Phần Không Tên 3

1.2K 5 1
                                    

Huy Cận là một nhà thơ xuất sắc trong phong trào Thơ mới, tập thơ "Lửa thiêng" của ông đã làm nghiêng ngả bao tâm hồn bạn đọc. Một trong những bài thơ hay nhất trong tập thơ là thi phẩm Tràng giang, bài thơ mang một nỗi buồn mênh mang, sâu lắng trong giọng thơ vừa cổ điển vừa lãng mạn, rất tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận trước cách mạng. Tràng giang mang một vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại, vì thế mà Xuân Diệu đã có một nhận xét hết sức tinh tế: "bài thơ hầu như đã trở thành cổ điển của một nhà thơ mới".

Vẻ đẹp cổ điển được hiện ra ngay từ nhan đề của bài thơ, "Tràng giang" đã mở ra cả một khoảng không gian rộng lớn trước mắt khiến người đọc có cảm giác choáng ngợp trước vẻ bao la, rộng lớn đó. Tiếp đó, Huy Cận mở đầu bài thơ bằng một lời đề từ: "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài". Câu thơ có bảy chữ thì có đến bốn từ tả cảnh xen thêm ba từ tả tình chứng tỏ câu thơ hội tụ kết tinh tư tưởng của toàn bài thơ, khổ thơ nào cũng có cảnh thiên nhiên như một tấm nền bộc lộ tâm trạng buồn bâng khuâng của thi sĩ và qua đó định hướng cho người đọc hiểu được tư tưởng của bài thơ, đó chính là tình yêu quê hương đất nước và tâm trạng của nhà thơ.

Bài thơ có bốn khổ thơ, khổ thơ nào cũng dập dềnh sóng nước như chính là sóng tâm trạng của tác giả. Khổ thơ đầu như một tiếng chuông ngân mở ra cảm hứng thẩm mĩ cho toàn bài thơ, đưa người đọc vào một không gian sóng nước mênh mang:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng

Trong khổ thơ đầu, nhà thơ đã sử dụng phép tu từ nhân hóa: sóng trên sông biết "buồn điệp điệp" chứng tỏ nhà thơ đã thổi tâm trạng buồn từ trái tim mình vào sóng trên sông để biến sóng và sông thành những tinh thể có tâm hồn đồng cảm với thi nhân. Vậy là không còn tràng giang của thiên nhiên, vũ trụ mà chỉ còn dòng sông lớn của tâm trạng và mỗi con sóng gợn là một nỗi buồn ào ạt của nhà thơ dâng trào. Trên dòng nước tràng giang sóng gợn mênh mông ấy, nhà thơ điểm vào hình ảnh của một con thuyền tạo nên sự đối lập giữa sóng nước mênh mông và con thuyền nhỏ bé cô đơn. Nhà thơ dụng ý để con thuyền xuôi mái trên những luồng nước lớn chảy song song cuồn cuộn, dữ dội như gợi cảm về sự chia lìa, không hòa nhập, con thuyền không chủ động trong phương hướng mà thụ động, trôi nổi, lênh đênh, vô định. Hình ảnh này như ẩn dụ cho chính nhà thơ và bao kiếp con người khác trong xã hội thực dân không được xã hội đảm bảo quyền sống, họ cũng lênh đênh, trôi nổi, không tự quyết định được phương hướng của dòng sông cuộc đời. Tâm trạng này của nhà thơ lại được một lần nữa nhấn mạnh ở câu thơ thứ ba qua phép tu từ đối lập "thuyền về nước lại sầu trăm ngả", nhấn mạnh thêm sự tan tác chia lìa không thể hòa nhập giữa con người và xã hội, giữa thuyền với nước. Độ rộng lớn mênh mông của mặt nước càng làm cho con thuyền thêm nhỏ bé.

Mặc dù đã gửi nỗi buồn hóa thân vào hình ảnh con thuyền nhưng nỗi buồn không vơi đi mà còn đầy thêm, nhà thơ tiếp tục gửi nỗi buồn vào "củi một cành khô". Nếu ba câu thơ trên phảng phất nét cổ điển với hình ảnh ẩn dụ quen thuộc là sông, nước, thuyền thì đến câu thơ thứ tư lại đậm tính hiện đại với hình ảnh cành củi khô, rất bình dị, đời thường không ai đưa vào thơ bao giờ thế nhưng Huy Cận đã táo bạo đưa hình ảnh này vào thơ của mình để diễn tả hữu hiệu tâm trạng buồn, cô đơn. Hình ảnh cành củi khô gợi sự tàn lụi, khô héo, động từ "lạc" đứng trước "mấy dòng" gợi sự lênh đênh, vô định, không phương hướng trong tương lai.

Tràng GiangNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