Chương 20: Lên đường chiến đấu

413 10 0
                                    

"Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy vẫn không bao giờ thay đổi".

Hồ Chủ tịch đã trịnh trọng tuyên bố trước năm châu thế giới những lời đanh thép ấy. Mà đó cũng là tình cảm của đồng bào Nam Bộ chúng ta. Thầy giáo Bảy nói đến đây bỗng dừng lại chớp chớp mi mắt ngước nhìn lên lá cờ. Chung quanh im phăng phắc. Trong sự im lặng có thể nghe rõ cả tiếng đập trong tim người bên cạnh ấy, bất thình lình tiếng nức nở của một người đàn bà nào đó bỗng bật ra. Giọng nghẹn ngào cố nén trong cổ họng không thoát ra thành tiếng được nữa cứ ấm ức bên trong lồng ngực. Mấy bà cụ già bên cạnh như bị lây theo, sụt sịt mũi và nép sau lưng người khác, đưa ống tay áo lên quệt nước mắt. Ngọn cờ đỏ sao vàng đã bạc, cháy xám ở một chéo góc và rách thủng lỗ chỗ vì vết đạn, rung rung phập phồng trong ánh lửa. Anh chiến sĩ vạm vỡ nhất được chọn trong đơn vị đứng thẳng người, hai bàn tay to lớn cầm chặt cán cờ, giương lá quốc kỳ nghiêng về phía trước. Tôi đứng một bên, một cậu nữa cũng trạc tuổi tôi đứng một bên. Hai chú liên lạc mới sung vào đơn vị đều cao chưa tới vai anh du kích cầm cờ đứng giữa. Sau lưng chúng tôi, các anh lớn dàn đội hình trung đội hàng ngang, hướng mặt theo lá cờ. Đồng bào đến dự buổi lễ tuyên thệ của trung đội du kích địa phương đứng thành một vòng bán nguyệt, trên bãi cỏ rộng giữa một khu rừng gần bờ sông. Tía nuôi tôi và một số người có con em trong hàng được xếp đứng ở một chỗ danh dự: cạnh đống lửa đốt giữa sân, bên chiếc bàn thờ Tổ quốc kết bằng những bông hoa rừng đỏ, giữa đặt khung ảnh Hồ Chủ Tịch...

Buổi lễ bắt đầu từ chập tối. Sau khi chào cờ, hát quốc ca, đồng chí ủy viên quân sự huyện Cà Mau thay mặt huyện ủy nói về sự quan trọng cấp bách phải thành lập trung đội du kích địa phương, rồi đại biểu các đoàn thể nhân dân đứng ra phát biểu ý kiến xong, thầy giáo Bảy nhân danh là người trong ban đỡ đầu du kích của xã đứng ra có mấy lời chung với anh em trong đơn vị và đồng bào. Thầy nói về tội ác của thực dân xâm lược Pháp, cụ thể là bọn giặc chiếm đóng Năm Căn đã giết chóc, bắt bớ và gây nên bao nhiêu tai họa cho đồng bào... Giọng rõ ràng, khúc chiết, thầy nói đến đâu dẫn ra sự việc chứng minh đến đấy. Vì sao ta phải kháng chiến chống Pháp? Lực lượng quân đội chúng mạnh hơn ta, nhưng ta nhất định đánh thắng chúng. Vì sao? Sự có mặt và hoạt động của anh em du kích trong xã này là một cái tát vả vào mặt tên tướng Lơ-cờ-lét huênh hoang khoác lác... Thầy nói không vội vàng hấp tấp, không la ó gào thét; đó là thái độ trầm tĩnh và cương nghị của người tự tin vào lời mình nói, tin ở sự tất thắng của chính nghĩa. Nhờ vậy mà thầy đã hoàn toàn thuyết phục tất cả quần chúng đứng nghe. Thầy nói về mưu mô thâm độc của đế quốc Pháp: chúng đã phản bội hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3, phản bội tạm ước tháng 9, đã nổ súng bắn vào quân đội ta ở Bắc Bộ như thế nào; thầy nói về bọn tay sai thành lập Nam Kỳ tự trị, chủ trương thuyết phân ly, đã thất bại thảm hại như thế nào, và giờ đây chúng đang khua chiêng gióng trống rùm beng, bày trò độc lập thống nhất giả hiệu như thế nào... Bao nhiêu người chết, nhà cháy, bao nhiêu xương máu đồng bào ta đã đổ ra! Quyết không thể để bọn chúng đặt lại ách thống trị lên đầu lên cổ dân tộc ta một lần nữa... Ngọn lửa căm thù trong lòng người nghe được lần lần khơi dậy, mỗi lúc một thêm bùng cháy mãnh liệt. Nhiều lúc tiếng vỗ tay, tiếng hò hét, tiếng nguyền rủa bọn giặc Pháp và tay sai cứ vang lên rất lâu. Nhưng khi thầy nói về tấm lòng Hồ Chủ tịch, tấm lòng nhân dân miền Bắc hằng ngày hướng về Nam Bộ, thì bầu không khí chung quanh bỗng trở nên nghiêm trang lạ lùng. ánh lửa rừng rực soi sáng một vùng sân cỏ rộng.

Đất rừng phương namNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