44

4 1 0
                                    

Kỳ Vân dặn Kỳ Duật đến một mình, nhưng Lục Trác Niên nhất quyết đòi đi theo anh. Với hắn, nhà họ Kỳ chẳng khác gì hang hùm miệng rắn, chỉ cần nghĩ tới việc Kỳ Duật phải tự đối mặt với họ thôi là hắn chẳng yên lòng để anh đi. Nhất là khi cậu bé kia còn đang lượn lờ trước mặt, vô tình nói to với cậu thôi cũng đủ để cậu rụt cổ, khiến Lục Trác Niên như có cảm giác nhìn thấy Kỳ Duật phiên bản nhỏ vậy, nên hắn càng khó chịu hơn. Kỳ Duật cũng hết cách, hơn nữa cũng không nhất thiết phải nghe lời Kỳ Vân, nên để mặc cho hắn đi theo.

Khi hai người tới bệnh viện, phòng bệnh chỉ có hai hộ lý túc trực bên cạnh ông cụ, trong đó có một người đang bón cơm cho ông cụ ăn.

Thấy hai người tới, ông cụ chậm chạp giơ tay lên, ra ý không ăn nữa, để người đó bón cho mấy thìa nước ấm rồi cầm khăn tay lau sạch miệng. Một người thu dọn bát đũa, người còn lại chỉnh cao đầu giường bệnh lên để ông cụ trông như đang ngồi. Ông vẫn không nói gì, chỉ chỉ vào chiếc kính gọng vàng đặt ở đầu giường. Hộ lý mau chóng đeo kính giúp ông, mới được một nửa thì ông cụ nghiêng đầu, làm người đó ngơ ngác. Kỳ Duật đón lấy, nói: "Để tôi."

Trước đó hộ lý có nghe thấy Kỳ Duật gọi ông cụ là ông nội, nên giờ vội vàng đưa kính cho anh, lại nghe thấy anh nói: "Mắt kính bị bẩn nên ông không chịu đeo." Giọng anh hiền hòa, lại pha chút ý cười, khác hẳn với người cháu còn lại của ông cụ. Hộ lý "ồ" một tiếng, vội đưa cho anh khăn lau kính vừa bọc cùng chiếc kính. Kỳ Duật cảm ơn, đáp: "Không cần cái này". Sau đó vào phòng vệ sinh, rửa sạch kính rồi lau khô, xong xuôi mới cầm kính đứng cạnh ông cụ: "Để cháu giúp ông đeo ạ."

Ông cụ vẫn chẳng nói năng gì, chỉ nhìn anh chằm chằm. Kỳ Duật chờ một lúc, đoạn khom người đặt kính lên sống mũi ông cụ. Động tác của anh rất nhẹ nhàng, hộ lý đứng bên cạnh dõi theo, thầm cảm thán hiếm khi thấy người có tiền lại ân cần chu đáo với người lớn như vậy. Nhưng càng nhìn lại càng cảm thấy không khí giữa hai ông cháu này cứ là lạ, bất giác liếc sang nhìn Lục Trác Niên đang đứng cạnh Kỳ Duật. Lục Trác Niên cảm nhận được ánh mắt của người đó nên cười một cái, khiến anh ta vội ngoan ngoãn cúi đầu xuống.

Tới tận khi Kỳ Duật đứng thẳng lên rồi, ánh mắt của ông cụ vẫn dán chặt lên nguời anh, đoạn ông mới mở miệng nói: "Trông anh giống hệt mẹ mình."

Lục Trác Niên mau mắn đáp: "Con trai giống mẹ, con gái giống bố là nhà có phúc."

Thế là ông cụ đưa mắt sang nhìn hắn. Lục Trác Niên ưỡn thẳng lưng, hai tay bắt chéo phía trước, nở nụ cười cực kỳ tiêu chuẩn.

Kỳ Duật dường như chẳng để ý: "Từ nhỏ cháu đã giống mẹ rồi."

Lục Trác Niên lại xen ngang: "Cho nên trông mới đẹp..."

Lần này Kỳ Duật bất đắc dĩ phải nhìn về phía hắn. Lục Trác Niên tròn xoe mắt nhìn hắn, ra vẻ ngây thơ, nhưng cũng bắt được tín hiệu từ anh, biết anh tự mình xoay xở được nên bảo: "Anh chờ em ở ngoài nhé."

Lục Trác Niên vừa ra khỏi cửa, ông cụ nói luôn với hai hộ lý: "Hai người ra ngoài đi."



Nhà họ Kỳ dùng hai hộ lý một lúc vì sợ nhỡ chuyện gì xảy ra còn có người ở cạnh ông cụ. Tất cả hộ lý lúc ký hợp đồng đều được căn dặn nhiều lần rằng phải đảm bảo luôn có ít nhất hai người túc trực bên ông. Lúc này ông cụ ra lệnh vậy khiến họ khó xử, Kỳ Duật bèn nhỏ nhẹ nói: "Yên tâm, có tôi đây rồi. Hai người chưa ăn cơm đúng không, giờ đi ăn đi."

Hai hộ lý đưa mắt nhìn nhau, vẫn không dám rời đi. Bọn họ làm việc theo ca, chút nữa sẽ có nhóm khác tới thay, tất nhiên sẽ có thời gian để ăn uống, mà công việc này lương rất hậu hĩnh nên họ phải cẩn thận.

