Cung đàn sau cuối (His Last Bow)
Lúc đó là 9 giờ tối ngày 2 tháng 8, cái tháng 8 khủng khiếp trong lịch sử thế giới. Có thể nói rằng cơn giận dữ của Thượng đế đang đè mạnh lên một thế giới suy đồi. Sự yên lặng nặng nề và sự hồi hộp ngóng trông dang trối bồng bềnh trong không trung oi bức và im lìm. Mặt trời dã lặn, nhưng ở chân trời phía Tây kéo dài một màu đỏ giống một vết thương còn chảy máu. Bên trên, vô vàn ngôi sao đang rực sáng và bên dưới, đèn dầu của tàu bè nhấp nháy ở ngoài vịnh.
Hai người Đức đứng dựa vào bao lơn bằng đá của sân thượng. Cái nhà thấp nằm thườn thượt sau lưng họ. Họ nhìn cái vòng cung to của bờ biển dưới chân đá bờ vôi kỳ vĩ, châu đầu trao đổi các câu chuyện bí mật. Đứng từ dưới nhìn lên, đầu đỏ rực của hai điếu xì gà giống như đôi mắt của quỷ dữ đang rập rình lúc đêm về.
Một con người siêu việt, có thể nói về Von Bork như vậy! Hắn là tay cao thủ nhất trong đám điệp viên của hoàng đế Đức quốc. Hắn được giao phó một số sứ mạng quan trọng ở A. Tài ba của hắn nổi bật trong tâm trí đám người quyền thế, nhất là người bạn đồng hành của hắn lúc đó, nam tước Von Herling, bí thư trưởng sứ quán. Chiếc xe Benz 100 mã lực của nam tước đang chễm chệ đậu trên đường chờ chở hắn về London.
Viên bí thư nói:
- Theo dự đoán của tôi, trong tình hình này, có lẽ ông nên quay về Berlin trong tuần này. Khi về tới đó, ông sẽ ngạc nhiên trước các cuộc đón tiếp, bởi vì tôi biết rõ cấp cao nhất đánh giá thế nào về công việc mà ông đã thực hiện được tại nước Anh.
Nam tước là một người cao, to, nói năng chậm rãi, đầy tự tin, nên đã thành công lớn trong sự nghiệp chính trị.
Von Bork cười vang:
- Họ rất dễ gạt! Không thể kiếm đâu ra một dân tộc ngây ngô hơn dân tộc này.
- Tôi không biết! – Gã kia đáp với vẻ vô tư – Họ có những cái giới hạn kỳ quặc mà ta không nên vượt qua. Cái ngây ngô bên ngoài của họ là một cái bẫy đối với người lạ đó. Cảm giác ban đầu là người Anh mềm như bún. Nhưng khi vấp phải một cái gì chắc như đá, ta phải biết ta đã chạm mức rồi. Thí dụ các quy ước về đảo quốc của họ, chúng ta không thể coi thường được.
- Ông muốn nói đến cái "nghi thức" và những cái tạp nham cùng loại? – Von Bork hỏi rồi thở dài.
- Tôi muốn nói đến cái định kiến của người Anh trong tất cả các cái thể hiện kỳ quặc của nó. Đây, tôi xin kể cho ông nghe một trong những sự ngộ nhận tai hại nhất của tôi. Ông đã thấy tôi thành công tới mức nào rồi. Tôi vừa nhậm chức thì liền được dự tiệc cuối tại một biệt thự đồng quê của một ông bộ trưởng. Mọi người không ai giữ miệng giữ mồm cả.
Von Bork gật đầu:
- Tôi có dự.
- Đúng thế! Và đương nhiên tôi có gởi về Berlin một bản tóm lược tin tức đã thu nhặt được trong buổi tiệc đó. Khốn nạn cho tôi, ông thủ t của chúng ta lại chuyển qua một nhận xét cho biết rằng ông đã biết những gì đã được nói tại buổi chiêu đãi. Ai có thể mường tượng đầy đủ cái nỗi khổ mà tôi phải chịu do vụ này. Do đó tôi có thể cam đoan với ông rằng, người Anh không mềm đâu. Phải hai năm sau tôi mới quên được cái scandal này. Còn ông... nhà đóng kịch...
BẠN ĐANG ĐỌC
8. Cung đàn sau cuối
AksiCung đàn sau cuối (His Last Bow) là tuyển tập gồm 8 truyện ngắn của Arthur Conan Doyle viết về nhân vật Sherlock Holmes. Cuốn sách được xuất bản năm 1917. Đây là tuyển tập truyện ngắn thứ tư trong 5 tập truyện ngắn, Arthur Conan Doyle đã viết 56 tr...