Vào lúc tám giờ sáng ngày 28 tháng Giêng 1973, từng đợt rồi lại từng đợt, tiếng còi tàu Hải Quân Việt nam dọc cảng Sài gòn rú lên, xé tan màn sương buổi ban mai. Khi còi ngưng, chuông nhà thờ lại tiếp theo, ngân vang khắp đó đây, làm tăng thêm bầu không khí náo nhiệt của đô thành ngày hôm ấy.
Dù chẳng biết thực hư ra sao, ta cứ ăn mừng đi đã. Hiệp định Paris ký rồi, chiến tranh chấm dứt. Từ góc đường Phan Đình Phùng khu Đa Kao, đài phát thanh phóng ra bài ca oai hùng "Việt nam, Việt nam nghe từ vào đời". Nhiều nhà mở loa cho lớn, dường như muốn át đi tiếng ca ai oán vẳng lên từ radiô nhà bên cạnh: "Anh trở về trên đôi nạng gỗ... anh trở về dang dở đời em..." Hy vọng rằng từ nay, những chiếc băng ca không còn phải chở về trên trực thăng sơn mầu tang trắng.
Dân chúng đô thành tạm gác mọi nỗi lo âu sang một bên. Không khí ở những quán cà phê trở nên nhộn nhịp. Lệnh giới nghiêm nửa đêm chỉ được thi hành một cách lỏng lẻo và phòng trà đã bắt đầu mở cửa lại. Nha Du Lịch sửa chữa khách sạn Majestic, làm thêm một quán ngoài vỉa hè quay ra bờ sông, hết sức thơ mộng. Chiều chiều, giới phong lưu cũng như ái nữ của các nhân viên ngoại giao và du khách ngả mình trên những ghế võng mây mới mắc, uống chanh soda và nước dừa còn tươi, trông như một cảnh ở Hawaii. Bên kia đường, sông Sài gòn lặng lẽ trôi. Tiếng đại bác không còn vọng lại nữa, và hoả châu cũng thôi loé sáng trong đêm tối. Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh sầm uất, tiếng nói ồn ào của thực khách xen lẫn với những tiếng cười ròn rã, tiếng chuông rung từ những chiếc xe bán đồ rong trên bến; mùi khô mực nướng và mùi nước mía vừa mới cứ quyện lẫn vào nhau, làm cho không khí thêm mời mọc, hấp dẫn.
Lại một lần nữa viễn ảnh hoà bình ló rạng. Và cứ thế, Hiệp định Paris được các cơ quan truyền thông của Chính phủ mô tả như một thắng lợi cho Việt nam cộng hoà. Khác với Hiệp định Genève Pháp ký năm 1954 sau thất bại Điện Biên Phủ; đàng này Việt nam cộng hoà đâu có thất bại? Ban Tâm Lý Chiến trận đài đồng ca: "Cờ bay cờ bay trên thành phố thân yêu". Tại Mỹ, các báo chí đăng hàng tít lớn "Hoà bình với danh dự" Đài VOA cứ vậy mà phát sóng. Biết đâu, biết đâu đấy một trang sử mới đã được mở ra rồi.
Thế là đã tới thời hậu chiến?
Bây giờ nhiệm vụ chính yếu là củng cố xã hội và tái thiết kinh tế. Về xã hội, việc bức xúc là hiệu năng của nền hành chính. Để hỗ trợ công tác này chương trình "Cải tổ hành chánh" được đề ra. Ông Quách Huỳnh Hà, người được giao trách nhiệm, đã cùng với sự tham gia tích cực của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh đôn đốc việc cải tổ. Công chức mọi cấp mọi ngành thay nhau đi tham dự các lớp học tập được tổ chức tại trung tâm huấn luyện Vũng Tàu. Trung tâm nằm cạnh bờ biển Long Hải thơ mộng. Các vấn đề được đem ra thảo luận: tản quyền về địa phương, phát triển nông thôn, tay súng tay cày, bài trừ tham nhũng. Toàn là những chủ đề thực tế, hết sức hấp dẫn.
Khối Kinh tế - Tài chính được đốc thúc để đẩy được nền kinh tế đi tới tự túc tự cường. Càng sớm càng tốt. Lúc này cần nhìn thẳng vào thực trạng, xem mặt tốt, mặt xấu, tranh thủ thời gian để uốn nắn lại những bất quân bình của kinh tế vĩ mô. Muốn vậy, cần phải duyệt xét toàn bộ quá trình nền kinh tế để chỉ ra cho đúng những nhu cầu và ưu tiên. Nhìn lại con đường mà nền kinh tế Việt nam đã trải qua trong hai thập niên, tuy nó trắc trở, thăng trầm, nhưng cũng đã có thời điểm khá sáng sủa. Và bên cạnh những tàn phá lại có những xây dựng, phát triển đáng kể, cả về vật chất lẫn con người. Mục tiêu tiến đến tự túc, tự cường, chậm lắm là vào năm 1980 đã không phải là một ảo tưởng.
Thăng trầm của nền kinh tế thời chiến
Thập niên 1960: từ xuất sang nhập.
