"Tuyết phủ Thường Châu, tráng sĩ buông gươm hồi cuối trận
Gió lạnh Thăng Long, triệu dân vẫn ca khúc khải hoàn..."Giang Tô Thường Châu, ngày hai bảy tháng giêng, tuyết rơi càng thêm nặng hạt, khắp nơi đều phủ một màu trắng xoá mênh mông. Tướng sĩ Đại Việt ai nấy đều có phần ngỡ ngàng, nhưng chiến lệnh đã ban, cả đoàn hồng quân vẫn tiến ra chiến địa. Trên khán đài, dân Việt ngàn người sang cổ vũ. Tại quê nhà, trăm họ hết thảy đều ngóng trông.
Ô Tư Biệt Khắc Tư Thản vốn là nơi thảo nguyên khắc nghiệt, băng tuyết lạnh giá chẳng phải thứ gì xa lạ. Trái lại Đại Việt ở phương Nam, cây cối quanh năm xanh tươi, nhiều người cả đời chưa bao giờ thấy tuyết. Lại xét về kỹ thuật lẫn thể lực, Ô Tư Biệt Khắc đều có phần trội hơn, trận này với Đại Việt khó càng thêm khó.
Quân Ô Tư mặc áo trắng, lao như tên bắn trong trời tuyết rơi, di chuyển linh hoạt cực kì khó đoán. Chẳng thế mà dồn dập uy hiếp, sớm phá được thành vươn lên dẫn trước.
Quân Việt lầm lũi, gạt tuyết tầm cầu, vạch đường mở lối mà lên, vất vả lắm mới một lần đặt được trọng pháo trước cửa thành Ô Tư. Quang Hải ra chân, vạch một đường cầu tuyệt mỹ phá tan khung thành. Đúng hệt như câu: "Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc", hạ hươu trắng trong tuyết bay đầy trời.
Trước cảnh tượng diễm lệ ấy, chẳng những người Việt reo mừng vui sướng, mà quần hùng bốn phương cũng đều thán phục không nguôi.
Tuyết mỗi lúc một nhiều, càng dọn lại càng rơi. Quân Việt lần đầu chiến đấu dưới trời âm độ, mặt mũi đỏ ửng, thể lực dần dần thua sút. Người người xem thấy đều vô cùng lo ngại. Quân Ô Tư đổi áo xanh, thế tiến công càng lúc càng thêm dồn dập. Nhưng bao lần tiến vào là bấy nhiêu lần bị đẩy bật ra, tình thế thập phần căng thẳng. Ai cũng hi vọng vào một lần đấu súng thành công nữa cho Đại Việt.
Chẳng ngờ đến phút cuối, chủ soái Ô Tư tung vào một viên dũng tướng gốc Nga La Tư, tên này mười phần cao to vạm vỡ, lại mới xung trận nên thể lực vô cùng sung mãn. Nhằm một đường phạt góc, y mặc sức tiến vào không ai ngăn nổi. Trăm vạn người xem bỗng chốc sững sờ, Thường Châu hôm ấy, tuyết vẫn rơi cùng không biết bao nhiêu người nhỏ lệ...
Ô Tư Biệt Khắc lên ngôi đệ nhất, nhưng Đại Việt dù sức cùng lực kiệt đã đá một trận kiên cường, lại càng nhận được nhiều lời ngợi khen. Cả đoàn hiên ngang vẫy chào khán giả. Có vị tráng sĩ tên Duy Mạnh, trước khi rời chiến địa còn cắm lại một lá cờ đỏ sao vàng trên tuyết. Không thắng một trận, nhưng thu phục được cả trăm vạn nhân tâm.
Hôm sau, cả đoàn lên thiết ưng trở về nước Việt. Dọc đường xa giá về kinh thành dự lễ mừng công, dân chúng khắp nơi nô nức kéo ra mừng đón, rừng cờ đỏ tung bay suốt một dải mấy mươi dặm trường.Ở Thăng Long bấy giờ gió bấc tràn về, mưa bay lất phất. Thế nhưng trăm vạn người khắp nơi vẫn vui mừng, reo hò hát ca đến tận tối mịt. Cả đất Việt dù có đôi phần tiếc nuối nhưng vẫn diễn ra cảnh tượng lễ hội vô cùng hoan hỉ, chẳng biết bao giờ mới có lần thứ hai.
Quả thực là: "Một cỗ nhung y chiến thắng. Nên công oanh liệt ngàn năm...". Đại Việt trở thành Á quân châu lục, chẳng ai còn dám xem thường. Từ dạo ấy vẫn nghe dân Việt truyền nhau mấy câu thơ:
"Mai này ai nhắc chuyện Thường Châu
Hôm ấy tuyết rơi bạc mái đầu
Tráng sĩ bi hùng lao ngược gió
Muôn người khâm phục mãi về sau"Hết.

BẠN ĐANG ĐỌC
Đại Việt Túc cầu đoàn Giang Tô ký
Fiksi Sejarah"Tuyết phủ Thường Châu, tráng sĩ buông gươm hồi cuối trận Gió lạnh Thăng Long, triệu dân vẫn ca khúc khải hoàn..." Nguồn: Đơn vị tác chiến điện tử (Comrade Commissar) Một cuốn "sử ký" về chiến thắng lịch sử của U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 ch...