Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười tám
Huyện Thái Bình, thiêu đốt vạn quân Hàn
Thành Gia Ninh, Lý Toàn thương kẻ tội
Chương 18.5 Quách Thôi chui quan tài tháo chạy
Lại nói quân của Hàn Ước, sau khi nghe tin Thái Bình bị quân Nam hỏa thiêu chết đến bảy tám nghìn quân, họ Hàn tức tốc sai cháu Hàn Lâm tách quân trấn thủ thành Đỗ Động đề phòng bất trắc. Hàn Lâm sai bọn Trình Mậu, Cao Sâm mang theo năm nghìn binh đóng trại đón quân Nam ở cửa bắc thành Đỗ Động.
Suốt hơn một tuần giao chiến dọc hai bờ sông Đáy, thắng bại chưa phân, kế sách của Trần Khôn đang bị đảo lộn hết thảy. Họ Trần liền sai bọn bộ hạ liên tiếp gửi thư cho Hàn Ước nói sự lắng lo của mình đối với Thi Nguyên.
Họ Thi mấy lần liên tiếp chống lệnh quyết không chịu dời châu Phong muốn cùng Quách Thôi hạ thành Gia Ninh. Phía đông nam giáp biển Trần Khôn phải cho thuộc hạ thân cận không giỏi sông nước thủy chiến là Định Hòa trấn giữ.
Định Hòa là kẻ hung hăng, không mưu trí nên nhiều lần bị thủy quân người Nam đi từ Tạc Khẩu tới khiêu khích bị trúng kế mấy lần. Sau đó Trần Khôn buộc phải mang tâm phúc của mình là Sử Dung trấn giữ vùng Xích Đằng thì át chế được nghĩa quân người Nam đánh du kích.
Nói về Thi Nguyên, người này vốn tính không ưa bọn nho sĩ ngồi trong phủ trướng mà phán quân tình thắng bại ra sao. Thời Quế Trọng Vũ họ Thi chỉ nghe họ Quế luôn chống lệnh đám hủ nho mà thắng được nhiều trận bất ngờ. Dưới trướng Lý Nguyên Gia, một kẻ bất tài kém võ, Thi Nguyên càng không thể kiểm soát nổi. Chỉ có Long Trạch mới có thể nắm được họ Thi.
Trận này, họ Thi thấu ý họ Trần muốn Thi đối giáp với cánh quân không có kẻ dũng tướng chỉ là đám quân du kích do một viên nho văn là Đỗ Sĩ Giao cầm quân nên họ Thi càng tìm cách chối từ. Ở Châu Phong, Quách Thôi cùng Thi Nguyên sau nhiều ngày luyện binh ở hồ Điển Triệt đã bất ngờ vượt sông Tam Đái công phá thành Bạch Hạc bấy giờ đang rối ren.
Triệu Cường dẫu cố che giấu nội tình ở châu Phong nhưng chẳng thể ngăn những lời đồn thổi tới tai quân Hàn. Quách Thôi cho hơn năm mươi tên lính trà trộn vào trong thành tìm bọn lại hầu của họ Vương cũ rồi dụ chúng phản lại Triệu Cường.
Chẳng thế mà chỉ trong vòng hai ngày, thành Bạch Hạc thế dựa núi dựa sông vững chãi đã bị Quách Thôi và Thi Nguyên chiếm. Sau khi chiếm thành, Quách Thôi lại xin thêm quân tiếp viện từ trại Xương Quốc huyện Bình Đạo để tấn công cách thành trì theo dọc bờ sông Lô.
Ở Tống Bình, Trần Khôn hậm hực chuyện Thi Nguyên không tuân theo lời mà đốt đi lá thư của Quách Thôi viết cho Hàn Ước. Quân ở châu Phong không được tăng viện thêm mà Trần Khôn lại tiếp tục lệnh cho Thi Nguyên rút khỏi đất châu Phong về trấn giữ đất phía nam chống lại đám quân du kích của họ Đỗ.
Tiết tiểu hàn năm Mậu Tuất, gió bấc tiếp tục thổi mạnh khiến cả đất Giao Chỉ càng thêm tê tái. Miền trung du vùng châu Phong đất dựa núi cao mây mù ẩm ướt càng thêm giá. Nghe trong dân chúng huyện Gia Ninh, gà vịt huyện ấy mười phần chết đến chín, trâu bò lợn dê cứ mười con chết sáu bảy. Dân huyện ấy mang hết thịt cho quân lính của Triệu Cường.
Bọn lính tráng của Thi Nguyên phân nửa là đám dân nam được họ Thi và Long Trạch tuyển các huyện châu thổ Giao Châu. Đám quân này không ưa tiết trời lạnh ẩm của xứ ấy nên bị cảm lạnh đến cả trăm người. Bấy giờ viên phó tướng của Quách Thôi mới hỏi ý kiến họ Thi:
- Chẳng hay trời ẩm ướt lại giá buốt thế này, sức quân người nam của tướng quân không thích nghi được. Chi bằng tướng quân mang theo bọn ấy về đất đồng bằng, khí khô sẽ quen hơn.
Thi Nguyên dùng cây gậy đầu nửa rắn nửa rồng vòng cổ tên phó tướng quắc mắt nói:
- Nhà ngươi làm tướng mà ủ dột như cái thằng đàn bà họ Trần ở Tống Bình. Rét thì năm nao chẳng rét, mưa ẩm thì năm nào chẳng mưa. Chỉ là bọn dửng dưng ấy nghe lời rèm pha không tiếp viện cho ta mà khiến quân ta mới ra như vậy.
Viên phó tướng của Quách Thôi hiểu rằng chẳng thể can nổi họ Thi đành ngậm ngùi lui ra. Thi Nguyên âm thầm cấu kết với Quách Thôi lập quân lệnh giả, sai đám quân bị dịch cúm vượt sông Tam Đái về đến Mê Linh để trao đổi binh lính.
