Từ ngoài góc sân sau, tôi đã thấy trong hơi khói bếp bay tỏa ra xa mùi cháy của cá kho khô ướp nước màu dừa (nước hàng làm bằng nước dừa cô đặc), rưới mỡ béo ngậy và có rắc hạt tiêu thơm phức.
- Ông con ơi? Cơm đã dọn sẵn rồi đấy? - dì Tư Béo mát mẻ nói vọng ra.
Đáng lẽ phải đi nhanh vào và sẵn sàng chịu đựng những câu quát mắng của bà chủ đôi khi cũng bất thần nổi nóng với mình, thì tôi lại bước từng bước một cách hết sức chậm chạp.
Mùi cá kho khô thơm lừng mà ban nãy nghe thấy đã thèm rõ rãi khiến tôi cảm thấy bụng đói cồn cào, bây giờ bỗng bay đâu mất. Tôi không sợ những lời quát mắng.
Thậm chí những câu chửi rủa tục tằn cũng không làm tôi bực túc hay run sợ nữa. Bởi vì, đối với một thằng bé lưu lạc một thân một mình như tôi, thì bất cứ người nào cũng có thể hoạnh họe, bắt nạt, trút giận dữ lên đầu tôi một cách hết sức vô lý được. Điều đó, tôi chẳng coi ra mùi gì. Thực tình thì. ban đầu tôi cũng khổ sở đau đớn vì phải hứng chịu những câu mắng mỏ thô lỗ cục cằn kiểu bọn đầu đường xó chợ mà từ tấm bé, vốn sống được nuông chiều trong một gia đình nề nếp, tai tôi chưa hề quen nghe. Tôi đã nghĩ rằng ngày nào cũng ngửa tai ra mà hứng lấy những lời xấu xa như vậy, thì mình đến vỡ óc ra mà chết thôi. Tôi tự nhủ: "Dại gì mình làm tờ giấy thấm để có giọt mực nào rơi xuống cũng hút lấy? Hãy ném trả lại cho họ". Thế là tôi đã nhanh chóng tìm ra phương pháp chống trả tiêu cực một cách có hiệu quả.
Một là tôi cứ lờ đi, sự phản ứng ngấm ngầm bên trong đã tạo thành một thứ vỏ thép mà những lời cay độc đến mấy bắn vào cũng sẽ lập tức bật ra quay về trúng lại họ.
Chẳng vậy mà những người đã há vành cung miệng, dùng lưỡi bắn tôi đã lồng lộn lên trước thái độ thản nhiên như không của tôi đó sao? Nhưng trái lại, tôi rất sợ - vừa sợ vừa căm ghét - những câu mát mẻ, nói bóng nói gió xa xôi. Thái độ ấy thường gây cho tôi nhiều đau đớn, và những vết thương trong tâm hồn thơ bé của tôi cứ tấy lên mỗi lúc nhớ đến giọng nói mát mẻ, ngọt như mía lùi nhưng lại có xát ớt mà một người lớn đã ném cho một đứa trẻ con...
Thấy tôi lặng lẽ bước vào, dì Tư Béo càng bực tức:
- Bữa nay mày câm rồi à? Thụt lưỡi rồi hay sao?
Tôi chẳng nói chẳng rằng, cứ lẳng lặng đi lau đũa lau bát, dọn mâm ra bàn. Bà ta nhấc nồi cơm, múc cá kho, xới cơm ra bát xong đâu đấy, bèn hứ một tiếng:
- Không ngồi vào mà ăn, còn đợi mời đợi thỉnh nữa sao?
Chưa có lệnh bà chủ, lẽ nào tôi dám tùy tiện, ngồi vào mâm trước? Mà đợi bà phải bảo thì tôi lại mắc vào cái tội chờ mời chờ thỉnh? Đằng nào, tôi cũng có lỗi cả? Mà nào tôi có tội gì cho cam. Bà ta bảo tôi rằng bà ta đi đòi nợ đến tận đỏ đèn mới về. Quái qủy gì đã bắt bà về sớm từ chiều, tôi làm sao rõ được?
Bà ngó nghiêng vào mặt tôi, có lẽ dò xem thái độ hơn là chờ câu trả lời.
- Cháu không đói! - tôi đáp bằng cái giọng không phải của chính mình.
- Mặc mày thôi. Cơm nhà tao cũng chẳng thừa?
Bà ta nói lúng túng, giọng khê đặc như nén lại giữa cổ, bàn tay run run vờ cầm đôi đũa, dôi mắt trừng trừng nhìn tôi. Từ bộ mặt giận dữ, chiếc cằn nung núc lúc nào cũng ướt đầm mồ hôi của bà ta, đến mọi vật quen thuộc trong quán, tất cả cứ mờ dần trước mắt tôi... Tít đằng xa kia, dưới gốc cáy bã đậu ở chỗ ông cụ già bán rắn đã rời đi, một vệt ánh sáng nhờ nhờ phủ dài trên mặt đất bắt đầu sẫm lại. Vẳng trong tai tôi, giọng nói ấm áp đầy trìu mến của ông già xa lạ: "Cháu không về nhà à?" Từ trong ngực tôi như có một cục gì cứ dâng lên, tôi cố nuốt xuống mà nó vẫn cứ trào lên nghẹn ngang giữa cổ. Tôi không nén xuống được nữa, đành để cho nó thoát bật ra thành tiếng nấc và tôi đã khóc.
BẠN ĐANG ĐỌC
Đất rừng phương nam
Ficción GeneralĐất rừng phương nam là tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ.