Có lẽ từ hôm bước lên xóm chợ này, mình đã bắt đầu cuộc sống lưu lạc rồi chăng. Những đêm giật mình thức giấc nằm nghe tiếng gió rít thê lương từ các cánh đồng xa mông quạnh và lắng nghe tiếng nước chảy ào ào dưới chân cầu nước (Bậc thang bắc ra sông để giặt giũ hay lấy nước) bắc ra con kênh thẳng tắp chạy dài vô tận trước ngôi chợ này, tôi vẫn thường vơ vẩn nghĩ như vậy. Tôi lạc tới xóm chợ này, tính ra đã có hơn nửa tháng.
Một buổi tối, đoàn thuyền vận tải quân lương của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đỗ lại đây. Anh học sinh trường côle người trong ban tiếp tế đã cho tôi theo thuyền từ Hậu Giang đến đây bảo tôi: "Chỉ ghé lại độ nửa giờ cho các chú lên chợ mua thức ăn. Có muốn lên bờ không?
Tôi lắc đầu. Anh bèn vỗ vai tôi cười lớn: "Vậy thì tốt quá, ngồi lên mui ngó lên bờ chơi cũng được. Trông chừng đồ đạc em nhé!" Anh lần theo cây đòn dài bắc sang một chiếc thuyền khác, và lẹ làng như con sóc, co người trèo qua be mấy chiếc tam bản, mấy chiếc xuồng nhỏ của những người đi chợ đậu ken dọc theo bến rồi nhảy phóc lên bờ.
- Đừng đi đâu nhé. Uống cà phê xong anh sẽ xuống cho chú mày cái bánh! - Anh xốc khẩu súng mô-de đeo bên hông, vẫy vẫy tôi và rướn hai chân, cố nói thật to để cho tôi nghe thấy.
- Rồi! Nghe rồi... Anh cứ đi đi! - Tôi bắc tay lên mồm đáp lại.
Tôi ngồi đong đưa hai chân trên mui chiếc thuyền chở gạo ngóng lên chợ. Đèn măng-sông trong các hiệu buôn, các tiệm ăn của người Hoa kiều thắp lên sáng rực. Chỗ khoảng sân rộng, những người đàn bà nông dân mặc quần áo bà ba đen, khăn rằn đen vắt chéo qua vai ngồi xếp từng dãy dài sau những chiếc cần xé to tướng, những chiếc thúng đựng đầy ắp không trông rõ và không biết đó là thứ gì mà họ mang ra chợ bán. Mỗi người bán hàng đều thắp một ngọn đèn con ở chỗ mình ngồi. Và những người đi chợ, cũng có nhiều người cầm theo trên tay một ngọn đèn. Đèn người mua, đèn người bán cứ như sao sa.
Từ trong đám người ồn ào và những ánh lửa đèn luôn luôn cử động ở tít chỗ cuối chợ, bỗng nổi lên bốn đầu ngọn đuốc cháy đỏ rực cùng với tiếng trống, tiếng thanh la khua rung dồn dập.
- Hát Sơn Đông, chúng mày ơi?
- Lại coi con bé nhào vòng lửa đi!
Mau lên, chúng mày ơi!
Bọn con nít từ khắp các ngõ ngách, từ trong các chỗ tối, từ dưới thuyền dưới xuồng chèo lên, ba chân bốn cẳng reo hò chạy về chỗ đám hát rong. Tự nhiên hai chân tôi cũng ngứa ngáy muốn tuôn theo. Đã bắt đầu nghe tiếng loa của người khách mãi võ giới thiệu các môn trình diễn, và tiếng vỗ tay hoan hô cua đám người xem vây quanh.
Tôi kiễng chân lên coi họ làm gì đằng ấy. Xa quá, chỉ thấy đầu ngươi lô nhô và mỗi lúc lại nghe tiếng cười khoái trá dậy lên. "Lâu nay mình xem chán rồi. Còn lạ gì cái thứ trò ấy?" Tôi tự nhủ thầm như vậy và khinh khỉnh nhìn về đám người huyên náo để nén sự thôi thúc cứ dồn trống trong ngực.
- Thằng An còn ngồi đấy không? - bác tài công già cầm xâu thịt và một mớ rau cải vừa bước lên đòn dài vừa hỏi, giọng ồm ồm.
- Cháu còn đây, bác ơi! - tôi vội đáp, bụng hơi rạo rực.
- Nè, mà mày muốn coi hát Sơn Đông không - bác lại hỏi.
BẠN ĐANG ĐỌC
Đất rừng phương nam
General FictionĐất rừng phương nam là tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ.