Các em nữ sinh Việt nam mặc đồng phục màu trắng, đứng dàn chào trên bãi biển, chờ đón để cài hoa lan lên áo người chiến sĩ Đồng minh. Hôm đó là ngày 8 tháng 3, 1965. Hai sư đoàn TQLC Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Họ là nhóm đầu tiên mở đường cho một đoàn quân trên nửa triệu vào tham chiến tại Việt nam Họ đến để giúp nhân dân miền Nam chiến đấu với quân đội cộng sản Bắc Việt.
Mười năm sau, cũng vào tháng 3, Mỹ lại có kế hoạch đưa TQLQLC vào. Nhưng lần này không phải vào Đà Nẵng mà là vào Sài gòn. Không phải vào để tham chiến mà là vào để đưa Mỹ rút đi. Kế hoạch rút lui của Mỹ đòi hỏi phải có tới ba chứ không phải hai sư đoàn, cùng với oanh tạc cơ bao phủ vòm trời để yểm trợ Tại sao lại như vậy? Vì vào thời điểm này, ngoài quân đội Bắc Việt, Mỹ còn lo ngại hơn nữa là phải chạm súng với chính quân đội VNCH! Ôi chao, sao lại có thể ê chề đến như vậy? Ăn ngủ với nhau đã vài chục năm, lúc ra đi lại bắn nhau hay sao?
Ấy thế mà khả năng này lại có thật! Với thời gian, dần dần ta mới thấy rõ hơn những biến chuyển đàng sau hậu trường khi giờ hấp hối của VNCH đã gần kề. Đại sứ Martin kể lại với tôi:
"Lúc đó đã có biết bao nhiêu những kế hoạch điên rồ (crazy plans) được mang ra. Tôi phải cố ngăn chặn lại. Suýt nữa thì hoàn toàn đổ vỡ, chẳng ai đi được mà còn có thể gây ra thảm hoạ lớn?"
Sau khi nói chuyện với ông và nghiên cứu thêm tôi thấy các tình huống xoay quanh kế hoạch của Mỹ rút khỏi Việt nam nó ăn khớp với nhau. Nói chung, để giúp cho việc ra đi được yên ổn và không lổn hại nhiều tới uy tín của mình, Hoa kỳ đã có bốn dự định chính:
- Thứ nhất, một kế hoạch quân sự: mang thuỷ quân lục chiến vào Sài gòn để phụ trách di tản 6,000 người Mỹ và một số rất ít người Việt nam liên hệ;
- Thứ hai, tác động với phía Việt nam để tránh tình trạng hỗn loạn vào giờ phút chót.
- Thứ ba, nhờ cậy Liên Xô dàn xếp với Hà Nội để không cản trở việc di tản; và
- Thứ tư, sắp xếp một giải pháp chính trị để có một thời gian chuyển tiếp.
Dù là cả bốn hành động đi chung với nhau, về tầm quan trọng và ưu tiên, có sự khác biệt giữa những quan chức Mỹ ở Washington và ở Sài gòn. Washington thì đặt nặng giải pháp quân sự và việc cầu cầu Liên Xô. Tại Sài gòn, Đại sứ Martin lại cực lực chống đối kế hoạch quân sự, chỉ tập trung vào việc tránh xáo trộn và sắp xếp giải pháp chính trị.
Về mục tiêu của các giải pháp cũng có sự khác biệt: Washington theo đuổi một mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu tình thế, đó là rút ra cho mau lẹ, trong khi Đại sứ Martin lại muốn có một thời gian lâu hơn để việc rút lui không quá lộ liễu, đồng thời giúp di tản một số người Việt nam.
Suýt có đụng độ lớn?
Tình trạng hỗn loạn, tắc nghẽn ở Sài gòn làm kẹt việc di tản 6.000 người Mỹ là một tình huống đã làm cho Đại sứ Graham Martin lo nghĩ nhiều nhất. Ông kể lại là mình đã mất ngủ từ khi trông thấy cảnh rút lui thê thảm khỏi Cao Nguyên, rồi tới tình trạng rối loạn, kiêu binh ở Đà Nẵng, Nha Trang: dân chúng tràn ngập đường phố để tìm lối thoát, rồi tới tình trạng rối ren ở phi trường. Máy bay không đáp xuống được nữa khi các phi đạo bị tắc nghẽn. Ông giải thích về bài học quan trọng để rút ra: yếu tố đáng sợ nhất chính là sự hoảng hốt. Sự hoảng hốt có thể là kẻ giết người, là kẻ phá đổ, và là yếu tố làm tê liệt mọi việc mà ta cần phải tránh với bất cứ giá nào vào lúc đó" (1)
Bỏ rơi là phản bội. Phản bội và hậu quả của nó là điều mà Đại sứ Martin đã vô cùng lo ngại trong những ngày cuối cùng.
Nếu cảnh hoảng hốt lại tái diễn ra ở Sài gòn thì hơn 6,000 người Mỹ và số người Việt được chọn sẽ bị kẹt. Trong trường hợp dó, quân lực Mỹ sẽ phải vào can thiệp, dẫn tới khả năng đụng độ giữa hai quân đội MỸ-VNCH. Đó là một tình huống xấi nhất, mà lại vào giờ chót.
Kế hoạch để di tản số người Mỹ và bà con hoặc đã có dính líu tới Mỹ, có mật hiệu là "Talon Vise". Lựa chọn thứ nhất của kế hoạch này là di tản bằng những máy bay lớn từ phi trường Tân Sơn Nhất, yểm trợ bằng quân lực Mỹ.
"Tôi cho rằng mang quân đội Mỹ vào là một sai lầm lớn, vì, thưa quý vị, nếu quý vị đứng vào hoàn cảnh của người Việt nam thì quý vị sẽ phản ứng như thế nào?" ông Martin trình bày với Quốc hội về sau này (2).
Khi bị chất vấn là tại sao ông không yêu cầu Tổng thống cho di tản trước ngày 29 tháng 4 (ngày Tân sơn Nhất bị pháo kích), ông Martin trả lời:
"Không, vì theo đánh giá kỹ nhất của tôi, nếu làm sớm hơn sẽ có nguy cơ là xảy ra một tình trạng hỗn loạn với kết quả là một số rất đông người Mỹ sẽ chết. Nó sẽ đưa tới một sự khủng khiếp nặng nề nhất, đó là nhu cầu phải đưa quá nhiều quân lực Mỹ vào, và chúng ta sẽ phải chiến đấu với quân đội Miền Nam để mở đường tháo lui" (3).
