Pháp thuật.
Chẳng biết từ lúc nào nó không chỉ còn là sản phẩm của truyền thuyết hay thần thoại, mà đã bước ra ngoài đời thật, trở thành một kỹ thuật hiện đại.
Sự kiện xảy ra vào năm 1999 là ghi chép sớm nhất có thể xác nhận.
Năm đó, một nhóm tín đồ cuồng tín vì muốn thực hiện lời tiên đoán tận thế đã âm mưu tổ chức khủng bố bằng vũ khí hạt nhân, nhưng cuối cùng bị lực lượng cảnh sát có khả năng đặc biệt ngăn cản. Nghe nói đây là trường hợp đầu tiên trong thời cận đại chứng minh pháp thuật thật sự tồn tại.
Ban đầu, người ta gọi loại khả năng đặc biệt này là "Siêu năng lực", một loại năng lực bẩm sinh xuất hiện do đột biến, nên cho rằng không thể biến nó thành kĩ thuật khoa học nhằm phổ biến cho mọi người.
Quan điểm này đã sai.
Trong quá trình các cường quốc ở cả Đông lẫn Tây đi sâu nghiên cứu về "siêu năng lực", dần dần xuất hiện những con người được dạy "Pháp thuật". "Siêu năng lực" có khả năng tái hiện thông qua "pháp thuật".
Đương nhiên, để khả năng này trở thành hiện thực không thể thiếu tài năng. Chỉ những người cực kỳ thích hợp học tập siêu năng lực mới luyện tập thành thạo tới độ được gọi là chuyên gia. Từ góc độ này có thể nói siêu năng lực giống các kĩ năng trong lĩnh vực nghệ thuật hoặc khoa học.
Thông qua lý thuyết pháp thuật, siêu năng lực phát triển thành hệ thống kĩ thuật, pháp thuật biến thành một loại kĩ năng, vậy là "Siêu năng lực gia" cũng trở thành "Kỹ sư pháp thuật".
Với quốc gia, kỹ sư pháp thuật giỏi sở hữu sức mạnh thậm chí áp chế được vũ khí hạt nhân cũng có thể coi là một loại vũ khí.
Cuối thế kỷ hai mươi mốt, năm 2095, các nước trên thế giới - vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào sẽ thống nhất - bắt đầu một cuộc đua tranh đào tạo kỹ sư pháp thuật.
Trường trung học Đệ Nhất trực thuộc đại học Pháp Thuật Quốc Gia.
Cơ sở đào tạo pháp thuật lừng lẫy, mỗi năm có số lượng học sinh tốt nghiệp đỗ đại học Pháp Thuật Quốc Gia nhiều nhất.
Đồng thời, đây cũng là ngôi trường nổi tiếng bồi dưỡng ra nhiều kỹ sư pháp thuật (gọi tắt là pháp sư) xuất sắc nhất.
Trong phạm trù đào tạo pháp thuật, không tồn tại phương châm "giáo dục bình đẳng".
Quốc gia này không dư dả để phổ cập giáo dục pháp thuật.
Hà huống chi, sự chênh lệch quá rõ ràng giữa "Người hữu dụng" và "Kẻ vô dụng" không cho phép bất cứ ý tưởng ngây ngô nào được quyền lên tiếng.
Chủ nghĩa tài năng thượng đẳng triệt để.
Chủ nghĩa sức mạnh tàn khốc.
Đó chính là thế giới pháp thuật.
Chỉ cần vào được trường Đệ Nhất đã đủ chứng minh bản thân là một nhân tài, nhưng ngay khi vừa nhập học, nhà trường lại tiếp tục chia học sinh ra thành hai nửa: xuất sắc và kém.
Dù cùng là học sinh mới cũng vẫn bất bình đẳng.
Có là anh em ruột cũng chẳng ăn thua.
BẠN ĐANG ĐỌC
[FullPicture] Mahouka Koukou no Rettousei Vol 1: Nhập học - Sato Tsutomu
Teen FictionPháp thuật. Nó không phải sản phẩm của thần thoại hay truyền thuyết, mà là một kỹ thuật khoa học hiện đại đã được phát triển gần một thế kỷ tính cho đến giờ. Mùa xuân năm nay, mùa học sinh mới nhập học lại tới. Trường trung học Đệ Nhất trực thuộc Đạ...