TLHP - Bài này được đăng năm 2001, nhưng cũng có giá trị tham khảo.
Ngồi lặng yên tại hiện trường, dùng các giác quan cảm nhận mọi vật, hình dung từng công việc, từng ý nghĩ của hung thủ, như thể hóa thân vào hung thủ... Đó là cách làm việc của bà Micki Pistorius (41 tuổi), nhà tâm lý học tội phạm lừng danh của cảnh sát Nam Phi. Trong vòng 5 năm, bà đã tham gia điều tra 35 vụ, giúp cảnh sát bắt giữ 10 tên giết người hàng loạt.
Vụ án đầu tiên bà Micki Pistorius tham gia vào năm 1994, lúc đất nước Nam Phi đang sục sôi làn sóng bạo lực, phân biệt chủng tộc. Bọn sát nhân hàng loạt xuất hiện khắp nơi. Cảnh sát thủ đô đã nhờ trường Đại học Pretoria giới thiệu một nhà tâm lý học để giúp định ra nhân cách bọn tội phạm. Micki được gửi đến vùng Đất Mũi ở cực nam Châu Phi.
Tại đó, một kẻ bệnh loạn đang lộng hành. Hắn đã bắt cóc 22 cậu bé, mang vào vùng sa mạc vắng vẻ để bóp cổ cho chết rồi hãm hiếp. Những thông báo mà kẻ giết người gửi cho cảnh sát được viết với lời lẽ huênh hoang. Nạn nhân mới nhất là cậu bé 11 tuổi, xác được tìm thấy tại một bãi cát dài. Micki đề nghị cảnh sát để bà một mình, quan sát, đi lại, lắng nghe, hít thở...
Về đến trụ sở, Micki thảo ra 50 trang định dạng nhân cách tâm lý "tên bóp cổ vùng Đất Mũi": Người da đen, đồng tính luyến ái, khoảng 30 tuổi; là thầy giáo, cảnh sát hoặc thành viên một tổ chức từ thiện. Hắn là người ngăn nắp, hiện đang sống tại nhà bố mẹ. Hắn có thể là nạn nhân của một vụ lạm dụng tình dục từ thời thơ ấu. Hung thủ có thể sống trong bệnh viện tâm thần.
Làm sao Micki có thể biết được như vậy? Chính là nhờ các tri thức về tâm lý học, sự xét đoán sáng suốt và cả trực giác nữa. Tên sát nhân là người da đen, vì vùng đất này không có người da trắng nào có thể bắt cóc tới 22 đứa trẻ mà không bị phát hiện. Tuổi trên 30 vì máu giết người thường mạnh nhất ở vào tuổi 25, mà tên này hoạt động tới 8 năm. Đồng tính luyến ái vì việc hãm hiếp các cậu bé, mà chắc tên này hồi nhỏ đã bị như vậy, nên nay hắn muốn trả thù. Hắn vẫn sống với bố mẹ, vì theo Micki thì một con người như vậy không thể có vợ con, mà nếu hắn sống một mình thì tất đã đưa các nạn nhân về nhà hắn. Hắn biết cách nói với trẻ em, biết làm cho trẻ em tin tưởng đi theo hắn nên có thể hắn là thầy giáo hoặc cảnh sát...
Giới cảnh sát vô cùng kinh ngạc, và đã truyền phát nhân dạng này đi khắp nơi. Chỉ ít lâu sau, một y tá bệnh viện tâm thần gọi đến báo cảnh sát là đã nhận ra một bệnh nhân của mình đúng như vậy: Tên hắn là Norman Simos. Simos đã viết lời khai hắn như giống những điều suy đoán của Micki, chỉ có một đều khác là hắn không phải là đã, mà là đang ở trong bệnh viện tâm thần. Hắn tự vào đó để tạo bằng chứng ngoại phạm.