Ngày nay ta mới hiểu hết được tâm tư của Đại sứ Martin. Rõ ràng là thoạt đầu Washington chỉ muốn di tản nhân viên toà đại sứ Mỹ, cơ quan Tuỳ viên quốc phòng DAO, công dân Mỹ và một số rất ít người Việt làm việc cho Mỹ mà thôi. Và phương thức di tản thì lại quá ư là nguy hiểm. Ta thử tưởng tượng: nếu Mỹ đem từ 3 tới 6 sư đoàn vào để chỉ di tản người Mỹ và bà con, trước hết là TQLC chiếm đóng phi trường Tân Sơn Nhất, rồi Toà đại sứ Mỹ; sau đó, trực thăng và từng đoàn xe Mỹ chở người tới phi trường. Và cũng như vậy, di tản từ các địa điểm khác như Biên Hoà, Cần Thơ. Khi thấy sự phản bội quá lộ liễu như thế, liệu các đơn vị quân đội, cảnh sát, nghĩa quân, địa phương quân, dân chúng VNCH có để yên hay không? Vào đầu tháng 4, sau những buổi họp tại Dinh Độc lập và Phủ Thủ tướng, tôi cũng đã bắt đầu nghe thấy hai chữ "Đ.m". Sau này, nhiều người cũng kể lại sự phẫn nộ lúc đó tại các đơn vị quân đội VNCH khắp nơi.
Vào thời điểm đó, "kế hoạch điên rồ" mà ông Martin lo ngại đang được bàn định tại Ngũ Giác Đài. Kế hoạch này được tuần báo TIME tiết lộ như sau:
"Sự nguy hiểm là Cộng sản sẽ pháo kích các phi trường. Cũng có một khả năng ác liệt khác là quân đội miền Nam Việt nam sẽ quay súng bắn vào phi trường Tân sơn Nhất, vào phía Tân cảng (cảng Newport), hay bắn vào chính cả cái bãi đáp trực thăng trên nóc toà đại sứ Mỹ nữa, nếu những người Mỹ rục rịch di tản..."(4).
Hoa kỳ đã tập hợp lại một đoàn hạm đội ở vùng biển Nam Hải cho công tác này. Đoàn này gồm 4 hàng không mẫu hạm: Hancock, Coral Sea, Midway, và Enterprise. Một đơn vị 2.200 lính Thuỷ quân lục chiến (TQLC) đã được huy động tới trên bốn mẫu hạm này và những tàu hộ tống khác. "Nếu cần, quân đội Mỹ có thể được không vận vào Sài gòn, bắn phá mở đường tiến một địa điểm an toàn, rồi chở đoàn người di tản ra bằng trực thăng tới các tầu ngoài khơi"(5).
Địa điểm an toàn đó là phi trường Tán Sơn Nhất. TQTC Mỹ sẽ chiếm và bao vây phi trường (xem hình). Để thi hành kế hoạch này, cũng theo tờ TIME: Theo ước lượng của các chuyên viên Ngũ Giác Đài, sẽ cần tới 3 sư đoàn - mỗi sư đoàn 18,000 người- và hơn nữa, nếu tình hình trở nên bết bát hơn là dự đoán. Ngoài những máy bay phản lực bảo vệ trên vòm trời, lại còn cần đến yểm trợ hoả lực từ ngoài khơi, và hàng tá, nếu không phải là hàng trăm chiếc trực thăng nữa"(6).
Tờ NEWSWEEK còn tiết lộ là Ngũ Giác Đài rất lo ngại về tình huống có thể xảy ra như một ác mộng, đó là nhu cầu phải có một lực lượng làm hậu thuẫn cho kế hoạch Talon Vise, nhất là khi họ đã trông thấy cái cảnh kiêu binh của nhiều binh chủng ở Đà Nẵng (7):
"Dù rằng đã có 20,000 quân ở Miền Tây Thái Bình Dương và vài tá chiến hạm - gồm 4 hàng không mẫu hạm cớ lớn và một mẫu hạm chở trực thăng ở ngay bên trong, hay sát gần hải phận Việt nam, lực lượng này gần như chẳng đủ để thi hành công tác đó. Sau kinh nghiệm Đà Nẵng và Nha Trang hai tuần trước đây... Ngũ Giác Đài đã trở nên thận trọng".
Tờ báo này trích dẫn một viên chức cao cấp ở Ngũ Giác Đài đã tiết lộ:
"Tôi đã được nghe một số tướng lãnh nói có thể cần tới 6 sư đoàn mới lập được một hành lang di tản". Viên chức cao cấp khác thêm: "Phải chiếm phi trường Tân Sơn Nhất để máy bay và trực thăng đáp, chỉ việc này không thôi cũng đã cần 3 sư đoàn. Rồi cần giữ an ninh ngoài cảng cho tầu cập bến nên lại cần thêm ba sư đoàn nữa".
Ngày 28 tháng 4, tờ NEWSWEEK còn tiết lộ thêm là có thể cần tới 200,000 quân đội Mỹ, nhưng các nhà quân sự đã phải thừa nhận rằng khó có thể nào điều động được một số quân lớn như vậy trong một thời gian ngắn. Tờ này nói thêm: "Một viên chức Mỹ ở Sài gòn đã giải thích "Chúng tôi thật lòng cố gắng để di tản tất cả những người đã làm việc cho chúng tôi hay những người bị nguy hiểm. Thế nhưng, hãy nhìn vào thực tế: chúng tôi phải lo cho người chúng tôi trước, và trong lúc này thì chỉ việc đó cũng là một cơn ác mộng rồi".
Đại sứ Mỹ cực lực phản đối
Từ khi biết được kế hoạch này vào khoảng cuối tháng ba, đầu tháng tư, Đại sứ Martin đã chống lại. Rồi ngày 8-4, ông lại thấy trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội, Tổng thống Ford lại còn nói rõ ra rằng ông yêu cầu Quốc hội cho phép dùng quân lực Mỹ để thực hiện một mục tiêu giới hạn là bảo vệ mạng sống người Mỹ bằng cách đảm bảo cuộc di tản của họ, nếu trở nên cần thiết". Ông Ford còn xin Quốc hội sửa đổi luật lệ hiện hành (về quyền hạn chiến tranh của Tổng thống) để ông còn có thể dùng quân lực giúp di tản một số người Việt mà Mỹ có trách nhiệm đặc biệt đối với họ (những người làm cho Mỹ).
Nghe Tổng thống nói tới "dùng quân lực" là ông Martin hết hồn. Ông cực lực phản đối. Không, ông không thể nào để xảy ra một tình huống có thể dẫn đến cái cảnh Mỹ-Việt chĩa súng bắn nhau, mà lại bắn nhau vào giờ phút chót! Cái cảnh nồi da xáo thịt ấy còn làm cho Mỹ bẽ mặt thêm biết bao nhiêu nữa. Trong mật điện rất dài gửi Kissinger đêm ngày 17 tháng 4, ông Martin đã thẳng thắn đề cập tới vấn đề và cố thuyết phục(8):
"Lệnh di tán người Mỹ đột ngột có thể gây bạo động ở Sài gòn. Nếu không giữ bình tĩnh mà lại đưa thuỷ quân lục chiến vào đây thì có thể gây sự nổi giận không thể lường được... "
Rồi ông nhấn mạnh thêm:
"Tôi nhắc lại một lần nữa là sẽ có náo động lớn, nếu gửi quân đội Mỹ vào Sài gòn, ngoại trừ một số ít và không quí lộ liễu".