Thập niên này được Liên Hiệp Quốc tuyên dương là "Thập Niên Của Phát Triển." Nắm lấy cơ hội, các nước Á châu như Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Singapore và kể cả Nhật Bản, đã nhảy vọt một bước dài trên đường mở mang kinh tế, xã hội. Họ đã vận dụng nhân lực, lấy đất cảng làm động lực thúc đẩy mở mang kinh tế, thu hút đầu tư và kỹ thuật tiên tiến để cải tiến công nghiệp. Việt nam đã mất cơ hội quý báu đó. Tuy nhiên trong những năm đầu thập niên, tình hình kinh tế còn khá triển vọng. Miền Nam vẫn còn xuất cảng được gạo. Với tổng xuất là 340.000 tấn, năm 1960 đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử kinh tế Việt nam cộng hoà. Từ năm đó, nông thôn bắt đầu thiếu an ninh, xuất cảng gạo xuống dần, và tới năm 1962, còn 85 ngàn tấn. Sau đó, không đáng kể, nhưng vẫn còn là xuất. Từ 1965 trở đi thì xuất đã biến sang nhập, có năm lên tới 760 ngàn tấn. Một trời một vực so với thời tiền chiến. Năm cao điểm là 1939: xuất cảng gạo của riêng Nam Bộ lên tới gần hai triệu tấn. Tới năm 1954 cũng vẫn còn 520.000 tấn (1).
1969-1971: ba năm vàng son.
Khoáng thời gian 1969-1971, tình hình an ninh miền đồng bằng Cửu Long tương đối tốt, cho phép nhiều người nghĩ tới triển vọng kinh tế lâu dài. Đây là khoảng thời gian cao độ của nền đệ nhị Cộng hoà: chương trình "Người Cày Có Ruộng" ra mắt ngày 26 tháng Ba, 1970 đã thành công với dự đoán: gần một triệu mẫu ruộng được phân chia cho nông dân (2). Đúng là cho vì nông dân đâu có trả tiền.
Chính phủ bán công khố phiếu lấy tiền mua lại ruộng đất của điền chú rồi chia cho nông dân. Điền chủ nào có quá 15 mẫu phải bán đất còn lại. Bầu không khí nông thôn náo nhiệt. Mặc dù chiến tranh vẫn còn, nhưng quyền sở hữu ruộng đất có tác động hết sức mạnh mẽ. Đang từ tá điền, bốn triệu nông dân trở thành gia chủ. Nhưng làm tá điền là ăn chắc, còn địa chủ lại phái lo. Việc sở hữu nó có hai mặt: được hưởng trọn vẹn kết quả mình làm ra. nhưng ngược lại, cũng phải gánh vác rủi ro của mùa màng, thời tiết. Người "tân điền chủ" vất vả, lam lũ:
Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm...
Người nông dân chăm chỉ làm ăn như vậy nên kết quả trông thấy. Khi chương trình Người cày có ruộng kết thúc vào tháng Ba, 1973, bộ mặt nông thôn đã trở nên sinh động.
Có ông giáo sư Mỹ nói với chúng tôi: "Người nông dân Việt nam toàn là con cháu Adam Smith". Nhà kinh tế người Anh nổi tiếng Adam Smith (thế kỷ 18), được coi như cha đẻ của kinh tế thị trường. Ông đặt động lực cạnh tranh của nền mậu dịch tự do dựa trên quyền tư hữu, là yếu tố căn bản nhất của phát triển kinh tế (3).
Thêm vào đó tà liến bộ kỹ thuật: loại lúa giống IR-3 phát xuất ở Phillippines được đem vào đồng bằng Cửu Long. Ở một số nước hậu tiến khác mà chúng tôi có dịp quan sát tại chỗ khi còn làm việc cho Quỹ tiền Tệ Quốc tế, thật là rất khó nhọc cho nông dân chấp nhận những kỹ thuật mới. Họ không muốn thay đổi cung cách làm việc, bám chặt lấy những phương pháp sản xuất mà họ quen thuộc. Đằng này, dù đã trồng lúa cổ truyền cả vài ba ngàn năm, đến lúc thấy có giống mới, nhân dân miền Nam vội vàng hưởng ứng. Và hưởng ứng rất nhiệt liệt, đặt ngay tên lúa là "thần công". Cứ cho đủ phân bón, lượng nước cho đúng mức là nó lên đầy đồng. Cây lúa không cao như lúa cổ truyền, nhưng bụ bẫm, dẻo dai. Khi có bão tố nó nằm rạp xuống, chờ khi bão qua, lại đứng thẳng lên. Tới mùa gặt mà người ta về Cần Thơ, An Giang xem thì thật là sướng mắt: "Cánh đồng mênh mông, cánh đồng bát ngát, ôi cánh đồng dào dạt lúa thơm nồng".
Đến năm 1971 thì lúa thần nông đã phủ được trên 2,6 triệu mẫu ruộng, bằng 42% diện tích canh tác rồi. Hai động lực này đẩy mạnh sản xuất thóc lên trên bảy triệu tấn, cao hơn năm 1966 là 63%. Nhập cảng gạo lập lức xuống chỉ còn 160.000 tấn. Với đà này thì chẳng mấy lúc nữa là đã đủ gạo ăn và có khi còn dư để xuất cảng (4).
Nhiều quan sát viên quốc tế đã cho chương trình "Người cày Có ruộng" là một trong những chương trình cải cách điền địa thành công nhất ở các nước hậu tiến (5). Nó là điểm vàng son của nền Đệ nhị Cộng hoà. Bao nhiêu hy vọng! Biết đâu chẳng mấy lúc nữa, ánh bình minh lại chẳng chiếu rọi khắp thôn quê? Cuối năm đó, một chương trình phát triển kinh tế hậu chiến do nhóm nghiên cứu Lilienthal - Vũ Quốc Thúc được cơ quan viện trợ Hoa kỳ USAID tài trợ đã ra mắt. Người ta bắt đầu nghĩ tới phát triển lâu dài.
