Định được nhân vật rồi ta thả cho họ sống, sống theo cái đại cương truyện mình đã định.
Họ sống trong một hoàn cảnh nào (cảnh giàu hay nghèo, ở thôn quê hay thành thị, thời bình hay loạn) là tuỳ theo tác giả thấy hoàn cảnh đó lợi hay không lợi cho tiểu thuyết mình. Thường thường thì tác giả hay đặt truyện trong những hoàn cảnh mình quen thuộc.
Mục này tôi đặt tên là "các việc xảy ra" vì muốn tránh dùng chữ "cốt truyện" theo quan niệm của phần đông.
Có nhiều người vẫn thường nói: "Ồ! Cốt truyện cuốn ấy hay lắm" và cho ngay là cuốn tiểu thuyết ấy có giá trị. Hai cái đó khác xa nhau.
Cốt truyện có thể rất éo le, nhiều chỗ bất ngờ làm cho người đọc hồi hộp, nhiều cái tính độ khó giải quyết rồi giải quyết được theo ý mong của độc giả. Thí dụ như những truyện kiếm hiệp, phiêu lưu, trinh thám nhan nhản ở các tiệm sách và các báo; nhưng cốt truyện hay mà nhân vật không "sống", không đúng tâm lý thì cuốn sách nếu không gọi là xoàng thì cũng chỉ là một cuốn sách tầm thường không thể cho là có giá trị được. Cao hơn một bực nữa là những cuốn có cốt truyện hay như cuốn Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo, những tiểu thuyết của Pierre Benoit, cuốn Vô gia đình của Hector Malot, cuốn Đảo kho vàng, cuốn Ba người ngự lâm pháo thủ v.v... cốt truyện có ly kỳ thật nhưng vì tâm lý nhân vật hời hợt nên chỉ là những cuốn gọi là khá hoặc xem được, không thể liệt vào hạng các sáng tác của Shakespeare, Tolstoï, Dostoïevsky và những cuốn sách hay khác của nhân loại.
Trước kia, thời kỳ ta chỉ có toàn những truyện nêu gương luân lý thì truyện hay là truyện nói đến đôi trai tài gái sắc hoàn toàn tốt gặp nhiều khó khăn, nhưng sau cùng trai vẫn giữ được trung hiếu, gái vẫn giữ được hạnh, rồi hai người lấy nhau và đời đời vinh hiển. Nếu chỉ để ý đến cốt truyện thì cốt truyện đó hợp với quan niệm về luân lý của các cụ ta ngày xưa, các cụ cho ngay là truyện hay. Nhưng cốt truyện đó có giống đời sống thật không? Không, vì không bao giờ có những nhân vật "nhân tạo" hoàn toàn tốt ấy, và không bao giờ đời cũng phải kết thúc một cách tốt đẹp cho đôi trai gái hoàn toàn ấy. Những nhà viết tiểu thuyết hồi đó đã "gò" đời theo ý riêng của mình là "cái đức bao giờ cũng phải thắng". Vì vậy nên những truyện chỉ có cốt truyện đó, tất phải mai một. Thế còn quyển Kiều? Cũng có một cốt truyện tương tự (Đoạn trường Tân Thanh)có làm cho cuốn Kiều bất hủ đâu (trái lại đoạn tái hồi Kim Trọng mà cụ Nguyễn Du gò gẫm cho vào truyện có thể làm tai hại cho cuốn Kiều nếu cụ không có nghệ thuật cao siêu), cuốn Kiều sống mãi vì có những nhân vật sống như đời người thực từ ý nghĩ đến lời nói, cử chỉ (ấy là không kể cái hay của thơ).
Đấy là quan niệm ngày xưa. Bây giờ ai cũng biết rõ những truyện "anh hùng liệt nữ" nhân tạo ấy là vô giá trị rồi.
Nhưng bây giờ lại nảy ra một quan niệm về tiểu thuyết luân lý biến hình. Trong một tờ báo hàng ngày, tôi có đọc một bài phê bình một cuốn truyện (tôi không nhớ rõ truyện gì) nhưng cái mà tôi còn nhớ là phê bình đó sau khi kể qua cốt truyện sách (đại khái vai trong truyện làm một việc đáng khen gì đó) kết luận rằng cuốn ấy có giá trị, mà nhà phê bình đó lại không phê bình gì về nghệ thuật của truyện. Trời ơi! Nếu cứ viết ra được một truyện kể công việc oanh liệt, hào hiệp, đáng khen của nhân vật là viết ra được một tiểu thuyết có giá trị thì bất kỳ ai mỗi ngày cũng viết ra được mười truyện có giá trị (nếu tay đưa bút mau được như thế).
Vậy cái "truyện" hay "cốt truyện" trong một tiểu thuyết không có gì quan trọng cả, và nếu vẫn viết với ý định tạo ra một cuốn hay và lâu bền thì tốt hơn là đừng nghĩ đến truyện [10] , đừng mất công xây dựng "truyện" một cách tài tình, khéo léo. Cần có cái đại cương là đủ rồi.
Ngay trong vở kịch Roméo và Juliet bất hủ của Shakespeare, đoạn cuối tả Roméo đến nơi, tưởng Juliet chết thật, chàng uống thuốc độc tử tử; khi chàng vừa chết nằm xuống thì Juliet cũng vừa tỉnh giấc (vì nàng có uống một thứ thuốc khiến nàng trong một thời gian như người chết thật) và khi nàng thất Roméo đã chết thì nàng cũng lấy dao tự tử chết theo tình nhân. Thật là nhiều sự dồn dập đến đúng lúc quá thành đoạn này có vẻ "nhân tạo". Nhưng ở trên sân khấu những cảnh đó không chướng quá nếu người đóng giỏi.
Lại có những tiểu thuyết hay mà không có truyện cả, thí dụ một vài truyện vừa hoặc ngắn của văn hào Anh Mansfield và của văn hào Nga Tchekov.
Edmond Jaloux, nhà văn Pháp đã viết: "Tchekov và Mansfield đã có cái khôn ngoan muốn tả đời sống những phức tạp của nó mà không có định tâm làm cho có vẻ tuồng (không như Maupassant, nhà viết truyện ngắn hay nhất của Pháp), ý muốn dàn cảnh, làm choáng mắt rất tai hại cho nhiều nhà văn giỏi nước ta (tức nước Pháp). Ở Mansfield không có gì như thế cả. Trong truyện, muốn đi tìm một cái kết thời rất dễ, nhưng cần phải tài giỏi lắm mới có thể viết mà không cần kết (tôi muốn nói: kết nổi bật lên và gò gẫm không ít thì nhiều) hay đúng ra mỗi một đoạn, mỗi một chi tiết tự riêng nó thôi nó đã có kết của nó rồi".
Tóm lại tiểu thuyết không phải là không có truyện, nhưng truyện đây là những việc xảy ra, những chi tiết hay và đúng về các việc xảy ra, đi theo cái đại cương để diễn tả được cái đề mình đã chọn.