"Tất cả phòng tin tức lặt vặt nhận được về phản ứng (của phía Miền Nam) đều xác định đây là điều ta không nên làm... "
Chắc chắn ông Martin đã nhận được nhiều tin tức tình báo về khả năng này.
NEWSWEEK (28 tháng 4) còn viết thẳng ra: "Thực vậy, kế hoạch phòng hờ để bảo vệ người Mỹ được soạn thảo ra dường như là để đối phó với những người lính Miền Nam đang liều mạng tìm lối thoát hoặc uất hận vì bị bỏ lại, còn nhiều hơn là đối phó với đoàn quân cộng sản đang tiến tới".
Tờ này còn thuật lại câu chuyện là một buổi sáng nọ, khi quan sát nhóm người Mỹ và thân nhân Việt của họ kéo đến trước toà đại sứ, một viên chức cảnh sát Sài gòn bỗng nhiên chặn lại và quát lên: "Các anh không thể bỏ xứ này ra đi, tôi sẽ nhốt hết các anh lại". Lính gác vội vàng đưa đoàn người này lọt vào qua cổng toà đại sứ.
Trường hợp khác, tại Cần Thơ, những chuyến trực thăng của hãng Air America đã phải bay ban đêm tới một khu chung cư của người Mỹ để bốc họ đi, vì viên sĩ quan chỉ huy phi trường có nói với ông Lãnh sự Hoa kỳ ở Cần Thơ rằng ông ta không thể bảo đảm được kỷ luật của quân lính dưới quyền mình nếu người Mỹ cố di tản bất cứ ai ra khỏi phi cảng"(9).
Về điểm này, chính bản thân nhiều độc giả chắc cũng đã chứng kiến những bất mãn tương tự tại các đơn vị quân đội hay tại địa phương.
Tại Nha Trang, NEWSWEEK thuật lại: "Khi Toà Lãnh sự Mỹ di tản, chỉ có đủ máy bay để chở người Mỹ, những lính gác Mỹ đã phải chĩa súng tự động vào số nhân viên để họ khỏi tràn ngập máy bay. Và một nhân viên CIA còn kể đến một chuyến phản bội nhẫn tâm hơn khi di tản Toà Lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng: tới lúc ra đi, người Mỹ nhận thức rằng họ không thể nào cho di tản số nhân viên Việt nam được, nên họ đã cho đậu ba chiếc xe vận tải trước cổng Toà Lãnh sự. Người Việt vội vàng trèo lên, thế là xe phóng đi liền. Khi đám đông đi rồi, người Mỹ mới chạy thoát ra. Rồi những chiếc xe vận tải thả ngay lại số người này xuống một bãi ở cách Toà Lãnh sự mấy dậm" (10).
Theo những thông tin nhận được, ông Martin ra sức ngăn chặn việc mang quân vào. Trong cùng một mật điện (ngày 17 tháng 4), ông báo động về Washington.
"Người Việt nam sẽ cho rằng Hoa kỳ mang TQLC vào để di tản người Mỹ và mặc kệ số phận người Việt ở đây. Đó là một hành động phản bội trắng trợn của Hoa kỳ".
"Họ sẽ tin rằng Mỹ chẳng còn cần để ý tới những gì sẽ xảy ra cho họ nữa. Và từ cái cảm nhận sâu đậm đó, nếu chỉ có một việc gì bất ngờ xảy ra, dù là nhỏ nhoi tới đâu, cũng có thể gây ra tình trạng vô cùng hỗn độn. Cứ để như tình trạng hiện tại, chúng tôi sẽ gây được cảm tình với người Việt nam vì họ cho rằng người Mỹ còn ở lại đây cũng chịu chung số phận với họ..."
"Hôm nay tôi đã cho di tản, một cách bất hợp pháp, bà vợ của một viên chức tình báo cao cấp. Ông ta sẽ không bao giờ ra đi, nhưng như vậy ta luôn luôn có thông tin đầy đủ, và chính ông ta cũng đã dùng ảnh hưởng lớn của mình can thiệp với tư lệnh một vài đơn vị quân đội trong số những đơn vị mạnh nhứt để giúp cho "những người bạn trung thực nhất" của Việt nam ra đi cho an toàn".
Rồi như không còn chế ngự được mình nữa Đại sứ Martin đã đi tới chỗ gần như chửi thề ông Ngoại trưởng và Tổng thống:
"Thế nhưng tất cả những điều này đều có thể thay đổi đột ngột nếu như có một tên điên rồ khốn kiếp nào đó (some god-damned fool) lại thuyết phục được một trong các quý ông ở địa vị lãnh đạo cao cấp, mang TQLC vào trước khi tôi yêu cầu".
"Và tôi sẽ không ngần ngại chút nào để yêu cầu khi trật tự công cộng bắt đầu tan rã".
Để cho tăng phần quan trọng, ông thêm: "Đây là công điện tôi tự đánh máy lấy, không có bản sao, ngoại trừ hồ sơ tại Washington".
Chữa xong, trước khi chấm dứt bức công điện, ông đã bỏ hết mọi ràng buộc về ngoại giao và còn dứt khoát với cấp trên:
"Có một điều tôi đoan chắc tuyệt đối (deadly certain) là nếu đưa quân đội Hoa kỳ ào ạt vào đây trong điều kiện hiện nay thì họ sẽ phải chiến đấu với quân đội miền Nam để tìm đường tháo chạy".
"Nếu ta hành động một cách bình tĩnh thì ta có thể rút khỏi một cách êm đẹp - tôi xin nhắc lại – và ta sẽ không làm một lỗi lầm ghê gớm nữa trong trăm ngàn lỗi lầm người Mỹ đã làm ở Việt nam và về vấn đề Việt nam".