Một hộ lý ngập ngừng lên tiếng: "Vậy bọn tôi đứng ngoài cửa, có gì thì gọi bọn tôi vào nhé."

Người còn lại vội nói: "Đúng đúng."

Vậy là trong phòng bệnh chỉ còn lại hai ông cháu Kỳ Duật. Ông cụ nửa ngồi trên giường, lộ rõ vẻ già nua, nói được mấy câu lại phải dừng lại, nhưng vẫn cố chấp giữ phong thái uy nghiêm của mình. Ông là trụ cột của cả dòng họ suốt mấy chục năm trời, tính tình cứng nhắc, nói sao làm vậy. Kỳ Duật từ nhỏ đã quen lặng lẽ để ý sở thích của một trong những trưởng bối ruột thịt ít ỏi này, nhưng không phải vì muốn lấy lòng ông, mà bởi sợ ông ghét bỏ. Có thể nói, đây là chuyện mà ai trong dòng họ cũng e sợ, nói chi đến một đứa trẻ như Kỳ Duật.

Mấy hôm nay anh đã ngẫm nghĩ xem tại sao mình chịu đựng suốt bao năm rồi, vậy mà lần này lại không chịu nhân nhượng nữa.

Anh cho rằng, có lẽ bởi mình đã thấy được thế nào mới đúng là một gia đình, lần đầu tiên thật sự cảm nhận được nguồn năng lượng đẹp đẽ, ấm áp và cũng rất đỗi mạnh mẽ như vậy. Bởi vậy anh chẳng màng níu kéo sợi dây ràng buộc mỏng manh tới cơ hồ không có giữa mình và Kỳ gia nữa. Lục Trác Niên có nói anh giống một hòn đảo cô độc, còn miêu tả hòn đảo này bằng ngôn từ đẹp đẽ. Nhưng dù có đẹp đến mấy cũng chẳng ai muốn là một hòn đảo biệt lập cả.

Sống trên cõi đời này, nào có ai muốn là con nhà quyền quý nhưng cơ hồ chỉ tựa như hạt bụi lơ lửng giữa không trung, đơn độc và lạc lõng, lay lắt theo dòng chảy thời gian. Ngày qua tháng lại, mãi chỉ có khoảng không u tịch và mênh mông bầu bạn, khoảng không dẫu rộng lớn nhường ấy, rộng tới mức bao trọn lấy một đời, nhưng lại chẳng có lấy một sợi dây ràng buộc.

Từ bé tới lớn, anh đã khắc sâu họ "Kỳ" vào trong xương tủy mình, từng lời nói và hành động đều vô cùng chừng mực, người ngoài dễ dàng có thể thấy được nét đặc trưng của nhà họ Kỳ từ anh, để rồi kính trọng anh, nhưng anh nào có vì thế mà nhận được sự chấp nhận từ bất cứ người nào trong dòng họ.

Cứ thế, anh biến mình thành một kẻ sống vô dục vô cầu, tới mức ngay bản thân anh cũng thấy rằng có lẽ thế này mới là tốt nhất, ít ra số mệnh không tệ bạc với anh. Ngay lúc anh gần như biến mất, đã có một người xuất hiện, kéo anh khỏi khoảng không quạnh quẽ kia.

Cảm giác ấy thật khó tả, hệt như trên vùng đất băng giá đột nhiên xuất hiện sức xuân, làm băng tan tuyết chảy, vạn vật sinh sôi, đẹp nức lòng người.

Kỳ Duật lại đưa mắt nhìn người ông già nua này. Anh biết thừa ông không muốn để người khác thấy cảnh mình được hộ lý bón cho ăn, cũng để ý thấy mái tóc được chải gọn gàng dù ông cụ đang nằm trên giường bệnh. Ông khăng khăng đòi ngồi dậy để nói chuyện, không chịu nhìn người ta bằng đôi mắt mờ, cũng chẳng chịu đeo đôi kính bẩn. Ngay từ bé anh đã để ý đến những tiểu tiết ấy, nhưng chưa bao giờ lại thấy rõ ràng như lúc này.

"Ông muốn nói gì với cháu ạ?" Kỳ Duật hỏi.

"Cổ phần của công ty... tôi sẽ không cho anh đâu." Ông cụ đáp.

Kỳ Duật nói: "Dù ông có cho, cháu cũng không cần."

Ông cụ chẳng màng lời anh, chỉ tiếp: "Tôi phải để Kỳ Trấn có đầy đủ quyền phát ngôn... Những thứ bà anh để lại, trừ cổ phần ra, còn lại đều của anh cả."

Kỳ Duật ngẩn ra, vẫn đáp: "Không cần đâu ạ."

"Bà anh trước lúc ra đi đã sắp đặt như vậy." Cặp kính hơi trễ xuống, khi nói tới đây, ông cụ đã bắt đầu thở hổn hển, chẳng còn hơi sức để ý đến đôi kính nữa. "Anh còn trẻ thì biết cái gì? Giờ anh quấn quýt mặn nồng với cậu hai nhà họ Lục, nhưng về sau thế nào thì chưa biết đâu."

Lương NhânNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