PHẦN MỘT
Má tôi chết ngày hôm nay, hay có lẽ từ hôm qua, tôi cũng không biết nữa. Tôi nhận được một bức điện tín của viện dưỡng lão: mẹ chết. An táng ngày mai. Thành thực phân ưu". Như thế không có gì rõ rệt cả. Có lẽ chết hôm qua.
Viện dưỡng lão ở Marengo, cách Alger tám mươi cây số. Tôi sẽ đi xe buýt hồi hai giờ trưa và tới nơi vào buổi chiều. Như thế, tôi có thể thức để canh tử thi và chiều mai sẽ trở về. Tôi xin phép chủ nghỉ hai ngày và ông không thể nào từ chối được trước một lý do như vậy. Nhưng ông có vẻ không bằng lòng. Tôi đã phải nói với ông: " Đó không phải lỗi tại tôi". Ông không trả lời. Sau tôi nghĩ, đáng lẽ tôi không nên nói với ông như vậy. Kể ra tôi không việc gì phải tự bào chữa. Đáng lý ra chính ông phải chia buồn với tôi. Nhưng có lẽ đến ngày kia, ông sẽ chia buồn khi thấy tôi đeo băng tang. Còn bây giờ, cứ coi như má tôi chưa chết. Trái lại, sau lễ an táng thời đấy là một việc đã rồi và tất cả mọi sự sẽ có một tính cách chính thức hơn.
Tôi đi xe buýt hồi hai giờ. Trời rất nóng bức. như thường lệ, tôi ăn tại khách sạn của lão Celeste. Ai nấy đều tỏ vẻ đau buồn với tôi và Céleste bảo tôi: "Người ta chỉ có một mẹ thôi!". Khi tôi đi, họ theo tiễn tôi đến cửa. Tôi hơi bối rối vì phải lên phòng Emmanuel mượn y một cái ca-vát đen và một băng tang. Y có người chú mới chết, cách đây vài tháng.
Tôi chạy vội vàng để khỏi lỡ xe. Vừa hấp tấp, vừa chạy nhanh, có lẽ tại mọi thứ đó, thêm với xe nhồi xốc, mùi dầu xăng, sự phản chiếu của mặt đường dưới ánh nắng chói chang làm tôi buồn ngủ. Tôi đã ngủ gần hết cuộc hành trình. Khi chợt thức giấc, tôi thấy mình ngồi chèn ép với một quân nhân; y mỉm cười và hỏi có phải tôi từ xa đến. Tôi trả lời "phải" đế khỏi nói thêm.
Viện dưỡng lão cách làng hai cây số. Tôi đi bộ đến nơi. Tôi muốn thăm má tôi ngay. Nhưng người gác cổng bảo tôi phải đến gặp viên Giám đốc. Vì ông đang bận, tôi phải chờ một chút. Trong suốt thời gian đó, người gác cổng nói chuyện và sau cùng tôi gặp viên Giám đốc: ông tiếp tôi ở văn phòng. Đây là một ông già nhỏ thó, có Bắc-đẩu Bội-tinh. Ông nhìn tôi với ánh mắt trong trẻo. Rồi ông bắt tay tôi và giữ thiệt lâu đến nỗi tôi không biết làm thế nào để rút tay ra. Ông xem một hồ sơ và bảo tôi: "Bà Meursault vào đây đã ba năm nay. Anh là nơi sở cậy duy nhất của bà cụ". Tôi tưởng là ông quở trách tôi điều chi và ông bắt đầu sắp giải thích. Nhưng ông ngắt lời tôi: "Anh không cần phải thanh minh. Tôi đã đọc hồ sơ của cụ. Anh không thể cấp dưỡng đầy đủ cho cụ. Cụ cần phải có một người săn sóc. Lương anh ít ỏi. Dù sao ở đây cụ vẫn sung sướng hơn!". Tôi nói: "Thưa ông Giám đốc, vâng". Ông nói thêm : "Anh nên biết là cụ còn có bạn hữu, những người đồng tuổi với cụ. Cụ có thể trao đổi với họ những chuyện thích thú của một thời khác. Anh còn trẻ, nếu ở với anh thời cụ sẽ buồn nản".
Đúng thế. Khi còn ở nhà, mà tôi cả ngày cứ yên lặng đưa mắt ngó theo tôi hoài. Trong những ngày đầu ở viện dưỡng lão, bà thường khóc luôn. Nhưng đấy là thói quen. Một vài tháng sau, nếu người ta đưa bà ra khỏi viện, chắc bà sẽ khóc. Luôn luôn vẫn là do thói quen. Vì thế nên trong năm cuối cùng, tôi gần như không đến thăm bà. Và cũng vì sự viếng thăm đó sẽ làm mất hết của tôi một ngày chủ nhật - ấy là chưa kể sự cố gắng để đi xe buýt, mua vé và ngồi xe trong hai giờ liền!
BẠN ĐANG ĐỌC
Người xa lạ - Albert Camus
Aktuelle LiteraturNgười xa lạ (còn được dịch Kẻ xa lạ hay Người dưng; tiếng Pháp: L'Étranger) là một tiểu thuyết của Albert Camus được viết vào năm 1942. Đây là một tác phẩm lạ thường nói về một người đàn ông Pháp bị bệnh tâm thần, người mà cuối cùng đã bị tống giam...