Mùa hè đỏ lửa 1972
Dân chúng Việt nam ăn cái tết năm Nhâm Tý khá vui vẻ. Pháo nổ rộn rã. Bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ, không có gì là thiếu. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, mãi tới tháng hai mới đi trồng đậu, trồng khoai, trồng cà. Đậu phộng mọc nhanh nên tháng ba là đậu đã già và "ta đi ta hái về nhà phơi khô".
Nhưng rồi nào có đi hái đậu. Tháng ba năm đó đại bác lại nổ rền trời trên vùng vĩ tuyến. Chiến tranh bỗng leo thang, bắt đầu từ cuộc "Tấn công mùa Xuân" của quân đội Bắc Việt tại Quảng Trị. Lúc này, thay vì thế công, Việt nam cộng hoà lại chuyển sang thế thủ. Đà tiến triển kinh tế bỗng khựng lại giữa "mùa hè đỏ lửa". Trên 200 cầu bị hư hại, bao nhiêu cây số đường xá bị phá huỷ, 40% sản xuất cao su bị mất vì rừng cao su đã trở nên bãi chiến trường. Thêm mấy trăm ngàn người nữa từ miền vĩ tuyến chạy vào phía nam, làm cho số người di cư tăng vọt lên 1,2 triệu. Áp lực nhu cầu tiếp tế càng thêm nặng nề: lương thực, nước uống, thuốc men, vệ sinh, lều trại.
Năm ấy lại là năm mất mùa vì hạn hán! Nhập cảng gạo nhảy lên 284.000 tấn (6).
Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm 1972, tình hình lại trở nên tốt đẹp hơn, và nền kinh tế bắt đầu có nhiều dấu hiệu phục hồi. Thần khí của đất nước linh thiêng, sức mạnh của nhân dân dồi dào. Cứ mỗi lần ngã xuống lại tìm cách hồi sinh. sức chịu đựng, ý chí kiên trì được quốc tế thán phục.
Nền kinh tế giao thời: 1973
Nói chung, nhìn vào kinh tế miền Nam lúc giao thời từ chiến tranh sang "hậu chiến", từ có Mỹ tới không có Mỹ, ta thấy có sáu đặc tính rõ ràng(7):
Thứ nhất là cơ cấu chênh lệch: nghiêng hẳn về cung cấp dịch vụ, tương đương bằng 55% tổng sản lượng quốc gia (GDP). Đặc biệt là dịch vụ quốc phòng, hành chánh, quân đội Đồng minh. Sản xuất hàng hoá, vật dụng chẳng có là bao;
Thứ hai là mức lệ thuộc vào nhập cảng: ngoài gạo còn xăng nhớt, phân bón, xi măng, hàng tiêu thụ, vật liệu sản xuất. Tất cả tương đương với hơn một nửa tổng số cung hàng hoá. Trung bình là phải nhập 750 triệu đô la một năm, khoảng 40 đô la đổ đồng trên đầu người (nên nhớ đây là đồng đô la với mãi lực thời ấy). Đang khi đó xuất cảng (cao xu, trà, hải sản, lông vịt) chỉ vào khoảng 4%-5% nhập cảng;
Thứ ba là mức tiết kiệm sụt xuống số âm: trung bình bằng -5% tổng sản lượng gộp nội địa GDP. Lúc còn hoà bình, nó là số dương. Có năm đã lên tới +6% GDP (1960). Khi không còn tiết kiệm nội địa thì đầu tư cho phát triển phải tuỳ thuộc vào tiền bạc từ bên ngoài;
Thứ tư là gánh nặng kinh tế của nạn nhân chiến cuộc: đoàn người di tản từ những vùng thiếu an ninh, đặc biệt là miền Trung, đã lên tới vài triệu. Một số đông di tản về thành thị, làm số người ở đây lên tới 40% tổng dân số (năm 1960 chỉ có 22%). Kết quả là thất nghiệp cao ở thành thị (14%) cùng với những tệ đoan xã hội đi kèm. Đang khi đó nông thôn lại thiếu người canh tác;
Thứ năm là gánh nặng quốc phòng: tình trạng an ninh "thời hậu chiến" còn đòi hỏi một nhu cầu quốc phòng quá lớn, cần chi tiêu tới 50% ngân sách (242 tỷ đồng).
Tài trợ cho phát triển chỉ còn 9% (66 tỷ đồng). Rồi vấn đề nhân lực: 1,2 triệu thanh niên còn phải vác súng, chưa kể 310.000 công, tư chức. Ngoài ra còn số người di tán kể trên, tất cả cũng vượt 30% nhân lực lao động.
