité) của chúng chỉ là cái dáng dấp bên ngoài, một lớp sơn. Lớp sơn đã tan chảy, chỉ còn lại những khối chất (masses) quái dị và mềm nhão, hỗn độn – trần truồng, một sự trần truồng kinh khiếp và tục tĩu (obscène).

[…] Khoảnh khắc đó thật là phi thường. Tôi ngồi đó, bất động và lạnh cóng, đắm chìm trong một nỗi tê mê khủng khiếp. Nhưng, ngay trong lòng tê mê đó, một điều mới tinh khôi vừa chợt xuất hiện: tôi hiểu sự Buồn nôn, tôi mang nó trong người. Nói đúng ra thì tôi không tự diễn đạt các khám phá của mình. Nhưng tôi tin rằng, giờ đây, rất dễ cho tôi dựng chúng lên thành chữ. Điều cốt lõi là tính ngẫu nhiên (contingence). Tôi muốn nói, theo định nghĩa, hiện hữu không phải là điều tất định (nécessité). Hiện hữu là có đó, giản dị như vậy thôi; các thể vật hiện hữu (existants) xuất hiện, chúng để cho ta gặp gỡ, nhưng không bao giờ ta có thể diễn dịch (déduire) được chúng. (Trích La Nausée, J.P. Sartre, Gallimard xuất bản 1938)

Sartre (Jean-Paul Sartre / JPS) nổi tiếng là người có lối viết triết học vô cùng bí hiểm và tối tăm. Tác phẩm nền tảng của triết thuyết hiện sinh, L’Être et le Néant (Hữu thể và Hư vô) không có mấy ai đọc nổi và thấu triệt được hết những gì mà Sartre muốn thuyết giảng. Chẳng hạn như câu Sartre viết như sau về ý thức: "La conscience est un être pour lequel il est dans son être question de son être en tant que cet être implique un être autre que lui." (Cái gì être? Và être cái gì? Giống như là viết truyện trinh thám. Bí mật hoàn toàn). Theo sự hiểu biết thô thiển của người viết thì đại ý của câu nói "hoả mù" đó là: "Ý thức là ý thức về một cái gì đó khác hơn mình." Và cái ý này là của Husserl. Có thể là đã hoàn toàn hiểu sai ý của Sartre. (Nói khó hiểu thì bị người khác hiểu sai là điều… dễ hiểu). Có người đã diễu cợt: "Triết lý là gì ? Triết lý là nói thật rắc rối về những điều rất là giản dị." Có dụng ý gì trong cái "rắc rối" (cuộc đời) đó chăng?

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: Apr 25, 2011 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

Buồn nôn, Sartre thơ thẩn trước cổng chùa_Kiệt TấnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