Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị được thể hiện trong cảnh ngộ khi bị bắt làm dâu gạt nợ trong nhà thống lí PáTra đến khi thoát khỏi Hồng Ngài.
Ý1. Phản ứng đầu tiên khi Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ trong nhà thống lí PáTra:
- Ngay khi mới bị bắt về làm dâu gạt nợ, Mị có ý định tự tử.Việc Mị định tự tử chứng tỏ Mị đã phản ứng. Đây là dấu hiệu của sự không chấp nhận cuộc sống ê chề khổ cực. Nói đúng hơn là muốn thoát khỏi cuộc sống hiện tại đầy đau khổ. Hành động chống lại đó được khởi phát bằng một sức sống tự nhiên vốn có của con người. Nhưng vì thương cha, Mị không thể chết. Mị lẳng lặng quay về nhà thống lí chẳng khác gì trở về chốn địa ngục trần gian. Từ đó, Mị sống lầm lũi, cam chịu, vật vờ như một cái bóng. Dường như Mị đã mất ý niệm về thời gian, về tuổi trẻ. Cuộc đời đối với Mị lúc bấy giờ chỉ là một đêm dài thăm thẳm mà thôi. Ngày trước, Thúy Kiều của Nguyễn Du đã vì chữ hiếu mà hi sinh chữ tình. Giờ đây cô Mị của Tô Hoài có gì khác đâu. Cô đành quên đi tuổi trẻ, đánh đổi tự do mà trả món nợ cho nhà giàu.
-Tưởng rằng ở lâu trong cái khổ Mị đã hoàn toàn chai lì, vậy mà không: tận chiều sâu tâm hồn người phụ nữ bất hạnh ấy vẫn âm thầm niềm khát khao được thay đổi. Khát khao này cứ âm ỉ tựa đốm than hồng bị vùi nén để khi gặp được ngọn gió lành sẽ bùng lên thành ngọn lửa.
- Ngọn gió lành đầu tiên khơi dậy sức sống tiềm tàng trong Mị chính là tiếng sáo gọi bạn tình vào một đêm mùa xuân.
Ý2. Sức sống tiềm tàng của Mị được thể hiện qua tâm trạng khi tết đến xuân sang:
- Mị uống rượu trong ngày tết : " Mị lén lấy cái hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát". Ngày trước khi còn ở với bố, tết đến Mị cũng uống rượu nhưng không phải " lén", không phải uống ừng ực từng bát như thế này. Phải chăng Mị uống rượu như thế để quên đi phần đời cay đắng vừa qua, để sống lại phần đời tươi trẻ đã có.Sức sống tiềm tàng trong lòng Mị đang bắt đầu cháy le lói.
- Cũng trong ngày tết; khi nghe tiếng sáo gọi bạn tác động vào tâm hồn Mị " Mị thấy phơi phới trở lại, lòng Mị đột nhiên vui sướng ..." Sau những giây phút tìm về quá khứ đầy hạnh phúc của đời mình, Mị có ý định đi chơi xuân. Mị với lấy váy hoa chuẩn bị đi chơi nhưng không đi được vì A Sử bắt gặp , thế là Mị bị trói.
- Bị A Sử trói nhưng Mị vẫn thả hồn theo tiếng sáo "Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi", Mị vùng bước đi "mặc dù tay chân đều không cựa được". Vậy là Mị đã thực hiện một cuộc chơi trong tưởng tượng. Hành động của Mị và ý định chơi xuân của Mị là biểu hiện của sự nổi loạn trong tâm hồn Mị. Mị muốn sống lại với tuổi trẻ, với tình yêu, muốn trở về với chính mình. -Sức sống tiềm tàng đã một lần trỗi dậy thì không thể nào dập tắt nổi. Nó cứ âm thầm tồn tại để rồi bùng lên mạnh mẽ hơn vào một đêm năm sau. Ấy là một đêm mùa đông giá lạnh.
Ý3 Mị cởi trói cho A Phủ, sức sống tiềm tàng đã bắt đầu cháy sáng.
- Trước đó, Mị sống rất thờ ơ, vô cảm, sống mà như chết. Nhưng đêm nay, thấy dòng nước mắt của A Phủ gợi cho Mị nhớ lại" Đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia, nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống." Nhớ lại cảnh ngộ của bản thân Mị vô cùng đau xót. Và từ chỗ thương mình, Mị đã thương A Phủ. Vì vậy Mị chấp nhận hi sinh để cứu A Phủ.Vậy là nước mắt đã gợi nhớ đến nước mắt. Dòng nước mắt nơi A Phủ bỗng thức dậy niềm đồng cảm, lòng yêu thương ở người phụ nữ từng chịu nhiều đắng cay bất hạnh này. Và tình thương đã chiến thắng nỗi sợ hãi, trong phút chốc, Mị đi đến một hành động thật táo bạo, cắt dây trói, giải thoát cho A Phủ.
BẠN ĐANG ĐỌC
Văn học 12
ПоэзияCái này là mình tổng hợp trên mạng kiến thức về một số bài văn học 12 để tiện ôn thi. Không phải của mình nên không có bản quyền.