Thêm vào năm điểm này phải kể tới một điểm quan trọng khác:
Thứ sáu, tâm lý dựa vào viện trợ: nhìn lại giữa thập niên 1960, ta thấy cái tâm lý này nó đã mau bén rễ. Nền kinh tế Việt nam bé nhó, hậu tiến, sản xuất căn bản là nông nghiệp. Khi quân đội Mỹ ào ạt kéo sang, nhu cầu quốc phòng, tiêu dùng, xây dựng hạ tầng cơ sở nhảy vọt. Mà sản xuất nội địa còn yếu kém, căn bản chỉ là gạo thóc. Để tránh tình trạng khan hiếm, lạm phát phi mã thì chỉ còn cách nhập hàng hoá từ ngoài vào. Nhưng lại nhập quá nhiều và quá nhanh. Tài trợ nhập hàng hoá gồm bốn nguồn: viện trợ nhập cảng (CIP)(Capital Improvement Projects có nghĩa là những dự án chính) + viện trợ thực phẩm phụng sự hoà bình + viện trợ dự án + số đô la phía Mỹ mua tiền Việt nam. Tổng số này đang từ 162 triệu năm 1964 tăng lên tới 830 triệu năm 1966, cao hơn năm lần. Tiền bạc dồi dào, cứ thế mà xài. Chi tiêu công cũng như tư có bề thả lỏng.
Cả Sài gòn chẳng thấy thiếu thứ gì: radio, TV, tủ lạnh, máy điều hoà không khí. Báo chí ngoại quốc gọi Sài gòn là Hondaville. Ngoài nhập cảng, lại còn một nguồn khác: thuốc lá, rượu mạnh, đồ gia dụng từ hệ thống tiếp liệu PX lọt ra thị trường. Cứ đứng trước cổng căn cứ Long Bình mà xem thì rõ.
Chính sách kinh tế thường hay được tính toán dựa theo dự phóng xem số tiền đô la sẽ bơm vào nền kinh tế là bao nhiêu.
Sự kiện này làm tăng lên cường độ của tâm lý lệ thuộc kinh tế VN tai hại hơn, nó lại mang tới nhiều cơ hội tham nhũng cho nhiều người, ở mọi tầng lớp, trở thành ung nhọt xã hội.
Triển vọng tái thiết
Thế nhưng, đằng sau những vấn đề khó khăn, những yếu kém, lại có những yếu tố thuận lợi cho công cuộc phát triển.
Với một dân số 20 triệu, thị trường miền Nam lớn hơn các nước Afghanistan, Australia, Hồng Kông, Mã Lai, Nepal, New Zealand, Singapore, Sri Lanka, và Đài Loan. Lợi tức đổ đồng cho một người của miền Nam (tương đương khoảng 150 đô la một năm) còn cao hơn ở các nước Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan hồi đó (8).
Nông nghiệp
Về nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật và lúa thần nông đã nâng sản xuất lên tới bảy triệu tấn thóc vào năm 1973, tương đương bằng 4,6 triệu tấn gạo, gần tới mức đủ ăn. Dự phóng là chỉ tới 1976 đã có thể xuất cảng. Triển vọng này là niềm hy vọng không nhỏ trong lúc khó khăn. Chương trình đa dạng hoá nông nghiệp cũng bắt đầu có kết quả. Các loại cây ăn trái, bắp, đậu phụng, đậu nành, khoai tây, rau cỏ phát triển hết sức nhanh.
Cây công nghiệp được đẩy mạnh để thay thế nhập cảng: sản xuất thuốc lá đã tới trên 18.000 tấn so với 9.000 tấn năm 1971 ; mía đường lên trên 900.000 tấn, gần gấp ba mức 1970. Dự phóng cho 1975 là sẽ tăng gấp đôi, tức 1,8 triệu tấn. Ngô bắp thì từ 31.000 tấn (1970), tăng lên trên 50.000 tấn (1974).
Lại có khả năng phục hồi sản xuất 70.000 tấn cao xu mức tiền chiến(9). Ngành ngư nghiệp được canh tân, ngư thuyền với máy đuôi tôm lượn đi lượn lại khắp sông rạch. Xuất cảng tôm và hải sản từ vỏn vẹn 500.000 lên gần 11 triệu đô la. Dự phóng cho 1975 là 30 triệu. Tổng số xuất cảng năm 1973 lên tới 53 triệu, tuy khiêm nhượng nhưng cũng là tăng gấp ba lần năm 1972.
Phát triển con người
Xét đến cùng, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế lâu dài. Tỷ như nước Nhật, tài nguyên rất ít, không có một giọt dầu, thế mà thành quốc gia tiền tiến vào hạng nhất. Còn như những nước dầu lửa Kuwait, Saudi, tiền bạc nhiều biết mấy mà đâu có mức phát triển kinh tế, xã hội cao.
Với 80% dân số là người Kinh, đa số theo Phật Giáo, miền Nam không có vấn đề thù nghịch sắc tộc hay tôn giáo quá đáng như miền Trung Đông chẳng hạn. Ngôn ngữ lại đồng nhất, khác nhau chỉ là về cách phát âm. Việt nam là nước duy nhất ở Á châu dùng mẫu tự La mã a, b, c, rất tiện cho việc tiếp thu kỹ thuật, văn hoá ngoại quốc.
Gần 20 năm hoạt động, cơ quan Viện Trợ Hoa kỳ USAID đã giúp Chính phủ Việt nam phương tiện và kỹ thuật để phát triển giáo dục và đào tạo. Năm 1973, tỷ lệ biết đọc, biết viết là 70% rất cao so với các nước Á châu láng giềng hồi đó.
Trước năm 1954, miền Nam không có đại học. Muốn học cử nhân phải ra Hà nội. Tới 1973, Đại học Sài gòn đã đứng vào hàng quốc tế. Vài thí dụ: bác sĩ xuất thân từ Đại học Y khoa đủ sức phục vụ cho đoàn quân 1,2 triệu mà không cần đến bác sĩ nước ngoài. Sau này họ di tản sang Mỹ, chỉ cần một hai năm đào tạo lại và học thêm tiếng Anh là hành nghề được ngay. Luật gia tốt nghiệp từ khuôn viên "cây dài bóng mát, con đường Duy Tân", đã làm việc cho các hãng Mỹ ngay ở Sài gòn, và được thán phục. Khi họ đi du học thì thấy luật pháp Mỹ quá rõ ràng, học lại còn dễ nữa.
