Chương 24

135 4 0
                                    

Chương 24

Hiếu thắng là con dao hai lưỡi. Nó có thể đem lại cho người ta sự kiên trì không tưởng, nhưng cũng khiến họ sợ thất bại. Khi thất bại tới, kẻ hiếu thắng ngã gục như một cây đại thụ bị bật gốc, tức là đổ dần dần, sau đó nện uỳnh xuống mặt đất và không bao giờ đứng dậy được. Rồi cái cây cứ thế chìm vào tầng bùn cát, cuối cùng hóa thành tro và chẳng bao giờ thấy ánh mặt trời nữa. Cuộc đời người đàn ông là chặng đường dài ngụp lặn trong tro bùn, tìm kiếm một mảnh đất rắn chắc để đứng lên và có thể ngửa mặt nhìn mặt trời một cách đàng hoàng nhất. Mấy ai biết được trong chặng đường tro bùn ấy, người đàn ông đã khóc bao nhiêu lần?

Bạn khoan hẵng nói “Mình đang đọc cái nồi gì thế này?”. Cái phần mở bài trên là tôi học mót từ mấy ông tác giả tuổi hai mươi đít chơi vơi mà ba mươi cũng chưa tới, mà các ông này lại rất thích viết những vấn đề đao to búa lớn. Nên giắt bụng chút ngôn từ như vậy, để khi café trà đá thì lôi ra cho lũ bạn khiếp vía một phen. He he, đùa thôi! Câu chuyện của tôi vẫn nằm trong vấn đề tình yêu tình báo và sẽ chẳng có thứ gì đạt tầm vĩ mô như phần mở bài cả. He he!

Dông dài là vậy, nhưng quả thực năm tư đại học của tôi là quãng thời gian khó khăn. Sau cú sốc mang tên Hoa Ngọc Linh, tôi mất rất mũ n (nếu bạn còn nhớ toán) nhiều thời gian để quên em, tưởng chừng như không thể quên được. Nhưng yêu đương không phải là tất cả, còn nhiều điều khó khăn hơn thế, nhất là với một đứa con trai sắp ra trường.

Chuyện học hành năm cuối chưa bao giờ dễ thở. Môn học ngày càng khoai sắn, tựa như miếng xương sườn cục mà khi gặm, vụn xương sẽ lổn nhổn cùng thịt, hết sức khó chịu. Trong một bữa ăn đầy những món xương cục như thế, bọn sinh viên có hai cách lựa chọn. Một là bỏ bữa, đợi khi nào thật đói bằng tốt nghiệp mới quay trở lại ăn tiếp; hai là cố gắng nuốt cái đống nọ để ra trường. Tôi, như đại đa số sinh viên khác, chọn cách thứ hai. Cuối năm 2011 đầu 2012, kinh tế tuột dốc thảm hại, cơn lũ khủng hoảng tràn lan quét bay vô số doanh nghiệp. Dù chẳng bao giờ quan tâm thời sự nhưng lũ sinh viên, nhất là bọn theo học kinh tế tài chính đều thấy viễn cảnh bon chen xin việc. Vậy là từng thằng phải è cổ ra học, không kiếm được bằng giỏi thì cố lấy bằng khá, mà ngu quá thì vẫn phải lấy bằng, bởi không có bằng cấp là cuộc đời bế mạc.

Nhưng ngoài hai cách kể trên, một số thẳng chọn cách thứ ba: nhịn đói vĩnh viễn, như gã anh cả từng dẫn tôi vào đời hồi năm nhất. Nghe nói trong khi bạn bè và lũ đàn em ra trường, gã lại bỏ học về quê lấy vợ và không bao giờ biết mặt mũi tấm bằng tốt nghiệp. Tôi đã nghĩ gã chỉ là thằng ất ơ làm hai cụ thân sinh tốn cơm tốn gạo. Sau này, khi ngẫm lại, tôi chợt hiểu mỗi người có sự lựa chọn cho riêng mình. Không tốt nghiệp chưa phải là kết thúc và lấy vợ có thể là khởi đầu mới. Dù vậy, đó là những tin tức cuối cùng tôi nghe về gã.

Câu chuyện tốt nghiệp đại học cũng na ná khoảng thời gian cuối năm lớp 12. Chúng đều là những năm bản lề ảnh hưởng tới cuộc đời bạn. Chỉ khác là nếu năm lớp 12, tôi chọn ngành thi dưới áp lực của bố mẹ thì giờ đây, tôi phải tự quyết định cuộc đời mình. Ra trường kiếm việc với tấm bằng tài chính ngân hàng hay tiếp tục theo đuổi sự nghiệp vẽ? Và chẳng mất quá nhiều thời gian, tôi đã có câu trả lời. Tôi yêu vẽ, nhưng ở môi trường này, xã hội này, tôi sẽ chết đói vì nó. Bố mẹ tôi đã già và sắp về hưu (các cụ lấy nhau muộn), không thể nuôi báo cô tôi mãi. Vả lại, với tác phong văn hóa làng xã Việt Nam, các cụ sẽ chẳng lấy làm vui khi người khác hỏi “cháu nó công tác ở đâu?” và phải trả lời “cháu nó thất nghiệp, đang ở nhà vẽ vời ạ!”. Vì cuộc sống, vì định kiến xã hội, tôi đành phải gác lại chuyện vẽ vời. Thực tế, tôi đã nghỉ vẽ hơn một năm, thậm chí còn không nghĩ mình sẽ vẽ lại nếu không trải qua một biến cố. Là biến cố gì thì tôi sẽ kể sau.

Anh chàng bé conWhere stories live. Discover now