TÔI ĐÃ BIÊN TẬP XONG TIỂU THUYẾT. Mặt trời vẫn chưa lên. Tôi cho giấy vào máy in bắt đầu cho in bản thảo. Giọng hát Maria Callas phát suốt đêm từ đầu máy CD. Tôi thích Maria Callas. Cô rất khác người và thường làm bất cứ gì mình thích. Giọng hát mạnh mẽ của cô từng phá hỏng những chiếc loa không chịu nổi sức mạnh của nó, nhưng lại cực kỳ tuyệt vời nên ta hoàn toàn có thể tha thứ cho cô.
Trong lúc chờ máy in, tôi vớ lấy một cuốn sách nghệ thuật. Giấc mơ của tôi là được nghiên cứu các cuốn sách nghệ thuật. Sau khi hoàn thành công việc lần này, có khả năng tôi sẽ thực hiện luôn nỗi khát khao ấy. Cuốn sách tôi vừa vớ lấy là về Delacroix. Tôi vốn không mấy ưa chủ nghĩa lãng mạn, vì cảm xúc ở đó hay bị phóng đại lên quá mức. Nhưng tôi thực sự thích một bức tranh của Delacroix, bức Cái chết của Sardanapalus. Bức tranh vẽ cảnh các chiến binh hạ sát hoàng hậu và các ái thiếp của vua Babylon, theo lệnh của chính vị vua này khi ông đối mặt với sự sụp đổ của vương quốc. Một chiến binh lực lưỡng lạnh lùng túm lấy một nàng khỏa thân từ phía sau và vung dao đâm thẳng từ trên xuống. Bức tranh vải bạt chiều ngang năm mét, dọc bốn mét ấy là một buổi đại tiệc tàn sát. Ở góc trái bức tranh, có một tên lính da đen đang kéo con ngựa yêu quý của nhà vua, mười mươi là đến chỗ cái chết.
Nhưng tôi thích bức tranh này không phải bởi thứ phong cách lãng mạn hào nhoáng của nó. Ở góc trái trên cùng của bức tranh, có một người đang yên vị thưởng lãm tất cả. Đó chính là Sardanapalus, hoàng đế Babylon. Ông đang nằm, đầu tựa lên một tay để nhìn dòng máu của ngựa yêu và của ái thiếp mình tuôn rơi. Người xem tranh thường đến lúc cuối cùng mới phát hiện ra vị vua, bởi ông được vẽ trong một góc khuất với những gam màu tối. Cảnh tàn sát, trái lại, được họa bằng những màu sắc tươi sáng, các nữ nạn nhân đều khỏa thân rõ ràng. Khi phát hiện ra hoàng đế Sardanapalus vào phút chót, người xem tranh thường chết lặng. Điểm tuyệt vời nhất của bức tranh là ở sự tương phản giữa vị vua thất thế máu lạnh và cảnh chết dần, hấp hối của những cô gái. Sardanapalus, kẻ đang thưởng lãm vũ hội điên cuồng, đẫm máu ấy, chính là hình ảnh bản thân Delacroix. Ông muốn làm thần thánh. Nhưng nhân vật thật sự khơi dậy sự đồng cảm của tôi không phải là Delacroix mà là Sardanapalus, vị hoàng đế bất hạnh đã bày ra bữa tiệc chết chóc này ngay giữa sự sụp đổ của Babylon.
Nếu kẻ vẽ cảnh này là một tay họa sĩ hạng ba nào đó thì chắc gã sẽ họa lên hình vị hoàng đế với hai tay ôm đầu nhăn nhó, đau khổ. Nhưng Delacroix thì khác. Ông hiểu được nội tâm của kẻ bày ra cái chết.
Tôi bước ra phòng khách tưới chút nước cho chậu kiểng đã lâu ngày không tưới. Những chậu hoa tôi bày đầy phòng trông vẫn nguyên như vậy. Hoa tôi trồng chẳng nở thêm, cũng không tàn úa. Chúng không tàn rồi rụng như loài hoa trà ở đền Seonun. Tôi mua những chậu hoa giả này khi mới dọn tới đây, mỗi tuần tôi tưới nước cho chúng một lần. Tôi định tháng tới sẽ vứt hết đi rồi mua hoa mới.
Mimi, khách hàng duy nhất từng tìm đến tận nhà tôi, từng giật mình kinh ngạc khi nhìn thấy phòng khách rực rỡ hoa của tôi. Nhưng khi nhận ra chúng là giả, cô từ chối đến gần. "Sao anh lại trang trí bằng hoa giả nhiều thế này?"
