Làng Ngọc Cục ở huyện ta, khi xưa truyền rằng vẫn thờ yêu hổ, phải bắt lấy người làm vật hy sinh để cúng. Cứ mỗi năm trong làng phải một người làm chủ tế. Người chủ tế phải lừa dỗ hành khách nào đi một mình bắt lấy đem giam ở hầm dưới đất, và đem mài da gót chân cho mỏng đi, đến khi tế thần thì đem giết người ấy thái nhỏ trộn lẫn với thịt trâu, thịt bò mà cúng. Cúng rồi thừa huệ cùng ăn, người nào gặp được miếng thịt người thì hí hửng lấy làm mừng, cho là cái triệu năm ấy được thuận lợi. Sau đó một người chủ tế, đem giam người ở hầm dưới đất thế nào, người ấy nhân lúc chủ nhà đi vắng trốn ra được, nhưng gót chân bị mài mỏng không thể đi được đành phải bò khúm núm mà trốn đi. Người ấy lên đến trấn thành mách tỏ sự ấy. Người làng Ngọc Cục phải lên chạy chọt đút lót quan Trấn tướng sự ấy mới yên. Từ đấy trở đi tế thần phải giết trâu bò thay. Nhưng nếu bắt được người nào đi một mình, thì cũng vẫn đem giết để tế, đó cũng như cái tục Nhâm Ngao[1] tế thần Xương Cuồng vậy. Từ năm Canh Thân (1740) trở về sau, cái thói ấy mới bỏ, nhưng hành khách đi qua làng ấy vẫn còn khiếp sợ.
[1] Nhâm Ngao: Người nước Tần đời Tần Thủy Hoàng.
BẠN ĐANG ĐỌC
Vũ Trung Tùy Bút
Historical FictionPhạm đại nhân húy Hổ, hiệu Tùng Niên soạn. Người dịch: Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến. Xuất bản bởi NXB Trẻ và NXB Hồng Bàng. Lấy nhan đề "Cuốn tùy bút viết trong những ngày mưa", Phạm Đình Hổ muốn ghi lại những điều tai nghe mắt thấy, những nhận xét của...