Từ sau chiến công này, nhà tâm lý học được triệu đi khắp Nam Phi và trở thành một cảnh sát thực thụ, đối mặt với xác chết, với vũ khí tự động. Các vụ án được liên tiếp khám phá. Vụ án nổi tiếng năm 1997 khi đốt cháy cánh đồng mía vùng Durban sau vụ thu hoạch để lộ ra ba cái xác giấu dưới đống lá, đang rữa nát. Cảnh sát hình sự Durban và bà Micki điều tra khắp cánh đồng mía, tìm ra tổng cộng 18 cái xác, 18 phụ nữ bị hành hình giống nhau: lột hết quần áo, đặt nằm sấp, trói chặt và nhét giẻ vào miệng bằng chính quần áo của người bị hại, và bị bóp cổ chết.
Micki tin chắc là tên sát nhân đã giết người trước, sau đó mới lột quần áo và trói, hai việc sau chỉ là tượng trưng. Tên sát nhân vừa sợ, vừa ghét phụ nữ. Hắn không muốn phụ nữ nhìn thấy mình, nói với mình, chạm vào mình. Micki ngồi vào phòng làm việc ở trụ sở cảnh sát Durban, xung quanh tường treo kín ảnh: khu vực đồng mía, chân dung nạn nhân, chi tiết hành hình. Bà như hoá thân vào tên sát nhân, viết lời nhận dạng với ngôi đại từ nhân xưng thứ nhất số ít: tôi là...
Theo bà, tên sát nhân là người dân tộc Zoulou, tuổi 30-40, không có nghề nhất định, ở ngay vùng đồng mía, ăn nói khéo léo. Hắn đã ly dị hoặc bị vợ bỏ, căm thù đàn bà, đã từng bị kết án vì tội hiếp dâm. Các thám tử điều tra theo các chỉ dẫn này và đã bắt được tên Sipho Twala (31 tuổi, người Zoulou thất nghiệp), trong nhà hắn có nhiều quần áo phụ nữ, các nút thòng lọng làm bằng vải.
Mọi điều khác về nhân thân tên này đều đúng như Micki giả thiết. Tên sát nhân không chịu khai gì. Micki đã phải gặp và kể cho hắn nghe về một người có vết thương lòng vì đàn bà. Anh ta chỉ vợi nỗi đau khi dẫn một người phụ nữ vào trong cánh đồng mía... Nhưng khi tiếng rì rào nổi lên, lá mía cọ vào mặt thì người đó trở nên điên cuồng và phải giết người. Sipho Twala nghe kể xong, lặng người hồi lâu và nói: "Tôi biết tên đó. Nó là tôi".
Khi người ta hỏi, làm sao mà Micki có thể có được độ thấu cảm như vậy với bọn sát nhân, bà trả lời: "Tôi cũng không biết nữa. Chính nhờ những cảm giác mà tôi định dạng được bọn chúng. Tại hiện trường tội ác, hình như có một làn gió nhắc cho tôi về những dấu vết, tạo cho tôi những cảm giác. Hình như tại đó có một sự cộng hưởng, một sự rung động cực nhỏ mà tôi có thể thu nhận được, từ đó tạo ra cảm giác và nhận thức. Tôi cảm thấy điều mà tên sát nhân cảm thấy lúc phạm tội. Đôi khi tôi thấy tên sát nhân ở ngay trong đầu tôi".
Điều làm Micki sợ hãi là nhiều khi bà cảm thấy rõ tên sát nhân đang giết người ở đâu đó, như có một làn sóng truyền qua. Những việc điều tra như vậy đã làm Micki kiệt sức. Sự tiếp xúc thường xuyên với máu, với những xác chết thối rữa, với những tên sát nhân thú vật, và nhất là sự giao cảm lạ lùng với bọn sát nhân khiến bà không thể chịu đựng nổi nữa. Micki ra khỏi ngành cảnh sát năm 2000, và tham gia vào một công ty bảo vệ tư nhân. Bà vẫn làm công việc xác định nhân dạng, nhưng trong gian lận thương mại và lừa đảo. Bà muốn quên đi những gì mình đã trải qua ở đơn vị mà bà đã từng phụ trách trong ngành cảnh sát Nam Phi.
BẠN ĐANG ĐỌC
Hồ sơ tội phạm /tài liệu tham khảo (Diệp Mộc Nhiên)
AçãoTâm lý tội phạm học Biên tập bởi Diệp Mộc Nhiên