02
Thầy bảo bâng khuâng là tâm cảm thuộc về quá khứ. Như lưu luyến, như chẳng thể rời xa, lồng ngực dày xé đến mức chỉ muốn mãi chôn chân nơi dĩ vãng mà không buồn quay đầu về phía trước. Đó là quá khứ có thể đẹp đẽ, cũng có thể buồn đau. Hạnh phúc có, dỗi hờn có, mà quạnh quẽ cô đơn cũng có, chung quy tùy thuộc vào biến cố từng người. Nhưng suy cho cùng thì tất cả những mảng quá khứ đa sắc ấy đều sắp phải giăng mắc cho mình một cái tên mới, cái tên nhắc đến nghe thật chạnh lòng: kỷ niệm.
Ai cũng có kỷ niệm riêng cuộc đời. Hiện tại của ta chính là ký ức của ngày sau. Dù có hờ hững hay trân trọng thì sự thật vẫn chẳng thể thay đổi, rằng thời gian sẽ trôi, cuộc sống hiện thời rồi sẽ trở thành nơi lơ lẳng trong tâm trí để ta tìm kiếm mà nhớ về.
"Hôm đấy, thầy bước vào đã thấy tụi nhỏ im ắng lạ thường. Đứng trên bục giảng, thầy hỏi chuyện thì trưởng lớp mới đứng lên, thưa trong nước mắt. Đó là tiết học cuối cùng, tiết học mà chẳng ai mong đến giờ phút kết thúc. Ngay khi tiếng chuông đã điểm, chúng vẫn không chịu rời khỏi bàn học. Vì chúng biết, bước qua cánh cổng này, chúng sẽ không còn là học viên của trường nữa, không còn thầy chủ nhiệm, bạn cùng lớp, cũng không phải ngày ngày cắm đầu học ngày học đêm. Ấy là lúc chúng phải bước ra đời, tất cả thực tại trong một giây sẽ hóa thành quá khứ."
Ngày ấy đối với tôi sẽ mau đến thôi, ngày mà tôi phải đứng trước cánh cổng hoài niệm giữa thực tại và tương lai. Bước qua nó, phía sau cánh cổng lập tức trở thành khoảng không quá khứ cùng những con người thuộc về quá khứ. Sợ hãi, lưỡng lự, luyến tiếc, nhưng đến lúc gạt bỏ thì phải thật mạnh mẽ.
12 năm sẽ kết thúc với trang sống mới, cùng những mảng ký ức luôn sát cánh ấp ủ suốt cuộc đời.
Lễ tri ân, ngày ấy hẳn tôi sẽ khóc nhiều lắm.
![](https://img.wattpad.com/cover/78938415-288-k673188.jpg)