"Hoa giả hay hoa thật thì cũng chỉ để nhìn thôi mà."
Lần khác Mimi trở lại, với nét mặt tươi tỉnh hơn.
"Cô gặp người đó chưa?" Tôi hỏi.
Mimi gật đầu. "Dự án rất thú vị. Nhưng anh ta vẫn không thể cứu tôi."
"Chẳng ai có thể cứu được ai đâu."
Trước khi bước vào bồn tắm, Mimi đã bật bản nhạc "Everybody Knows" của Leonard Cohen và nhảy theo rất lâu. Điệu nhảy của cô trên nền giọng ca thô ráp của Leonard Cohen cùng tiếng bass trầm lắng rất phù hợp. Tôi nghe mơ hồ thấy tiếng nước chảy trong phòng tắm.
Hẳn bồn tắm đã tràn. Cô nghe "Everybody Knows" chừng mười lần nữa thì bước vào bồn. Tôi đứng ở ngưỡng cửa phòng tắm nhìn cô từ từ đắm mình vào làn nước, nước dâng lên tràn ra bên ngoài. Cô đưa mắt nhìn về phía tôi khi cầm con dao lên.
"Tạm biệt! Cảm ơn anh vì tất cả. Mong rằng đám cây của anh sẽ nở hoa vĩnh viễn."
"Cô đi bình an nhé."
Dòng máu đỏ thắm từ sâu bên dưới nước mau chóng lan đầy cả bồn tắm. Cô gắng gượng giữ ánh mắt không rời khỏi tôi bất chấp ý thức đang mờ dần. Mắt cô dần trĩu nặng. Tôi đoán là đã đến lúc mình rời đi.
"Thôi, tôi đi nhé. Mong là cô có một chuyến đi tốt đẹp," tôi bảo cô.
Tôi rời khỏi nhà cô, cởi bỏ bao tay. Tôi luôn đeo bao tay khi tới chỗ khách hàng, vì không muốn vân tay mình lưu lại. Cũng có lúc khách hàng muốn làm tình, nhưng hầu như tôi đều từ chối. Nhưng với những trường hợp nhất định phải làm thì tôi dùng các biện pháp tránh thai. Ngoài lý do đề phòng các khám xét điều tra sau này ra thì nó còn là cách để ngăn không cho một mầm sống mới nảy sinh một cách vô lý trong cơ thể của người chết.
***
Mimi đã ra đi thanh thản. Judith yên bình rời cõi đời. Giờ phút này đây, tôi đang da diết nhớ họ. Tôi đã hoàn thành câu chuyện viết về họ và giờ tiểu thuyết của tôi sẽ làm một bụi hoa giả trang trí trên mộ họ. Những ai đang đọc dòng này đều có thể có lần nào đó trong đời gặp tôi, tại công viên Marronniers giống như Judith hay trên một con phố vắng người như Mimi. Rồi tôi sẽ bất ngờ tiến đến hỏi, "Anh/cô đã đi rất xa rồi mà chẳng có gì đổi khác nhỉ?" Hoặc là, "Anh/cô có muốn nghỉ ngơi chút không?" Khi ấy, hãy cầm lấy tay tôi và đi theo tôi. Đừng nhìn lại phía sau, ngay cả khi bạn chẳng có gan đi tới tận cùng. Cứ bước tiếp, dù đớn đau, mệt mỏi. Tôi không muốn có quá nhiều khách hàng. Và giờ, hơn bất cứ điều gì, tôi muốn nghỉ ngơi. Cũng giống như đống hoa giả chất đầy phòng tôi, cuộc sống của tôi lúc nào cũng chán ngắt, buồn tẻ, không có gì đổi mới.
Sau khi hoàn thành tiểu thuyết này, tôi sẽ khởi hành đến Babylon. Giống như chuyến du hành tới Vienna, biết đâu ở Babylon cũng có ai đó đang chờ đợi tôi, ai đó như Mimi hay Judith? Vì sao đi xa thế mà vẫn không có gì khác cả? Vì đó là cuộc sống.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tôi Có Quyền Hủy Hoại Bản Thân [FULL]
Short StoryNguyên tác: 나는 나를 파괴할 권리가 있다 | I Have The Right To Destroy Myself Tác giả: Kim Young Ha Dịch giả: Võ Thị Lan Khanh Nhà xuất bản: Lao Động Công ty phát hành: Nhã Nam Năm xuất bản: 2013 Cre: diendanlequydon.com