Các loại truyện có rất nhiều, từ loại triết lý, ái tình, phiêu lưu, trinh thám đến loại xã hội, phong tục, tình cảm, v.v... Viết về loại gì là tuỳ sở thích riêng của mình, không nên gò gẫm bắt buộc mình viết về loại mà mình không ưa thích.Thí dụ bà Tùng Long hay ông Phú Đức viết về loại triết lý chắc cũng buồn cười như ông Bình Nguyên Lộc viết truyện kiếm hiệp. Ở nước mình thịnh hành nhất là lối truyện kỳ tình gay cấn, kiếm hiệp, trinh thám và tình cảm (lối dễ dài như Ngọc Giao hồi ba mươi năm trước và như hàng trăm các nhà văn viết ở các báo hàng ngày hiện nay).
Ở những nước khác (trừ các nước Cộng sản) các loại tiểu thuyết còn nhiều hơn nữa, không kể sao cho xiết.
Về loại tiểu thuyết triết lý, ta cần nói đến cuốn Sparkenbroke của Charles Morgan nhưng nhà văn hào Anh không đứng vào địa vị một nhà triết lý mà đứng vào địa vị một tiểu thuyết gia. Gần hơn, có Jean-Paul Sartre cũng dùng tiểu thuyết để bày tỏ triết lý hiện sinh và Camus trong cuốn L'Etranger(Người xa lạ). Nhưng những nhà văn thâm thuỷ nhất viết về triết lý mà không đả động tới triết lý vẫn là Shakespeare, Dostoïevsky, Tolstoï (trong ba nhà văn này, Tolstoï hay bàn luận về triết lý nhiều nhất nhưng ông để riêng những đoạn đó ra; vì lời khuyên của bà vợ và các bạn, về sau ông bỏ đi chỉ để lại rất ít trong tiểu thuyết).
Còn các loại khác tôi không cần nói đến nhiều vì phần đông ai cũng biết rõ.
Tuy chia ra từng loại nhưng thực ra không có loại nào thuần tuý cả. Truyện ái tình pha triết lý, truyện xã hội đá phong tục, truyện kiếm hiệp cũng trộn lẫn trong đó rất nhiều thứ.
Loại truyện trinh thám mà chỉ chú ý đến tìm tòi một sự bí mật, giải quyết một tính đố khó khăn tuy có hấp dẫn nhưng vẫn chỉ là một truyện tầm thường.
Các nhà văn viết trinh thám bây giờ, họ không theo hẳn lối cổ điển mà cũng theo hẳn lối mới kiểu như loại "đen tối" (roman noir) và loại "giết người như ngóe" (roman dur). Thứ truyện trinh thám hay nhất vẫn là thứ truyện gồm đủ các đặc tính của những truyện hay khác: ngoài cốt truyện ly kỳ, các nhân vật còn phải linh động, tâm lý sâu sắc và cần có một không khí đặc biệt bao trùm cả truyện. Ở lắm truyện trinh thám thí dụ như truyện "Merci pour le chocolat" của Dorothy Sayers, tác giả nói hẳn ra trước ai là thủ phạm, cách giết người ra sao, không còn gì bí mật nữa nhưng đọc lại hấp dẫn hơn cả những truyện thật bí ẩn, ly kỳ.
Những truyện Tàu ly kỳ nhất, đọc đi đọc lại không chán vẫn là những truyện không ly kỳ lắm như Đông Chu liệt quốc, Tây Hán, Thuỷ hử bởi vì ở đây ta thấy bên cốt truyện tài tình có những nhân vật thật sống, những lời răn đời không có vẻ dạy đời. Ở trong Thuỷ hử có Lý Quỳ rất hung ác giết người như ngóe nhưng không ai ghét được Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm uống rượu, ăn thịt chó, có nhiều cử chỉ rất xấu ở chùa mà sau lại đắc đạo. Ở những quyển rất dở như Thuyết Đường, La Thông tảo Bắc, nhân vật Trình Giảo Kim nổi bật lên không phải ở chỗ "đầu voi đuôi chuột" mà ở lời ăn tiếng nói lỗ mãng hóm hỉnh.
Nói tóm lại: ai muốn viết về loại gì thì viết chỉ có một điều cần nhất, quan trọng nhất - không có điều đó không bao giờ thành công - là trong thâm tâm mình có thích viết về loại đó không? Để người khác đặt tiền, ép mình viết về một loại mình không thích, đó là một điều tối kỵ.