TRÀNG GIANG
Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào “Thơ Mới”. Ông nổi tiếng với các tác phẩm như: Lửa Thiêng, Vũ trụ ca, Kinh cầu tự…Bạn đọc biết đến ông nhiều nhất qua bài thơ Tràng giang rút từ tập Lửa thiêng là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Huy Cận.
Huy Cận tâm sự rằng, bài thơ Tràng Giang là do con sông Hồng gợi tứ, lúc đầu bài thơ có tên làChiều bên sông nhưng sau đó nhà thơ đổi tên là Tràng Giang. Nhan đề bài thơ Tràng giang gợi lên không khí cổ kính bởi hai từ Hán Việt gợi hình ảnh một dòng sông dài rộng mênh mông. Không chỉ vậy, âm “ang” gợi âm hưởng mênh mang như tiếng sóng vỗ vào lòng ta biết bao nỗi niềm. Và nỗi niềm ấy còn lắng đọng hơn, da diết hơn bởi câu đề từ mang cảm xúc chủ đạo cho toàn bài “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”.
Bài thơ mở đầu bằng một Tràng Giang mênh mang sông nước:
“Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Tràng giang hiện lên với nhiều hình ảnh đẹp trong cổ thi: dòng sông, con thuyền, gợn sóng,… Nhưng cảnh đẹp mà lại thấm đượm một nỗi buồn da diết bâng khuâng. Hai chữ “điệp điệp” gợi hình ảnh những con sóng từng gợn nhẹ nhấp nhô hòa mình vào Tràng giang rồi biến mất trong dòng chảy mênh mông. Sóng của dòng sông, của thiên nhiên trong phút ấy cũng hóa thành con sóng lòng của thi nhân với từng nỗi buồn cứ thế trùng điệp ở trong lòng. Nguyễn Du từng viết“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Có lẽ vì lòng người buồn mà tâm cảnh cũng nhuốm lên ngoại cảnh. Nhìn đâu thi nhân cũng chỉ thấy cảnh vật rời rạc chia ly, u sầu cứ thế mà hiện lên trong từng câu chữ. Xưa nay, thuyền – nước vốn là hai sự vật không thể tách rời thế mà nay chúng lại hững hờ như không ăn nhập vào nhau “Con thuyền cũng không buồn lái, để mặc xuôi theo dòng nước lặng lờ. Ngay cả dòng nước trong bản thân con sông cũng không thiết đến nhau, cứ âm thầm mà chảy “song song”, vờ không quen biết nhau trong đời”. (Hồ Minh Tú trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định).
Rồi bất ngờ thay, trên dòng chảy mênh mông ấy, thi nhân bắt gặp cành củi khô đơn độc “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét rằng “Lần đầu tiên trong lịch sử thi ca, một cành củi khô trôi vào thơ Huy Cận như nỗi cô đơn của một kiếp người trong xã hội cũ”. “Cành củi” thôi đã gợi lên sự nhỏ bé, đơn độc lại còn “củi khô” nữa thì lại càng bé nhỏ tội nghiệp hơn. Phải chăng hình ảnh cành củi khô trôi nổi phù du trên sóng nước Tràng giang chính là hình ảnh ẩn dụ để biểu tượng cho kiếp người như thi nhân đang nổi trôi, bơ vơ, vô định giữa dòng chảy của cuộc đời, giữa cuồng phong của một đất nước mất chủ quyền ?