Trân trọng,
Martin
Tác động phía miền Nam
Một mặt thì ngăn chặn Washington gửi TQLC vào Sài gòn, một mặt ông lại cố tác động phía Miền Nam để giữ cho tình hình khói xáo trộn. Ông làm ba hành động: một là sinh hoạt hết sức bình tĩnh để không đổ thêm dầu vào lửa, không làm xôn xao thêm dư luận là Mỹ đang bỏ chạy; hai là cố kéo dài cuộc di tản người Mỹ để giúp một số người Việt ra đi; và ba là cho di tản sớm một số phi công và gia đình quan chức, tướng lãnh nòng cốt. Ông giải thích cho Quốc hội Hoa kỳ đầu năm 1976:
Điều lo ngại nhất của chúng tôi lúc đó là tránh khỏi cảnh hoảng hốt, hỗn loạn. Sự lo nghĩ này nó ảnh hưởng đến tất cả những hành động khác. Liên quan tới điều này là mối lo âu thứ hai của tôi, có là: nếu chúng ta không cư xử cho đúng mức thì Đồng minh của chúng ta (phía VNCH) sẽ cảm thấy mình đang bị bỏ rơi, và trở mặt với Mỹ trong những ngày cuối cùng".
"Bởi vậy phải hết sức bình tĩnh nếu muốn di tản được người Mỹ, những người Việt có liên hệ gia đình với Mỹ, và càng nhiều nếu có thể được, số người Việt mà Mỹ có trách nhiệm đối với họ" (11).
Dù bị Kissinger hối thúc liên tục, tại tư thất cũng như văn phòng làm việc, ông Martin nhất định không chịu đóng gói. Đồ đạc, sách vở, hồ sơ, hình ảnh trên tường vẫn được để nguyên vẹn, không xê dịch. Ngày 18 tháng 4, ông còn cho Giám đốc Thông tin Hoa kỳ, ông Lan Carter lên TV Sài gòn để tham dự một cuộc phỏng vấn. Những câu hỏi và trả lời được soạn kỹ lưỡng trước, nhằm làm giảm nhẹ những lo âu là Mỹ đang bỏ Việt nam. Việc đầu liên Carter phải làm là đánh tan cái tin đồn là "nếu Quốc hội Mỹ không chấp thuận quân viện cho VN vào hạn chót như Tổng thống Ford đã đặt ra (đó là 19-4), thì toàn bộ người Mỹ sẽ được di tản".
Tôi còn nhớ là ngày 11 tháng 4, sau khi ông Ford ấn định ngày 19 tháng 4 là ngày Quốc hội phải quyết định có hay không cấp quân viện phụ trội cho VNCH, toàn bộ Nội các hết sức xôn xao. Ông Thiệu cũng hỏi tôi tại sao lại là ngày 19-4? Tôi trả lời là thực sự tôi cũng không hiểu. Sau đó tôi tới Đại sứ Martin hỏi, ông nói lơ mơ là không có gì đặc biệt. Rồi ông soạn một trang gợi ý cho ông Thiệu mấy điểm để giải thích lập trường của ông Ford (xem chương sau).
Trong cuộc phỏng vấn trên TV, ông Carter đã nhan mạnh "Ngày 19 tháng 4 chỉ là một ngày đề ra cho Quốc hội hành lang, chẳng có gì quan trọng cả. Ngoài ra, ông nói: "Ta cũng nên nhớ rằng Tổng thống Ford đã tuyên bố ông sẽ còn yêu cầu những $1.29 tỉ quân viện cho VNCH vào tài khoá tới (1975/76)".
Để chứng tỏ là tình hình vẫn bình thường, Carter nói thêm: "Nếu quý vị ghé thăm tư thất Đại sứ và bà Martin, quý vị sẽ thấy hoàn toàn không có đóng gói gì hết. Và ở nhà riêng tôi cũng vậy".
Được hỏi về lời đồn thổi là Văn phòng lãnh sự Mỹ đã cấp chiếu khán cho một số người Việt di tản, Carter chối phắt đi:
"Đây cũng chỉ là một lời đồn đại khác nữa, không có một chút sự thật nào cả" (12).
Người ta kể lại là ông Martin đã rất khó chịu với ông Polgar (trùm CIA) khi nghe tin ông này đã đóng gửi đồ đạc gia dụng đi từ đầu tháng 4 (13). Theo ông Von Marbod, Đệ nhất Phó phụ tá Bộ trưởng quốc phòng kể lại, dù đã tới ngày 28 tháng 4, ông Martin cũng vẫn còn chưa muốn cho Marbod di chuyển số máy bay còn lại và quân cụ nặng ra khỏi VN vì e ngại ảnh hưởng tới tinh thần quân đội VNCH. Dĩ nhiên là Marbod cứ tiếp tục vì ông đã có lệnh từ Washington. Vì sao phi công VN được di tản trước?
Ngoài bà vợ viên chức tình báo cao cấp, Đại sứ Martin đã sắp xếp để đưa một số khá nhiều phi công VNCH và gia đình được ưu tiên ra đi. Tất cả khoảng 2,000 người di tản trước hết là tới phi cảng Utapao ở Thái lan. Mục đích của việc này là để giảm thiểu khả năng trả thù và đụng độ với lực lượng Mỹ. Trình bày cho Quốc hội về việc này, ông Martin cho rằng nếu cảm thấy bị bỏ rơi quá tàn nhẫn, phía Việt nam sẽ trút sự giận dữ trên đầu những người Mỹ còn lại:
"Tình báo của chúng tôi đã có rất nhiều những báo cáo chính xác là nếu chúng ta mang số đông TQLC vào để di tản người Mỹ, chúng ta sẽ phải chiến đấu để mở đường tháo chạy; Không quân Việt nam sẽ bắn rơi các máy bay vận tải của mình, khi chúng ta bỏ rơi chiến hữu, phó mặc họ cho Bắc Việt"(14).
Ông Martin cho rằng phi công là những phần tử trong quân đội VNCH bị uất hận nhiều nhất nên có thể phản ứng:
"Tôi có một sự lo nghĩ trong lòng nhưng nó đã được giải quyết trước ngày cuối cùng của cuộc di tản, đó là một phần đông không quân Miền Nam đã được bay sang căn cứ Utapao ở Thái Lan. Như vậy là đã di chuyển được khả năng (chiến đấu) của một số phi công chống đối trên bầu trời, họ có lẽ là phần tử uất hận nhất trong các quân chủng. Và để trả thù, họ sẽ ngăn chặn cuộc di tản cuối cùng của chúng ta"(15).
Nếu phi công VNCH bắn rơi ba bốn chiếc máy bay vận tải Mỹ chắc chắn là sẽ có nhiều trong số 6,000 người Mỹ phải chết. Thêm vào đấy là số thương vong không thể lường của quân đội hai bên. Dĩ nhiên là không lực từ Đệ thất hạm đội sẽ vào uy hiếp, dẹp tan hết mọi cuộc tấn công. Nhưng Sài gòn sẽ đổ nát như Baghdad, và bao nhiêu người dân sẽ là nạn nhân. Về điểm này, Đại sứ Martin đã trình bày với Quốc hội hết sức dứt khoát. Ông nói rằng nhân dân Mỹ đều "biết đếm", họ đếm được những kết quả việc ông đã làm, đó là (16):
- Giúp cho bất cứ người Mỹ nào muốn di tản đều đã đi được;
- Tránh khỏi sự hoảng hốt lúc Mỹ ra đi;
- Sự chuyển tiếp qua ba Chính phủ trong mười ngày ở Miền Nam đã không bị lộn xộn, và vì vậy, đã vớt vát được chút đỉnh tính cách hợp hiến, hợp pháp ở Miền Nam;
- Sài gòn đã không bị tàn phá, chúng ta đã không bị Đồng minh trước đây của chúng ta (VNCH) tấn công khi rút đi; và
- Cuộc triệt thoái đã được diễn ra tương đối với đôi chút phẩm cách.
