Buổi sáng, đất rừng thật là yên tĩnh. Trời không gió, nhưng không khí vẫn mát lạnh. Cái lành lạnh của hơi nước sông ngòi, mương rạch, của đất ấm và dưỡng khí thảo mộc thở ra từ bình minh. ánh sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung, khiến ta nhìn cái gì cũng có cảm giác như là nó bao qua một lớp thủy tinh.
Tía nuôi tôi đi trước, bên lưng lủng lẳng chiếc túi da beo, lưng mang cái gùi tre đan đã trát chai, tay cầm chà gạc lâu lâu, ông vung tay lên một cái, đầu con dao rừng rất sắc phạt ngang một nhánh gai và dùng cái mấu cong ở đầu lưỡi dao dài có đến sáu bảy tấc ấy lôi phăng nhánh gai chắn đường vứt ra một bên để lấy lối đi. Thằng Cò đội cái thúng to tướng, trong thúng đụng một vò nước, mấy gói cơm nắm và cái áo ướt mồ hôi nó vừa cởi ra cuộn lại, trên thúng úp chiếc nón lá rách. Tôi đã chen vào giữa, quảy tòn ten một cái gùi bé mà má nuôi tôi đã bơi xuồng đi mượn của nhà đi ngoài xóm bìa rừng từ chiều hôm qua. Con Luốc chạy tung tăng sục sạo trong các bụi cây.
Lần đầu tiên tôi theo tía nuôi và thằng Cò đi ăn ong đây. Mấy hôm trước, má nuôi tôi đã kể ti mỉ cho tôi nghe cách gác kèo ong thế nào, nhưng tôi vẫn chưa hình dung được ăn ong ra sao. Những điều má nuôi tôi kể, trong các sách giáo khoa không thấy nói. Khoa học tự nhiên ở trường chỉ mới cho tôi một khái niệm chung chung về xã hội loài ong, về những lợi ích của con ong, đại khái vậy thôi. Hiển nhiên từ những thời xa xôi thuở con người ăn lông ở lỗ cho đến ngày nay, người ta vẫn đi tìm lấy mật rừng bằng cách theo dấu đường bay của những con ong về tổ. Người ta phải khó nhọc lắm mới đưa được con ong rừng về nuôi thành con ong nhà, vì như thế, việc lấy mật sẽ dễ dàng và bảo đảm hơn.
Trong kho tàng kinh nghiệm của những nhà.nuôi ong trên thế giới ghi chép trong các sách vở mà tôi được nghe thầy giáo tôi kể, không thấy có nơi nào nói đến việc lấy mật bằng cách gác kèo như má nuôi tôi đã bảo cho tôi nghe vừa rồi.
Thôi, dừng lại nghỉ một lát Bao giờ thằng an đỡ mệt. ăn cơm xong hẵng đi! - tía nuôi tôi ra lệnh cho chúng tôi như vậy.
Quả là tôi đã mệt thật. Tía nuôi tôi chỉ nghe tôi thở đằng sau lưng ông thôi mà biết chứ ông có quay lại nhìn tôi dâu? Chúng tôi đã bơi xuồng đi từ lúc gà vừa gáy rộ canh tư. Thằng Cò thì coi bộ chưa thấm tháp gì. Cặp chân của nó như bộ giò nai, lội suốt ngày trong rừng còn chả mùi gì nữa là.
Tía nuôi tôi ngồi tựa lưng vào một gốc cây ngái, nhồi thuốc lá vào tẩu. Con chó săn trung thành bao giờ cũng ngồi bảo vệ bên chân chủ. Thằng Cò bưng vò nước ra, ngửa cổ kề miệng vào vò uống nước ừng ực Bỗng nó đặt vò nước xuống, thúc vào lưng tôi.
- Đố mày biết con ong mật là con nào?
Hỏi xong, nó đưa tay trỏ lên phía trước mặt. Tôi đảo mắt nhìn khắp nơi vẫn không thấy gì. Rừng cây im lặng quá. Một tiếng lá rơi lúc nào cũng có thể khiến người ta giật mình. Lạ quá chim chóc chẳng nghe con nào kêu. Hay vẫn có tiếng chim ở một nơi xa lắm, vì không chú ý mà tôi không nghe chăng?
Cao quá đầu tôi một với tay, có những châm chấm đen không nhúc nhích. Đó là ruồi xanh đang bay đứng. óng ánh lướt những lá bông súng dưới vũng kia là con chuồn chuồn bay ngang với những cánh mỏng và dài Bé như hạt khế, cứ lắc lư lắc lư từ đất nhoi lên và đáp vào một cành ngải khô trên đầu tía nuôi tôi là điệu bay của con mối cánh.
BẠN ĐANG ĐỌC
Đất rừng phương nam
General FictionĐất rừng phương nam là tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ.