Chương 35: Truyện hai bà Trưng
Theo sách Sử Ký thì hai bà Trưng vốn dòng họ Hùng, chị tên là Trắc, em tên là Nhị, người ở huyện Mê Linh, đất Phong Châu, con gái quan Hùng tướng đất Giao Châu.Xưa Trắc lấy Thi Sách người huyện Chu Diên. Bà rất có tiết nghĩa, tính khí hùng dũng, có trí quyết đoán sáng suốt.
Thời ấy, Tô Định ở Giao Châu rất tham bạo, nhân dân rất khổ sở. Trắc thù Định giết chồng mình, bèn cùng em là Nhị dấy binh đánh Định, vây hãm Giao Châu; các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, hai chị em bèn bình định được sáu mươi lăm thành ở Lĩnh Ngoại tự lập làm vua, xưng hiệu là Trưng vương, đóng đô ở thành Hạ Diên.
Tô Định chạy về Nam Hải, Hán Quang Vũ nghe tin, biếm Tô Định về quận Đạn Nhĩ sai tướng là bọn Mã Viện và Lưu Long sang thay. Quân địch đến Lãng Bạc, bà chống cự. Qua năm, bà thấy binh thế Mã Viện cường thịnh, tự lượng sức quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, bèn lui về giữ đất Cẩm Khê.
Viện đem quân đến đánh, bộ hạ bà Trưng đều bỏ chạy. Bà thế cô, bị hại trong trận. Có chỗ nói rằng bà lên núi Há Sơn rồi không biết đi đâu mất.
Người trong châu thương cảm, lập miếu ở cửa sông Hát Giang để phụng thờ. Phàm những người gặp tai họa tới cầu đảo đều ứng nghiệm
Thời Lý Anh Tông gặp đại hạn, vua sai Cảm Tĩnh thiền sư cầu mưa. Một hôm mưa xuống mát lạnh thấu người. Vua mừng, ra xem, tự nhiên ngủ thiếp đi, mộng thấy hai người con gái đội mũ phù dung, mặc áo xanh, thắt lưng đỏ, cưỡi ngựa sắt theo gió lướt qua. Vua lấy làm lạ bèn hỏi. Hai người trả lời rằng: "Chúng ta là hai chị em họ Trưng vâng mệnh thượng đế làm ra mưa".
Vua muốn hỏi thêm cặn kẽ. Hai người bèn giơ tay ngăn lại. Vua tỉnh mộng, cảm kích, ra lệnh tu sửa đền, đem lễ đến dâng. Về sau hai bà lại thác mộng cho vua xin lập đền ở bãi Đồng Nhân. Vua nghe theo, sách phong làm trinh linh nhị phu nhân. Triều Trần lại gia phong cho mỹ tự là Hiển liệt chế thắng thuần bảo thuận. Cho đến nay vẫn được bao phong đời đời, lửa hương không dứt.