Trong tình huống có xô xát lớn giữa quân đội của hai Đồng minh vào những ngày cuối cùng, thì ngay tức khắc VNCH sẽ trở thành thù địch của Hoa kỳ. Trong trường hợp này thì đã không một người nào trong chúng ta được di tàn.
Và nếu đã là thù địch, nếu đã không có di tản đợt đầu thì làm sao có đợt hai, đợt ba, làm gì có chương trình "Ra đi có trật tự" (ODP), và chương trình "Chiến dịch nhân đạo" (HO).
Chắc chắn là đã không có "Little Saigon" ở Nam Cali hay Eden Center" ở vùng Washington D.C. Lịch sử Hoa kỳ sẽ ghi lại: "Chính Miền Nam là kẻ phản bội, sát hại một Đồng minh đã tiêu phí 150 tỷ đô la, hy sinh trên 53,000 mạng người để yểm trợ họ ròng rã hai mươi năm trời". Ngày nay, người Mỹ sẽ nhìn người Miền Nam với con mắt như thế nào? Nghĩ lại mà rùng mình! Như ông Martin đã đánh giá tình hình lúc đó: "Nếu chỉ có một việc gì bất ngờ xảy ra dù là nhỏ nhoi tới đâu, thì rất có thể gây ra tình trạng vô cùng hỗn loạn!" Thử tưởng tượng: đang khi TQLC Mỹ ào ào túa vào, dân chúng chắn trước cổng Toà đại sứ, đường phố Sài gòn bế tắc, phi trường Tân Sơn Nhất lộn xộn, chỉ một quả lựu đạn nổ, làm chết vài người lính Mỹ là tan vỡ rồi, chứ đừng nói tới không quân bắn vào máy bay vận tải Mỹ.
Huỷ bỏ "kế hoạch điên rồ "
Trước sự phản đối liên tục và mạnh mẽ của Đại sứ Martin, ông Ford sau cùng đã được thuyết phục. Ông lập luận theo ông Marlin và cảnh cáo các thượng nghị sĩ của Uỷ ban Ngoại giao trong một cuộc họp kín tại Bạch Cung (17):
"Nếu quý vị tuyên bố là sẽ không di tản người Việt nam, quý vị sẽ có khó khăn lớn để đưa 6,000 người Mỹ ra".
Về cuộc họp này, Ron Nessen kể lại như sau (18):
"Kissinger, với vẻ mặt mệt mỏi và phiền muộn, đã báo cáo rằng một quan chức Sài gòn có nói với ông: "Nếu các Ngài rút người Mỹ ra và bỏ rơi chúng tôi trong hoạn nạn, các Ngài có thể sẽ phải đánh nhau với một sư đoàn quân đội Miền Nam để có lối ra".
Trong hồi ký của ông xuất bản năm 1979, Tổng thống Ford cũng đã kết luận về cuộc di tản đúng như nhận xét của ông Martin hồi đó (19).
"Chúng tôi cảm thấy rằng một cuộc di tản vội vã sẽ có những hậu quả trầm trọng. Một tình trạng hoảng hốt lớn tại thủ đô miền Nam sẽ có thể phát sinh, và trong sự chua cay là bị "phản bội", quân đội miền Nam có thể quay súng vào người Mỹ".
Cảnh cáo các Nghị sĩ xong, cũng theo Nessen, ông Ford vẫn tiếp tục yêu cầu cấp $722 triệu quân viện mà tướng Weyand đã đề nghị. Ford và Kissinger nghĩ rằng đối với Chính phủ VNCH, yêu cầu Quốc hội khoản tiền này sẽ có tác động hối lộ". Tổng thống Ford cảnh cáo quý vị nghị sĩ: "Tôi không thể đảm bảo được rằng nếu chúng ta nói "không cấp tiền nữa", mà ông Thiệu ... lại không có thể làm một chuyện gì đó là hoàn hoàn phi lý"
Nói rõ hơn, ông Ford còn thêm: nếu rút hầu hết người Mỹ cùng một lúc sẽ làm cho người Việt nam nghĩ rằng Mỹ đang tháo chạy, sẽ có thể gây ra hoảng hốt, rồi những cuộc tấn công vào những người Mỹ còn lại".
Sau cuộc họp, Ford còn dặn các nghị sĩ là chớ có để cho báo chí biết là tất cả phiên họp chỉ toàn bàn tới chuyện di tản.
Quý vị hãy nói: "Chúng tôi chỉ bàn chuyện làm thế nào để ổn định tình hình lại Miền Nam".
Cầu cứu Nga Xô
Đó là tác động về phía Miền Nam. Còn đối với Bắc Việt thì sao? Trong cuốn sách vừa xuất bản năm 2003 về "Kết thúc chiến tranh Việt nam" ("Ending the Vietnam war"),
Kissinger có tiết lộ rằng, tác động duy nhất mà Mỹ có thể làm được về chính trị vào lúc đó là tiếp xúc với Liên Xô. Ông cho rằng mặc dù có những đình trệ trong cuộc thương thuyết về nhiều vấn đề, Nga Xô vẫn tiếp tục thấy quyền lợi của mình trong mối bang giao giữa hai nước. Bởi vậy, Kissinger viết (20): "Ngày 19 tháng 4, tôi gửi một "lời nhắn miệng" của Tổng thống Ford cho Tổng Bí Thư Brezhnev qua Đại sứ Dobrynin rằng chúng tôi cần có một cuộc đình chiến để "di tản công dân Mỹ và những người Miền Nam có liên hệ trực tiếp và đặc biệt với Mỹ". "Chúng tôi đã liên lạc với Moscow vì, dựa trên quyền lợi hỗ tương và lâu dài giữa hai nước, tình hình phải được kết thúc mà không gây phương hại tôi quan hệ Mỹ-Nga, hoặc có ảnh hưởng tới thái độ của dân chúng Mỹ đôi với các vấn đề quốc tế khác".
Ông còn tin rằng để làm cho giải pháp cầu cứu phía Nga Xô có hiệu quả, "Chúng tôi đã nhấn mạnh thiện chí chúng tôi muốn thảo luận về những tình huống đặc biệt cần thiết cho cuộc đình chiến - nói cách khác, tới một sự thay đổi về tình thế chính trị ở Sài gòn".
