Phần I. CÁI CHẾT CỦA MARAT

714 7 0
                                    




TÔI NGẮM BỨC TRANH SƠN DẦU Cái chết của Marat do Jacques-Louis David vẽ năm 1793 in trong một cuốn sách về nghệ thuật. Họa phẩm này miêu tả cảnh nhà cách mạng phái Jacobin, Jean-Paul Marat, chết trong bồn tắm. Đầu Marat quấn một thứ khăn giống khăn của người theo đạo Hồi, tay buông thõng ra ngoài bồn, nắm chặt cây bút. Máu tuôn chảy giữa hai mảng màu trắng và xanh, Marat tuyệt mệnh. Bao trùm toàn bộ tác phẩm là bầu không khí trầm tĩnh và thinh lặng. Dường như đâu đó đang vẳng lại khúc cầu hồn. Con dao đâm chết Marat được đặt phía dưới bức vẽ.

Tôi đã thử chép lại bức tranh đó vài lần. Phần khó vẽ nhất là vẻ mặt của Marat. Vấn đề là Marat tôi vẽ trông quá thanh thản. Marat của David không có nét uất ức của một nhà cách mạng trẻ tuổi bị tấn công bất ngờ, cũng không có cái vẻ sảng khoái của một người thoát khỏi mọi muộn phiền nhân thế. Marat của David bình thản nhưng đau đớn, đầy căm hận nhưng chan chứa cảm thông. Qua nét mặt của người chết, David đã thể hiện được tất cả những xúc cảm đối lập trong nội tâm một con người. Lần đầu tiên ngắm họa phẩm này, ánh mắt người xem thoạt đầu sẽ dừng lại ở khuôn mặt của Marat. Nét mặt không nói lên bất cứ điều gì, vậy nên ánh nhìn của người xem phần lớn sẽ di chuyển về hai hướng: hoặc là dịch về phía bàn tay đang nắm chặt bức thư, hoặc là theo cánh tay buông thõng ra ngoài bồn. Marat chết, đến phút cuối vẫn không buông bỏ lá thư và cây bút. Kẻ khủng bố đã tiếp cận Marat với cái cớ là một bức thư giả, và Marat bị sát hại trong khi đang thảo lời phúc đáp. Cây bút đến cùng vẫn được nắm chắc trong tay Marat đã đưa vào khung cảnh vốn trầm lắng và cô tịch này một nét căng thẳng ngập ngộn. David thật tuyệt. Không phải nhiệt tâm của người nghệ sĩ là thứ tạo ra nhiệt tâm; thứ tạo ra nhiệt tâm là sự khô khan và lạnh nhạt. Đó mới là phẩm chất tối cao của một người nghệ sĩ.

Charlotte Corday, cô gái sát hại Marat, sau đó đã bị kết liễu mạng sống trên đoạn đầu đài. Là đảng viên trẻ của phái Girondin, Charlotte Corday quyết tâm trừ khử Marat, phái Jacobin. Với một bức thư giả làm mồi nhử, cô đã tiếp cận Marat và đâm một nhát dao vào ngực ông khi ông đang tắm. Đó là ngày 13 tháng Bảy năm 1793, khi ấy cô mới 25 tuổi. Hung thủ Corday bị bắt ngay sau khi sự việc diễn ra, và bốn ngày sau đó, ngày 17 tháng Bảy năm 1793, thì bị chặt đầu.

Sau khi Marat, người đứng đầu phái Jacobin chết, đường lối chính trị khủng bố của Robespierre bắt đầu được thi hành. David thừa hiểu thứ mỹ học của phái Jacobin. Cỗ xe cách mạng sẽ không thể chuyển bánh nếu không có nhiên liệu là sự khủng bố. Nhưng sau một thời gian, mối quan hệ đó sẽ bị đảo ngược. Cách mạng sẽ bắt đầu lăn theo hướng khủng bố. Cũng như một nghệ sĩ, kẻ tạo ra sự khủng bố phải lạnh nhạt, bàng quan. Y phải nhận ra được sự thực rằng, thứ năng lượng khủng bố mà y phát tán ra cuối cùng có thể sẽ nuốt chửng cả bản thân y. Robespierre kết cục cũng bị rơi đầu trên máy chém.

Tôi gấp cuốn sách lại, dậy đi tắm. Cơ thể tôi phải thật sạch sẽ trong những ngày tác nghiệp. Tắm xong, tôi cạo mặt cho thật sảng khoái rồi lên thư viện. Tôi làm cả đống việc ở thư viện, như tìm kiếm khách hàng và tra cứu tài liệu. Công việc lằng nhằng và rất chán, nhưng tôi vẫn phải kiên trì. Có khi mất một tháng trời, cũng có khi phải mất đến nửa năm mà không tìm được ai. Nhưng chỉ cần tìm được một người là tôi có thể tạm sống đến tận nửa năm nữa, nên tôi không ngại dành thời gian tra cứu.

Tôi Có Quyền Hủy Hoại Bản Thân [FULL]Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