Chương 19: Tô Lịch giang

1.6K 21 3
                                    

Chương 19: Sông Tô Lịch


Năm Hàm Thông thứ 6 (1), vua Đường Ý Tông sai Cao Biền (2) làm Đô Hộ, đem binh đánh giặc Nam Chiếu, rồi cho đặt Tĩnh Hải Quân (3) ở thành An Nam, sai Biền làm Tiết Độ Sứ. Biền thông hiểu thiên văn địa lý, xem hình thế đất đai mà xây thành La (La thành) ở phía tây sông Lô (Lô Giang), chu vi 3000 bộ để ở. Có nhánh sông con từ sông Lô chảy vào phía Tây Bắc, cuốn quanh phía nam, bọc lấy thành La rồi lại nhập vào sông lớn.

Đến tháng sáu nước mưa dâng cao, Biền đi thuyền nhẹ thuận dòng vào nhánh sông nhỏ này, chèo được khoảng một dặm, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, mặt mày dị kỳ, đang tắm ở giữa dòng sông, cười nói tự nhiên. Biền hỏi họ tên. Cụ già đáp rằng: “Ta tên Lịch họ Tô”. Biền lại hỏi: “Nhà lão ở đâu?”, cụ lại đáp: “Nhà ta ở giữa sông này”. Nói dứt lời, cụ lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là thần nhân, bèn đặt tên sông là Tô Lịch. 

Một buổi sớm khác, Biền ra đứng nhìn ở bờ sông Lô Giang, phía đông nam thành La, thấy giữa sông có gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng, rực rỡ một khoảng trời, chập chờn lên xuống trên không. Mặt trời lên cao ba sào rồi mà sương khói hãy còn mờ mịt chưa tan, Biền rất kinh dị, muốn yểm thần nhưng không làm được. Đêm đến Biền nằm mộng thấy thần nhân tới nói rằng: “Chớ yểm ta, ta là thần Long Đỗ, đứng đầu các vị thần đất. Nhà ngươi đến xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép?”. Biền kinh sợ, sáng hôm sau bèn lập đàn cúng, lấy vàng, bạc, đồng, thép làm bùa để yểm, niệm chú đến 3 ngày đêm, dán bùa để trấn áp thần. Đêm hôm ấy, sấm sét ầm ầm, gió mưa ào ạt. Trong khoảnh khắc, vàng, bạc, đồng, thép đều rơi xuống đất, biến thành tro bụi, tan bay lên không trung. Biền than rằng: “Xứ này có linh thần, không thể ở lâu được, sẽ chuốc lấy tai vạ, ta phải gấp gấp trở về Bắc”. Sau Đường Ý Tông triệu Biền về, quả nhiên Biền bị giết và Cao Tầm được cử sang thay.

Chú thích :

1) Năm thứ 6, niên hiệu Hàm Thông, đời Đường Ý Tông tức năm 864 sau công nguyên.

2) Xem chú thích về Cao Biền trong truyện Nam Chiếu.

3) Đại Việt Sử Ký Toàn chép rằng: Bính Tuất, [866], Đường Hàm Thông năm thứ 7. Vua Đường được tờ tâu cả mừng, liền thăng cho Biền làm Kiểm hiệu Công bộ thượng thư, sai Biền đi đánh người man. Biền về đến trấn Hải Môn thì quay lại. Án Quyền là người ngu hèn, việc gì cũng xin lệnh của Duy Chu. Duy Chu là người hung bạo tham lam, các tướng không chịu giúp việc, bọn họ bèn mở vòng vây cho người Man trốn đi quá nửa. Biền đến nơi lại đốc thúc khích lệ tướng sĩ, đánh lấy được thành, giết Tù Thiên và Chu Cổ Đạo là người thổ man dẫn đường cho quân Nam Chiếu, chém hơn 3 vạn đầu người. Quân Nam Chiếu trốn đi, Biền lại phá được hai động thổ man đã theo Nam Chiếu, giết tù trưởng. Người thổ man rủ nhau quy phục đến 1 vạn 7 nghìn. Tháng 11, ngày Nhâm Tý, vua Đường xuống chiếu cho các lộ quân Giao Châu, Ung Châu, Tây Châu phải giữ bờ cõi, không tiến đánh nữa; đặt Tĩnh Hải quân ở Giao Châu, lấy Biền làm Tiết độ sứ. (Từ đây cho đến đời nhà Tống, An Nam gọi là Tĩnh Hải quân tiết trấn).

LĨNH NAM CHÍCH QUÁI LIỆT TRUYỆNNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