"Về thay đổi tình thế chính trị", ý Kissinger muốn nói về nhượng hộ chính trị, đó là thay đổi Chính phủ Thiệu. Ông bình luận thêm trong cuốn sách: "Chúng tôi giả bộ nêu ra những hậu quá nguy hiểm nếu phi trường hay phi cơ dân sự bị tấn công - tuy nhiên, một người quá chuyên môn về những cuộc tranh luận tại Quốc hội Hoa kỳ như ông Dobrynin thì cũng chẳng thấy một chút trọng lượng nào trong lời hăm doạ ấy"(21).
Hà Nội không can thiệp di tản
Sau này, khi được hỏi về vai trò của Nga Xô trong những cuộc thương thuyết từ trung tuần tháng 4, 1975, Đại sứ Martin có xác định lại là: "Phía Nga Xô có cho phía Hoa kỳ hay rằng Hà Nội sẽ không làm trở ngại cuộc di tản của chúng ta"
Về thái độ của Liên Xô, Kissinger kể lại: "Ngày 24 tháng 4, ông Dobrynin gọi điện thoại cho tôi lúc 4 giờ chiều và đọc cho tôi nghe lời phúc đáp về đề nghị ngày 19 tháng 4 của Mỹ. Lời phúc đáp này có vẻ đã bật đèn xanh cho cuộc di tản người Mỹ, và cũng nói rằng Hà Nội muốn tìm một giải pháp chính trị theo hướng Hiệp định Paris. Hà Nội còn nhắn với Moscow là "họ không có ý định làm tổn thương tới uy tín của Mỹ..." Và như vậy, Brezhnev đã cố ngăn cản Mỹ can thiệp bằng quân sự: ông ta đã mạnh dạn hơn để kìm hãm cái bản chất phiêu lưu mà thực sự đã không có của Hoa kỳ lúc đó, bằng cách bày tỏ hy vọng là Mỹ sẽ không có những hành động có thể làm cho tình hình tại Đông Dương thêm trầm trọng hơn" (22).
Trong khi chờ đợi Liên Xô tham khảo với Hà Nội để trả lời, ngày 24 tháng 8, lúc 8:25 phút, Mỹ đáp lại lời nhắn của mình: "Theo như phúc đáp xây dựng của phía Nga Xô, phía Hoa kỳ đang tiến hành cuộc di tản với tin tưởng là điều kiện sẽ tiếp tục thuận lợi".
Kissinger còn thêm:
"Tổng thống Ford trấn an Brezhnev là... bao lâu cuộc di tản không bị cản trở thì Hoa kỳ sẽ không có hành động gì có thể làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn". (tức không can thiệp trở lại).
Tại Sài gòn, Đại sứ Martin lại không mấy lo về phía Hà nội.
Kissinger cũng xác nhận điều này: "Tin rằng, ngay trước mắt, sự hoảng hốt ở Sài gòn còn đáng lo ngại hơn những kế hoạch tấn công của Hà nội, ông phấn đấu để cho cuộc di tản chậm nhiều hơn là chính Tổng thống Ford, Scowcroft, hay là tôi - con diều hâu trong Chính phủ- đã cho là thích ứng" (xem Chương 14).
Ông Martin trình bày lại cho Quốc hội: "Vì phải được bảo mật, tôi là người duy nhất ở Sài gòn nhận được thông tin do Bắc Việt chuyển qua phía Liên xô cho hay rằng họ sẽ không can thiệp bằng quân sự vào cuộc di tản của chúng ta" (23). Ông còn tin rằng sở dĩ Bắc Việt vẫn muốn điều đình một giải pháp chính trị, vì họ cũng không muốn bước vào Sài gòn trên một đống gạch vụn". Lý do khác, theo ông: "Hà nội còn muốn nhận được viện trợ quốc tế nữa" (24).
Nhưng nếu Hà Nội không can thiệp vào di tản thì tại sao lại có vụ pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhất ngày 29 tháng 4?" Ông Martin trả lời: "Theo sự suy nghĩ của tôi, lý do có pháo kích vào phi trường sáng ngày 29 tháng 4, là vì ngày hôm trước đó, chúng tôi bắt đầu cho một số Không quân Việt nam đưa máy bay ra ngoại quốc; tôi nghĩ rằng vụ pháo kích nhằm mục đích chỉ là để ngăn chặn việc di chuyển này mà thôi (chứ không vì muốn chặn cuộc di tản) (25).
Giải pháp chính trị
Mười ngày cuối cùng của cuộc chiến là những ngày cực kỳ khó khăn. nguy hiểm. Trong những ngày đó, phía Hoa kỳ, đặc biệt là ông Marttin đã cố gắng sắp xếp một giải pháp chính trị cho Miền Nam. Kết quả là trong mười ngày, có tới ba Chính phủ. Nhưng rồi kết cuộc cũng là hoàn toàn thất bại.
Về hành động sắp xếp đằng sau hậu trường thì trong khi tại Washington, các ông Ford và Kissinger đi qua ngả Dobrynin để nhờ Nga Xô áp lực Hà Nội, thì ở Sài gòn, hai ông Martin và Polgar liên lạc qua ngả đại diện Hungary trong phái đoàn Kiểm soát đình chiến và Đại sứ Pháp Merillon.
Về mục tiêu của giải pháp chính trị cũng có tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Trong khi Ford-Kissinger chỉ mong có một giải pháp tình thế, một tình huống trong tầm kiểm soát, để Mỹ có thể rút ra cho yên ổn, thì Martin lại muốn theo đuổi một mục tiêu lâu dài hơn: đó là có được một giai đoạn chuyển tiếp để:
- thứ nhất, giúp Mỹ ra đi tư từ, chứ không vội vã và mất mặt;
- thứ hai, di tản một số người Việt nhiều hơn là Washington đã dự tính; và
- thứ ba, như đã đề cập ở trên, để tránh xung đột Mỹ-Việt
Tại Washington: trong cả hai thông điệp cho Nga Xô, Tổng thống Mỹ đều nói tới một giải pháp chính trị. Về thông điệp ngày 19 tháng 4, Kissinger viết (26):
Chúng tôi nhấn mạnh thiện chí của chúng tôi muốn thảo luận về tình huống cần thiết đặc biệt cho việc đình chiến – nói cách khác, một sự thay đổi về tình hình chinh trị ở Sài gòn".
Đây là sự mập mờ bắn tiếng về việc áp lực ông Thiệu phải từ chức. Một tuần trước khi sụp đổ, trong thông điệp ngày 24-4 gửi Brezhnev, Kissinger lại nhắc tới giải pháp chính trị:
Lời đáp của Hoa kỳ cũng khích lệ quan điểm của Hà Nội "cách thức thi hành Hiệp định Paris để đi tới một giải pháp chính trị".