Ngoài đại học Sài gòn còn sáu đại học khác: Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Hoà Hảo, Cao Đài, Cần Thơ. Năm 1973, tổng số sinh viên đại học lên tới 98.832 so với chỉ vỏn vẹn có 2.900 vào năm 1955. Số học sinh trung học trong cùng năm ấy là trên một triệu so với 43.000; và học sinh tiểu học, trên ba triệu so với 401.000. Ngoài ra còn các trường cộng đồng, trường huấn nghiệp, các chương trình công nghệ mọc lên như nấm.
Chiến tranh lại cũng đào tạo được bao tay nghề đang chờ mong được đóng góp vào sản xuất cho nền kinh tế thời bình. Việc chuyển nhượng kỹ thuật trong thời chiến đã thể hiện rõ ràng ở Nhật. Quân đội Mỹ đóng ở Nhật sau đại chiến và chiến tranh Bắc Hàn đã giúp cho nhân công Nhật Bản tiếp thu được kỹ thuật lắp ráp xe tải, xe tăng. Đội ngũ này sau chuyển sang làm xe hơi, bây giờ cạnh tranh với xe Mỹ, Đức. Ở Miền Nam, mười năm chiến tranh đã giúp có biết bao nhiêu tay nghề: xây dựng, máy móc, lắp ráp, sửa chữa, truyền tin, kiến trúc sư. Đội ngũ thợ xây dựng Đà Nẵng được các nhà thầu ngoại quốc khen ngợi. Khối Công Binh tiếp nhận được ngành nghề cao về xây cất đường xá, cầu cống, nhà cửa. Rồi đoàn phi công bay trực thăng, máy bay vận tải, khu trục cơ, phản lực F5, ra chiến trường thì can đảm, đến khi lái máy bay dân sự có chiêu đãi viên lo cà phê, cơm nước thì lại càng vi vút hơn.
Hạ tầng cơ sở
Một kết quả tốt của chiến tranh là mang tới cho Miền Nam một hạ tầng cơ sở khá tốt, giúp phát triển kinh tế lâu dài. Xây dựng hạ tầng là rất tốn phí và mất thời gian. Tỷ như quá trình xây một cái cầu: từ lúc làm dự án tiền khả thi, tới lúc đánh giá, rồi làm dự án khả thi, tìm nguồn tài trợ, thương thuyết, đi vay, tới xây cất, lúc xong trung bình cũng phải mất năm năm. Đó là một lý do tại sao lại hay có "kế hoạch ngũ niên".
Nhu cầu quân sự trong thời chiến đòi hỏi xây cất nhiều phi trường. Ngoài những phi trường lớn như Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cần Thơ có thể tiếp nhận phản lực đủ loại còn có những phi trường nhỏ ở Đà Lạt, Huế, Kontum, Phú Quốc. Pleiku, Rạnh Giá, và Qui Nhơn. Cộng thêm vào là khoảng 100 sân bay tý hon, rải rác khắp nơi, rất tiện cho việc liên lạc giữa các địa phương (10).
Về vận chuyển đường thuỷ thì miền Nam có tới 4.780 cây số sông, rạch (3.000 dậm Anh). Khoảng một nửa là sông ngòi, nửa kia là kinh, rạch. Đó là phương tiện giao thông rẻ tiền nhất và thuận lợi cho nông, ngư dân. Hải cảng lớn gồm Sài Gòn, Cam Ranh, Đà Nẵng, Nha Trang, Rạch Giá. Những địa điểm rất tiện cho tàu bè cập bến, tiếp vận cho mọi miền dọc theo gần 1.000 cây số bờ biển và duyên hải. Nguồn lợi trông thấy là những cảng này lại có thể đáp ứng hết nhu cầu hàng hải của Lào, bị khoá chặt trong đất liền, miền Đông Kampuchia, và có thể cả miền đông bắc Thái Lan.
Còn đường xá, các nước hậu tiến trông thấy đường xá miền Nam mà thèm. Tất cả có tới 21.000 cây số đường (khoảng 13.000 dậm), trong đó gần 9.500 cây số đường nhựa, đi được quanh năm. Cầu các loại to, nhỏ bắc qua sông tới gần 4.000 cây rất nhiều cầu đã bị hư hỏng, nhưng sửa chữa lại thì cũng nhanh. Tính ra cũng có tới gần 170.000 xe tải và trên 51.000 xe hành khách lưu thông trên hệ thống đó.
Viễn thông của một nền kinh tế phồn thịnh
Vì tài nguyên và con người như vậy, nên Miền Nam thực sự đã có triển vọng phát triển một nền kinh tế phồn thịnh, hết bị lệ thuộc.
Về hạ tầng cơ sở, không phải là ông Trời không ưu đãi. Có điều là tiềm năng nằm đó mà chưa khai thác ra được. Trên con đường tiến tới tự túc tự cường, có hai của quý Trời phú: túi dầu nằm ở thềm lục địa và Vịnh Cam Ranh.
