Chương 15: Thần núi Tản Viên
Núi Tản Viên ở phía tây kinh thành nước Nam Việt (1). Núi cao ngất, tròn như cái tán cho nên có tên ấy (2).Xưa, Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh ra 1 bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai. Long Quân đem 50 người xuống biển, còn lại 50 người con trai theo mẹ Âu Cơ chia trị các xứ, hiệu là Hùng Vương. Thần núi Tản Viên là một trong 50 người con trai theo cha xuống biển. Thần từ thủy quốc về đất liền theo đường cửa bể Thần Phù, tìm chỗ sinh sống ở nơi cao ráo, thanh tịnh, dân chúng chất phác, phong thổ hiền hòa. Thần ven theo sông lớn tới đất Long Đỗ thành Long Biên. Thần muốn định cư ở đó, song lại không vừa ý.
Sau thần đi ngược lên sông Lô đến bờ đất Phiên (Phiên Tân) bên bờ sông Phúc Lộc, ngưỡng trông thấy núi Tản Viên, cao lớn đẹp đẽ, các núi khác lớn nhỏ trùng điệp vây quanh, phong cảnh đẹp như tranh vẽ. Dưới núi thì dân chúng chất phác hiền lành. Cho nên thần mới cho mở một con đường từ đất Phiên cho tới phía nam của núi Tản Viên, ngang qua động Vệ (Vệ Động), tới nguồn sông đất Nham Tuyền, qua bờ đá, lên đỉnh núi Vân Mộng mà làm nhà sống ở đó. Thần thường ngao du xem đánh cá ở đất Tích Giang, đi qua đâu thần đều xây nhà cửa để nghỉ ngơi. Người đời sau, nhờ các vết tích ấy mà lập miếu thờ cúng. Gặp lúc hạn hán hay gặp lúc lụt lội đến khấn cầu đều rất là linh nghiệm. Những lúc trời quang mây tạnh, thấy như có bóng cờ xí thấp thoáng dưới chân núi, dân chúng sống trong vùng đều cho là sơn thần hiển hiện.
Đời Đường Cao Biền ở An Nam muốn yểm linh mạch bèn mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ hôi vào bụng, mặc áo quần vào rồi đặt ngồi trên ngai đem tế bằng trâu bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm chém đầu. Phàm muốn đánh lừa các thần đều dùng thuật này. Biền đem thuật đó để yểm thần núi Tản Viên, thì thấy thần cưỡi ngựa trắng ở trên mây, nhổ nước bọt xuống rồi bỏ đi. Biền than rằng: "Linh khí ở phương Nam không thể lường được, vượng khí đời nào hết được!". Sự linh ứng của thần đã hiển hiện ra như vậy đó.
Tương truyền rằng thần và Thuỷ Tinh cùng cầu hôn với Mỵ Nương, con gái của vua Hùng. Lễ vật của thần đến trước, vua Hùng bèn gã Mỵ Nương cho, thần rước Mỵ Nương về núi Tản Viên. Thủy tinh đến sau, không kịp, cả giận liền đem loài thủy tộc đến đánh để cướp lại. Thần lấy lưới sắt ngăn ngang sông huyện Từ Liêm. Còn Thủy Tinh thì mở một nhánh sông từ sông Lị Nhân chảy ra sông Hát, đổ vào sông Đà để đánh thần núi Tản Viên. Lại mở ngách sông Tiểu Tích Giang hướng về trước núi Tản Viên, qua các động Cam Giá, Đông Lâu, Cổ Ngạc, Ma Sá, Dục Giang, đều đánh sụt thành các vũng nước lớn để mở lối đi cho quân thủy tộc. Thuỷ Tinh thường làm mưa gió mịt mù, dâng nước lên để đánh thần. Dân ở chân núi thấy thế bèn làm hàng rào thưa bằng tre để đón đỡ, đánh trống, gõ cối, hò reo để cứu viện. Mỗi khi thấy rơm rác trôi bên ngoài hàng rào bèn bắn, thủy tộc chết biến thành thây ba ba thuồng luồng trôi ngập cả khúc sông. Thuỷ Tinh chưa nguôi giận, vẫn thường hay đến quấy rối. Hàng năm vào khoảng tháng tám tháng chín thường có lụt lội, dân trong vùng vẫn phải chịu thiệt hại mùa màng. Cho đến nay cũng vẫn như thế!
Người đời tương truyền rằng đó là vì Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh nhau lấy Mỵ Nương mà sinh chuyện vậy(3).
Chú thích:
1) Bản A 2914 thì chép rằng: "Núi Tản Viên, là kinh đô nước Việt Thường, ở phía tây thành Thăng Long đời Lý.
2) Núi Tản Viên: Chữ Hán Tán 傘, còn có âm Nôm đọc là Tản, Viên: 圓 có nghĩa là Tròn. Tản Viên: tròn như cái tán, như cái dù.
3) Bản VHV 1473 chép thêm rằng: "Năm Trùng Hưng thứ nhất (Dịch giả: tức năm 1285, đời vua Trần Nhân Tông) được sắc phong làm Hữu Thành Vương, năm thứ 4 thêm sắc phong Khuông Quốc Vương. Đến đời Hưng Long thứ 21 (Dịch giả: tức năm 1313 đời vua Trần Anh Tông) lại được sắc phong làm Hiển Ứng Vương".
Bản A 2914 thì chép: "Truyện trích từ chuyện Lỗ Công trong sách Giao Châu Ký".