Dù từ Washington hay Sài gòn, đòi hỏi đầu tiên của giải pháp chính trị là việc ông Thiệu phải từ chức. Ở đây, tôi còn nhớ khi tạm biệt Đại sứ Martin để lên đường đi công tác Washington ngày 15 tháng 4, tự nhiên ông hỏi tôi:
"Nhân tiện tôi muốn hỏi ông bao giờ thì Tổng thống của ông từ chức?"
Hết sức ngạc nhiên: "Tôi không hiểu ông Đại sứ muốn nói gì cả!", tôi đáp. Tôi để ý đây là lần đầu tiên thấy ông Martin dùng từ ngữ "Tổng thống của ông" thay vì "Ông Tổng thống" hay là "Tổng thống Thiệu". Tôi thông báo cho ông Thiệu ngay về câu hỏi trở trêu này trước khi lên máy bay.
Hai ngày sau, 17 tháng 4, ông Martin đã đề nghị với Kissinger trong một công điện tối mật để đồng ý cho ông thuyết phục ông Thiệu từ chức (27):
"Nếu Quốc hội bỏ phiếu chống (viện trợ cho VNCH) thì địa vị ông Thiệu là hết rồi... Bởi vậy trừ khi có chỉ thị không đồng ý, tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông Thiệu và cho ông ta biết rõ rằng đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi với tư cách là người bạn chân thật. Sau khi suy nghĩ mọi đàng, tôi đã đi đến kết luận là chỗ đứng của ông ta trong lịch sử sẽ được bảo đảm hơn nếu xét tất cả những gì ông đã làm cho đất nước này. Nếu ông ta không chịu mà cứ tham quyền cố vị, thì cơ hội cuối cùng để cứu vãn miền Nam Việt nam như một quốc gia còn chút tự do sẽ không còn nữa".
"Tôi sẽ cho ông Thiệu rõ tôi đã đi đến một kết luận vô tư là nếu ông ta không chịu xuống thì các tướng lãnh dưới quyền ông sẽ bắt buộc ông làm điều này"; "Có một cách rút lui êm đẹp và trang trọng nhất là tự ý ông từ chức, và nói cho đồng bào biết rằng ông phải làm như vậy để bảo vệ hiến pháp và để Chính phủ kế vị có thể dễ dàng điều đình cứu vãn nước Việt nam tự do..."
Kissinger đồng ý. Ông thuật lại là vào ngày 20 tháng 4 (21 tháng 4, Sài gòn), chỉ một ngày sau thông điệp của Ford gửi Brezhnev, và trong khi chờ đợi Nga Xô trả lời: "Đại sứ Martin đã bắn tiếng cho ông Thiệu, khuyến cáo vị Tổng thống VNCH nên từ chức. Ông Martin đã cố nói như đây chỉ là theo ý riêng cá nhân của ông, nhưng thực ra thì sự vận động này đã được Tổng thống Ford và tôi chấp thuận trước rồi" (28).
Theo Đại tá Cầm, Chánh Văn phòng Tổng thống, ông Martin đã đưa cho ông Thiệu xem những bản đồ về tình hình quân sự rất bi quan do CIA soạn để khuyến dụ ông Thiệu. Ông Thiệu hỏi Martin: "Nếu tôi từ chức thì liệu viện trợ Mỹ có đến không?"
Martin trả lời:" Tôi không dám hứa nhưng cũng có thể".
Trước khi ông Đại sứ ra về, ông Thiệu hứa: "Tôi sẽ làm điều gì có lợi nhất cho nước tôi".
Mọi việc dàn xếp vừa xong thì ông Đại sứ lại nhận được một mật điện rất lạ do Kissinger gửi. Bây giờ Kissinger lại muốn hoãn việc ông Thiệu từ chức lại, có lẽ là để dùng việc này thương thuyết với phía Nga Xô (Hà nội) và để lấy điểm là chính ông ta là người ép ông Thiệu từ chức. Nhưng ông Martin không chịu chơi cái trò bỉ ổi ấy nữa. Đọc xong công điện, ông bực tức và gấp ngay nó lại: "Công điện đó được xếp ngay vào hồ sơ và tôi lờ đi, không thi hành" (29).
Ông Thiệu kể lại cho tôi (năm 1984) là ngày hôm sau khi gặp ông Martin, ông đã mời các tướng lãnh đến Dinh Độc Lập Trong buổi họp, ông cho họ biết về những chuyện Đại sứ Martin đề cập tới. Ông Thiệu nói nếu các tướng lãnh cho ông là một chướng ngại vật cho hoà bình của đất nước thì ông sẽ từ chức. Không ai phát biểu gì cả. Thế là đã rõ họ không muốn ông ngồi lại ghế Tổng thống nữa. Giữa lúc đó ông tuyên bố từ chức và để Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay.
Họp xong, ông lên đài truyền hình thông báo quyết định từ chức. Lòng đầy cay đắng với Đồng minh, ông đọc một bài diễn văn rất dài, tuy rời rạc, thiếu mạch lạc, nhưng căng thẳng và xúc động:
"Các ông để chiến sĩ của chúng tôi chết đuối dưới làn mưa đạn của địch. Đó là một hành động vô nhân đạo của một Đồng minh vô nhân đạo. Đó cũng là một lý do tại sao, khi phái đoàn Quốc hội Hoa kỳ đến Việt nam, tôi đã nói với họ rằng đây không còn phải là vấn đề 300 triệu nữa mà là vấn đề Hoa kỳ có còn giữ lời hứa giúp đỡ nhân dân Việt nam trong công cuộc bảo vệ nền độc lập và tự do của họ hay không?"
"Hoa kỳ hãnh diện là một quốc gia bảo vệ đến cùng chính nghĩa và lý tưởng tự do trên thế giới, và sẽ ăn mừng lễ độc lập năm thứ 200 vào năm tới. Tôi hỏi họ rằng: "Lời nói của Hoa kỳ có còn giá trị gì nữa không? Những cam kết của Hoa kỳ có còn hiệu lực không?"
Ba trăm triệu không phải là món tiền lớn đối với các ông...Từ chối món tiền này, các ông còn muốn chúng tôi thắng Cộng sản hay ngăn chặn làn sóng xâm lăng của Cộng sản - là công việc rnà các ông đã không làm nổi trong suốt sáu năm trường với quân đội và chi phí khổng lồ của Hoa kỳ. Thật là phi lý..."