Kho tàng dầu lửa: tài nguyên Trời cho
Cho dù không bằng túi dầu của Indonesia, một nước trong khối OPEC, tiềm năng dầu lửa, dầu khí trong một vùng rộng 500.000 cây số vuông của thềm lục địa Miền Nam không phải nhỏ. Năm 1973, vừa hô lên đã có bao nhiêu hãng dầu quốc tế nhảy vào, bất chấp là tình hình an ninh chưa ổn định. Hai vòng đấu thầu năm đó cũng đã mang lại được 17 triệu đô la. Vào lúc liền đang cạn, giá trị tâm lý của số tiền này còn lớn hơn mấy lần. Đấu thầu năm 1974, số tiền lên tới 30 triệu.
Chính phủ cấp giấy phép cho sáu tổ hợp công ty dầu lửa được khai thác 13 địa điểm trong một khu vực 82.000 cây số vuông.
Đây mới chỉ là 16% của thềm lục địa.
Đến cuối 1974, tất cả các công ty đều hoàn thành nghiên cứu chi tiết về địa chất. Theo hợp đồng, các công ty khoan thầu phải bắt đầu khoan dầu thử nghiệm trong vòng 24 tháng kể từ lúc hợp đồng có hiệu lực. Thế mà hai công ty trúng thầu đợt một đã bắt đầu khoan một năm trước hạn chót: Pecten vào tháng Tám, và Mobil, tháng 10.
Chỉ hơn hai tuần, vào ngày 17 tháng Tám 1974, Pecten đào trúng ngay dầu ở lô 08-TLD, đặt tên là HÔNG-X. Kết quả cho thấy có dầu dưới độ sâu 1.374 mét. Rồi giếng thứ hai, DỪA l-X, trong cùng một diện tích lại tìm được khả năng dầu thô và dầu khí cao hơn. Thử nghiệm cho thấy tất cả có hai nguồn: mỗi nguồn có thể khai thác ngay 1.514 thùng dầu thô một ngày và 5,8 triệu thước khối Anh (cubic feet) dầu khí một ngày. Sau đó, lô DƯA l-x được chính thức tuyên bố chính xác là "mỏ dầu". Hãng Pecten rất vui mừng, nên tiến hành khai thác ngay lô 06-LTD, và đã tìm thấy có dấu hiệu còn khả quan hơn.
Tới tháng 10, 1974 hãng Mobil khoan giàn BẠCH HỔ 1, tại lô 04-TLD, tìm được "lượng dầu quan trọng" dưới độ sâu trên 2,7 cây số (9.000 feet). Tin mừng cứ thế đến liên tục. Hãng Marathon và Union Texas quyết định khoan giếng đầu vào cuối 1974. Hai hãng Esso và Sunningdale có kế hoạch khoan dầu vào tháng 4-1975! Ước tính là vào cuối 1975, sẽ có ít nhất 20 dàn khoan. Sản xuất một lượng dầu khả quan sắp được bắt đầu muộn lắm là vào cuối năm 1977.
Có lần chúng tôi được một hãng khoan dầu mời ra xem dàn khoan ngoài khơi. Trên chuyến trực thăng, tôi hỏi anh phi công Pháp: "Anh nghĩ Việt nam có nhiều dầu không?" Anh vui vẻ trả lời tôi không biết rõ, nhưng theo kinh nghiệm làm việc cho các hãng dầu lửa nhiều năm, tôi thấy ở nơi nào có nhiều tôm là có dầu lửa". Nghe thật mát ruột. Anh ta còn thêm: "Tôi nghĩ rằng quý ông có cả dầu lửa ở Đồng Bằng Cửu Long nữa". Thực hư không biết, nhưng đầu năm 1975, có người giới thiệu một công ty ngoại quốc (mà hiện tôi không nhớ là hãng nào) tới văn phòng để bàn về chuyện này. Họ nói "chúng tôi nghiên cứu sơ khởi và tin rằng có dầu lửa, dầu khí ở vùng Cửu Long".
"Ở đâu?" tôi vội vàng hỏi. "Chúng tôi không thể trả lời ông được, vì phải chi phí tốn kém mới có những thông tin này". Họ đề nghị Chính phủ hai điểm: thứ nhất, cho công ty đào ngay mà không phải qua thủ tục đấu thầu, hành chánh rườm rà; thứ hai, khi khai thác được dầu sẽ chia đôi, một nửa cho công ty, một nửa cho Chính phủ. Tôi nói ngay với Tổng thống Thiệu về việc này. Ông tỏ vẻ vui mừng nói "trong lúc này, ai làm được gì giúp ích là phải cho ngay."
Tin tức về dầu lửa luôn được báo chí đăng lên trang đầu. Truyền hình chiếu những cảnh dàn khoan bận rộn ngoài khơi, những ngọn đuốc đốt bằng dầu khí chiếu sáng vòm trời vào đêm khuya. Trong khung cảnh tối tăm cuối năm 1974, những ngọn đuốc này cũng mang tới một tia sáng loé lên trong tâm trạng dân quân Miền Nam.