Bắc Việt đổi ý đêm 27 tháng 4
Tại Sài gòn, theo Đại sứ Martin, tuy là hồi tháng ba, ông đã có tin tình háo là Hà Nội đã quyết định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự, nhưng cả ông và Polgar không đặt nặng sự chính xác của bản tin này. Theo ông, lý do là vì cũng cùng một lúc đó, lại có thông tin từ phía đại diện của Mặt trận giải phóng bên Âu châu, một từ Stockholm (Thuỵ Điển), và một từ Paris, cả hai đều cho biết rằng họ cũng muốn có một giải pháp chính trị (30). Ngoài ra, Martin còn suy luận, như đã trình bày ở trên, là chính Hà Nội cũng muốn một giải pháp chính trị để kết thúc một cách êm đẹp vì họ còn muốn nhận được viện trợ của quốc tế sau này.
Thế nhưng, theo ông, "Không hiểu vì một lý do nào đó, đêm ngày 27 tháng 4, Bắc Việt đã bất chợt thay đổi tín hiệu, quyết định chọn giải pháp hoàn toàn quân sự, và như vậy, giải pháp chính trị đã không còn nữa" (31). Về điểm này, chính Kissinger cũng đã xác nhận trong cuộc họp báo ngày 5 tháng 5- 1975 rằng cho tới ngày 27 tháng 4, Hoa kỳ vẫn có nhiều hy vọng Hà Nội không định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự, và còn muốn điều đình với ông Dương Văn Minh (32)
Một Chính phủ Thiệu không có Thiệu
Sau khi được trao quyền Tổng thống, ông Hương e ngại rằng vì ông đã là Phó Tổng thống, nên người ta cho rằng bây giờ ông chỉ điều hành một Chính phủ theo ý ông Thiệu. Ông liền yêu cầu Đại sứ Martin nên cố vấn ông Thiệu ra ngoại quốc và dàn xếp giùm chuyến đi này (33). Sau đó ông Hương tới chỗ ông Thiệu khuyên ông sớm rời khỏi Việt nam, vì nếu không, Cộng sản sẽ nói "tôi đang điều khiển một Chính phủ Thiệu không có Thiệu"(34).
Lúc đó có một cơ hội thuận tiện. Để cho việc ra đi được hợp Pháp, ông Hương ký nghị định đề cử ông Thiệu làm đặc sứ VNCH đi Đài Bắc phúng điếu Tổng thống Tưởng Giới Thạch vừa qua đời ngày 5 tháng 4. Theo Frank Snepp cả ông Minh cũng đã yêu cầu tướng Timmes tìm cách đưa ông Thiệu khỏi Việt nam (35).
Chiếc máy bay DC-6 dưới quyền sử dụng của Đại sứ Hoa kỳ từ Thái Lan bay qua Sài gòn trong đêm 25 tháng 4. Ông Polgar, trùm CIA ở Sài gòn và tướng Timmes gặp ông Thiệu và đoàn tuỳ tùng ở nhà Thủ tướng Khiêm trong Bộ Tổng tham mưu. Polgar chuẩn bị ba chiếc công xa màu đen chở mọi người ra phi trường. Đoàn xe lướt qua đài tưởng niệm Chiến sĩ trận vong của Đồng minh gần phi trường,với ba hàng chữ nỗi bật trên bảng: "Những hy sinh cao quý của các chiến sĩ Đồng minh sẽ không bao giờ bị quên lãng". Ông Thiệu ngồi giữa ông Polgar và tướng Timmes. Nhìn thấy bảng, ông thở dài và quay mặt đi (36).
Đoàn xe chạy vút về phía sân bay của hãng Air America. Đại sứ Martin đã đợi sẵn ở đó để tiễn đưa. Dù buồn thảm và cam chịu số phận, ông Thiệu vẫn đi thủng thẳng, cố giữ phong độ ông quay lại cám ơn ông Martin đã dàn xếp chuyến đi.
Với một giọng xúc động, ông Martin đáp lễ:
"Thưa Tổng thống, đó là điều tối thiểu tôi có thể làm. Xin tạm biệt và chúc Ngài may mắn"(37).
Danh chính ngôn thuận
Ở phi trường về, Đại sứ Martin, cùng với Đại sứ Pháp Jean Marie Merillon, lại tiếp lục công việc sắp xếp giải pháp chính trị. Ông gửi cho ông Kissinger một điện văn cho biết vẫn còn có thể điều đình giữa Chính phủ Sài gòn và Việt Cộng. Ngày 26 tháng 4, Kissinger gửi mật điện gạt đi liền:
"Ông Đại sứ đã hiểu lầm ý kiến của tôi về các cuộc điều đình với Việt Cộng. Tôi đã không nói đến dàn xếp giữa Chính phủ Sài gòn và Việt Cộng mà đến thương lượng giữa Hoa kỳ và Việt cộng. Tôi muốn bất cứ cuộc thảo luận nào giữa Hoa kỳ và Việt Cộng cũng phải được diễn ra tại Paris".
Vào giờ chót. Kissinger vẫn không muốn hai miền Bắc và Nam trực tiếp điều đình với nhau mà không có sự kiểm soát của ông (38)
Tổng thống Hương mời tướng Dương Văn Minh lên làm Thủ tướng trong Chính phủ mới. Tướng Minh không chịu, nhất định đòi giữ chức Tổng thống. Ông Thiệu kể lại cho tôi rằng: "Tôi đã đề nghị với cụ Hương nên mời tướng Trần Văn Đôn để "neutraliser" (vô hiệu hoá) ông Minh nhưng cụ Hương chịu quá nhiều áp lực!"
Ông Minh chính thức lên giữ chức Tổng thống chiều ngày 28 tháng 4 (sáng ngày 27 tháng 4, Washington). Việc đầu tiên ông làm là viết một công hàm cho Đại sứ Martin. Văn bản được chuyển giao sáng ngày 29 tháng 4. Ông Kissinger bình luận về ông Minh (39):
"Ông Minh giữ chức Tổng thống được không tới 72 giờ, chỉ đủ để làm được hai việc quan trọng: một là yêu cầu Hà nội ngưng chiến và thương thuyết chính trị - điều mà Hà nội đã từ chối thẳng thừng - và hai là, ngày 29 tháng 4 (28 tháng 4, giờ Washington, ông yêu cầu tất cả người Mỹ ra khỏi Việt nam trong vòng 24 giờ".
Mười năm sau ngày sụp đổ, Đại sứ Martin cho tôi xem bản công hàm của Tổng thống Minh. Tài liệu này có tính cách lịch sử vì nó là văn kiện cuối cùng của Chính phủ VNCH gửi Chính phủ Hoa kỳ:
"Thưa ông Đại sứ,
"Tôi trân trọng yêu cầu ông Đại sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên của Cơ quan Tuỳ viên quốc phòng DAO ròi khỏi Việt-nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29-4-1975 để vấn đề Hoà bình Việt nam sớm được giải quyết".
Trân trọng kính chào ông Đại sứ.
Sài gòn, Ngày 28 tháng 4 năm 1975
Đại tướng Dương Văn Minh