Vịnh Cam Ranh
Vịnh Cam Ranh được coi là vịnh có nước sâu, đẹp và tốt nhất ở Đông Nam Á. Người ta còn so sánh Cam Ranh với Vịnh San Francisco ở Mỹ. Thời Pháp thuộc, ngân sách các nước thuộc địa eo hẹp, tuy biết triển vọng của vùng này, nhưng họ vẫn để nằm ụ ở đó, chỉ dùng một cảng nhỏ cho vài chiếc tàu hải quân Pháp. Cách Sài Gòn 400 cây số, Vịnh nằm vào vĩ tuyến 12, gần ngay trục giao thông hàng hải quốc tế Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải, Yokohama. Cam Ranh chỉ xa trục này chừng một giờ tầu biển, trong khi Vũng Tàu cách ba giờ, Hải Phòng cách tám giờ. Vịnh có chiều sâu trung bình từ 18 tới 20 mét. Chỗ sâu nhất là 30 mét. Hải sản nơi đây phong phú, nổi tiếng là tôm hùm Bình Ba và sò Trà Long. Ngoài ra còn nguồn cát trắng với chất lượng cao rất là phong phú. Dọc theo bờ biển năm sáu cây số, mỏ cát Thuỷ Triều nằm ở phía Bắc bán đảo Cam Ranh. Nơi đây có cát trắng với độ sạch tới 99%, là nguyên liệu dùng sản xuất pha lê loại thượng hạng và thuỷ tinh quang học. Ngoài ra còn có khoáng chất thạch anh (quazt) quý giá, dùng làm đồng hồ chạy thật chính xác. Tôi còn nhớ mỗi khi gặp ông Đại sứ Nhật, thấy ông chỉ hay hỏi han về tiến trình phát triển "Vùng Vịnh". Sau này tôi mới được biết là vừa có Hiệp định đình chiến là đã có một công ty Nhật vào làm nghiên cứu khả thi cho một dự án hoá dầu (petrochemical).
Vịnh Cam Ranh là một bình phong chắn gió an toàn cho tàu bè trú ẩn khi bão tố. Cửa biển vào vịnh rộng ba cây số, sâu 20 mét, không có phù sa bồi. Vào thời "Nhật Nga Chiến kỷ", năm 1905 hạm đội Nga do Đô đốc Z.P. Rozhestvensky chỉ huy trên đường đi đánh trận hải chiến Tsushima, đã vào Cam Ranh trú ẩn. Năm 1941 Nhật chiếm đóng Cam Ranh rồi rút năm 1945.
Nga tiếp tục nhòm ngó. Mùa xuân 1975, vào lúc tình hình căng thẳng nhất, ngày 23 tháng Ba, giữa một buổi họp trong văn phòng Tổng thống Thiệu, Đại tá Võ Văn Cầm, Chánh Văn phòng gõ cửa vào đưa một báo cáo từ miền Trung cho ông Thiệu: hải quân ta vừa phát hiện có máy bay trực thăng Nga bay thám thính trên không phận Vịnh Cam Ranh".
Ông Thiệu nổi sùng, "Để nó bay đi rồi còn báo cáo gì nữa!"
Bán đảo Cam Ranh
Hai mươi năm sau khi Nhật rút khỏi Cam Ranh, quân đội Mỹ vào xây cất lên một công trình vĩ đại. Với diện tích 260 cây số vuông ( 100 square miles), bán đảo này giống như hình một cái chai, có chiều dài 12 cây số và chiều ngang bảy cây số ở điểm rộng nhất. Một hệ thống tiếp liệu rất lớn gồm các kho nhiên liệu, kho đạn, xưởng đại tu xe tăng, nhà máy điện, khu nhà ở, giải trí được xây cất. Thêm vào là phi cảng quân sự thật lớn. Sân bay có hai đường băng 3.200 mét, phi cơ loại nào đáp xuống cũng được. Hệ thống đường bộ chằng chịt, giao thông rất thuận tiện. Là một bán đảo, hai bên là biển mà lại có hồ chứa nước ngọt lớn, với trữ lượng thường xuyên hàng trăm ngàn mét khối. Đó là Hồ Ao Hổ rộng 250 mét, dài 1,5 cây số. Vào cuối mùa khô tính ra cũng còn gần 300 triệu ga-lông nước. Nhờ mỏ nước ngọt trong lòng đất nên cây cối xanh tươi. Ngoài hồ, còn một số giếng nước do quân đội Mỹ đào, tụ lại thành 10 điểm cung cấp nước ngọt cho 15.000 lính.
Hải cảng Cam Ranh
Cảng này là một trong ba cảng thiên nhiên tốt nhất thế giới, đứng sau Sydney (Úc) và hơn Rio de Janeiro (Brazil). Ngoài bốn bến tầu (trong chín bến lúc đầu) còn tốt, còn có nhiều cầu tầu có thể bỏ neo bốc rỡ hàng hoá, và 14 phao nổi được cột xuống chắc chắn.
Khi Mỹ trao lại cho Việt nam cộng hoà vào tháng Sáu thì bán đảo Cam Ranh là một của quý. Đã có sẵn một hải cảng lớn, vừa gần biển, vừa cách biển, lại có một hạ tầng cơ sở nằm sát bên để phát triển kỹ nghệ, du lịch, thuỷ hải sản, đóng tầu, sửa tàu, vận tải thương thuyền hàng hải. Cam Ranh còn có hệ thống ra đa tối tân, hệ thống thông tin liên lạc qua Thái Lan. Phillippines bằng giây cáp ngầm xuyên biển, hết sức hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế. Bắt ngay lấy cơ hội, phía Việt nam cộng hoà yêu cầu Cơ quan viện Trợ Hoa kỳ SAID tài trợ một nghiên cứu sơ khởi, một dự án tiền khả thi, nhằm biến đổi một phần của bán đảo Cam Ranh, thành một khu công nghiệp.
Theo kết quả nghiên cứu thì Cam Ranh có thể phát triển theo nhiều giai đoạn.
Giai đoạn đầu là phát triển một khu công nghiệp khoảng 2.000 mẫu tây gồm khu nhà máy, khu nhà ở, giải trí, khuôn viên bảo tồn thiên nhiên. Cảng thì đã có sẵn. Khu kỹ nghệ có thể cho thuê được ngay gồm 480 mẫu tây mặt bằng, cộng với 85.40 mét vuông nhà xưởng. Vì không phải mất tiền đền bù việc di dân, cũng không phải xây cất hạ tầng cơ sở, nên dự án tiết kiệm được thời giờ và ít tốn kém. Chỉ trong hai năm là xong. Chi phí lại rất thấp: khoảng 10 triệu đô la, trong đó số tiền tương đương bảy triệu là tiền Việt nam để trả nhân công, chí phí nội địa. Chỉ cần ba triệu đô la trả tiền kỹ sư và vật liệu nhập cảng là đủ. Trong giai đoạn đầu có thể cho phát triển kỹ nghệ nặng. Đặc biệt là công nghiệp hoá-dầu, amonium, phân Urea, Natri cácbônát khan (soda ash), kỹ nghệ kính để cho các công trình kiến trúc. Tất cả những nhà máy này tốn khoảng 155 triệu đô la để xây dựng và chỉ trong vòng năm năm là có thể bắt đầu hoạt động sản xuất.
Thực ra, không phải đợi tới sau năm năm: đang phát triển giai đoạn đầu là đã có thể làm những bước cho giai đoạn hai, nhắm vào kỹ nghệ nhẹ, chế biến. Khách đầu tư sẽ đổ xô vào "vùng Vịnh" Việt nam. Rồi tới những kỹ nghệ nặng hơn nữa như sắt, thép, kỹ nghệ lọc dầu, kết hợp với các dàn khoan dầu ngoài khơi.
Cảng Cam Ranh dần dần sẽ được tận dụng. Từng bước một, công trình nghiên cứu kết luận: "Phát triển cho đúng mức, tiềm năng của cảng Cam Ranh bằng Singapore, nó sẽ là cảng Hồng Kông thứ hai."
Tóm lại, nếu tổng kết toàn bộ những yếu tố tiêu cực, tích cực thì hình ảnh của nền kinh tế Miền Nam thời "hậu chiến" không phải là đen tối. Trái lại có thể nói là có nhiều triển vọng, nhiều nhà kinh tế đã đồng ý rằng Miền Nam hội đủ điều kiện cần thiết để tiến tới chỗ thoát khỏi tình trạng hậu tiến, cũng giống như Đài Loan, Nam Hàn. Và việc phát triển sẽ mất ít thời gian hơn là các quốc gia kia, một phần vì đã có sẵn những xây cất hạ tầng tương đối đầy đủ. Lại còn thêm của Trời cho. Quan sát tại chỗ, Đại sứ Martin đã phát biểu cho ký giả tuần báo U.S. News and World Report (11):
"Đôi khi ta thấy trong cùng một quốc gia có sự phối hợp giữa tài nguyên phong phú, một hệ thống hành chính có quyết tâm với những chính sách kinh tế hợp lý một dân tộc thông minh, khéo léo, và hết sức dẻo dai, với một khả năng cố gắng bền vững, một quyết lâm mãnh liệt và tha thiết bảo tồn tự do của mình.
"Khi có một kết hợp như vậy, như hiện đang có ở Miền Nam Việt nam, thì chỉ cần một nguồn tài chính từ ngoài vào làm vai trò tác dộng, để nối kết tất cả những yếu tố này lại với nhau thì có thể có những kết quả thật là xuất sắc"
Thực vậy, vào thời điểm đó, mục tiêu tiến tới độc lập về kinh tế sau một kế hoạch ngũ niên (1975-1980) là rất có thể tin được Bộ Kế hoạch ước tính là chỉ cần có nguồn tài chính khiêm nhường khoảng 700 triệu đô la một năm để giúp tài trợ cho kế hoạch này là "bung ra" được rồi (take-off). Từ 1980, miền Nam sẽ không còn phải dựa vào Hoa kỳ nữa.
Như vậy, tổng số của nguồn tài chính này tính ra là 3,5 tỷ đô la (700 triệu cho năm năm), xấp xỉ bằng số tiền người Việt từ nước ngoài đang gửi hằng năm về cho thân nhân ở Việt nam ngày nay.
Chú thích:
(1) Về sản xuất gạo của hai miền Nam, Bắc, xem Nguyễn Tiến Hưng, Economic Development of socialis Vietnam, 1975-1980, trang 3-16 và Haut Commissariat de France Pour L indochine, Annuaire Statistique de l Indochine, 1939-1940.
(2) Nguồn: USAID.
(3) Sách nổi tiếng của Dam Smith là The Wealth of nations (1776).
(4) Tài liệu Bộ kế hoạch, VNCH, và USAID.
(5) Nguồn: USAID.
(6) Nguồn: USAID.
(7) Nghiên cứu của tác giả.
(8) Xem Business International Asia/pacific Ltd., Risks and Rewards in Vietnam s Market trang 13.
(9) Tài liệu Bộ kế hoạch, VNCH, và USAID.
(10) Business International Asia/pacific Ltd., Risks and Rewards in Vietnam s Market, trang 74.
(11) J. U.S. News and World Report, 29 tháng 4, 1974.