Lúc bấy giờ quân ở Mê Linh dưới quyền một tên tay chân của Trần Khôn nhưng tên này mắc dịch cúm nằm liệt trong trại quân suốt cả tuần nay. Viên bộ tướng là Lưu Vinh của hắn ưa nịnh, ham gái nên bị Thi Nguyên gạt tới Bạch Hạc chơi bời, sau đó lại được bọn lính tráng nịnh nọt nên nghe theo lệnh giả của bọn Quách Thôi và Thi Nguyên.
Hai tuần lễ kể từ lúc chiếm được Bạch Hạc, tiết trời càng thêm khắc nghiệt hơn. Năm ấy, tiết đại hàn gió heo may thổi hun hút làm cả một rừng trám phía nam hồ Điển Triệt chết cóng. Mặt hồ có một lớp băng mỏng khiến cho cá tôm chết nổi lềnh phềnh. Quân lính Tống Bình đóng ở đó thoạt đầu bắt cá tôm ở đấy mà ăn no nê sau nhiều đứa bị lên ban, phát nôn phát mửa vì mùi xác thối.
Thi Nguyên tự mình vượt sông Tam Đái thám thính tình hình. Thấy đám quân sức lực kiệt quệ mà ở Tống Bình vẫn tiếp tục từ chối tiếp viện nên họ Thi đành phải rút quân từ hồ Điển Triệt về phía đông Tam Đái về dãy Tam Đảo chờ cho tiết trời ấm lên thì bàn kế đánh Gia Ninh.
Một tuần lễ sau tiết đại hàn, trời ấm lên đôi chút nhưng khí lại ẩm hơn, lính ở Mê Linh lại phát bệnh. Khi ấy, tay chân của họ Trần sau hai tuần ốm dậy đi điểm quân thì gặp nắng mới, đầu hắn quay quay lảo đảo trên lưng ngựa. Lúc trông thấy Thi Nguyên cầm binh tới thì ngã ngựa, mắt trợn ngược, máu phun ra từng tia từ mắt giật đùng đùng dưới sàn.Thi Nguyên lao tới ôm lấy hắn thì hắn tắt thở.
Quách Thôi biết tin bàn với họ Thi:
- Tay chân của họ Trần hắn đã chết rồi. Chi bằng mặc xác cái tên Trần Khôn ấy, ta thấy cái tên Lưu Vinh lên thay thằng cha kia, nó ham gái cứ cho nó đầy gái vào, ta dễ bề nắm bọn chúng hơn. Trận này quyết phá bằng được huyện Gia Ninh và mấy thành nhỏ phía bắc. Ở Thái Bình thua to rồi, không thể chậm trễ theo cái thằng nho hủ Trần Khôn ấy.
Thi Nguyên thuận ý ngay liền lừa họ Lưu tới Bạch Hạc lần nữa, lựa lầu quán đối diện quán rượu Hoàng Y trước cửa sau điện phủ họ Vương. Họ Lưu gần như bị giam lỏng ở đấy, quân tình từ đất Mê Linh do Thi Nguyên nắm hết trong tay. Quách Thôi e dè họ Thi vượt quyền nên sai hắn ở lại Bạch Hạc còn họ Quách giữ binh phía đông bờ sông Tam Đái.
Mật thám báo về, huyện Gia Ninh suốt tuần không có tiếp viện từ Man Hoàng và đất Lâm Tây do sông suối băng giá, đường đất hiểm trở khó đi trong trời giá lạnh. Thi Nguyên ở Bạch Hạc hay tin liền báo cho Quách Thôi tăng thêm quân qua sông đánh vào Gia Ninh.
Tin từ phía nam báo về, huyện Thái Bình liên tiếp bị Hàn Ước công thành. La Phục Châu và châu Nam Từ binh mã của Cao Văn Trác buộc phải tiếp ứng giải vây cho thành huyện Thái Bình.
Trịnh Đồ giao chiến với Cao Văn Trác ở ngoài thành huyện Thái Bình đẩy lui được quân của Văn Trác rút sâu về phía tây. Huyện Thái Bình tiếp tục bị cô lập bao vây chỉ chờ Cao Sâm mang binh từ Đỗ Động tới sẽ giành lại được từ tay của Đặng Hoài.
Thi Nguyên chắc bẩm trong bụng sẽ giành phần thắng lợi nên tự lập kế hoạch tác chiến. Bọn bộ tướng, sư gia đều ủng hộ kế hoạch của họ Thi. Họ Thi nhằm lễ cúng trăm ngày của tứ hổ Long Trạch tế trời đất mang quân chiếm thành huyện Gia Ninh.
Trước lễ cúng trăm ngày của Long Trạch một ngày, Thi Nguyên cùng sư gia đi soát các doanh trại phía ngoài thành. Tới chỗ bờ sông phía bắc, thấy một trại lớn ghi hai chữ "Đại tội", Thi Nguyên thắc mắc với viên sư gia:
- Chẳng hay ở đó là trại quân sao lại ghi hai chữ ấy.
Viên sư gia vốn nói:
- Tôi nghe dân trong thành nói, trước ở trong thành có một nhà lao nhốt chung bọn tội dân cùng với đám tù trọng tội. Tội dân thường xuyên bị bọn quản ngục đánh đập lại bị giam chung với bọn trọng tội nên hay bị bọn trọng tội moi gan, móc mắt ăn sống trong ngục, nhẹ thì cũng bị đánh cho tàn tệ, què cụt chân tay. Thấy vậy mà Triệu Cường tách bọn tù trọng tội ra ngoài này quản thúc, không mang lại tai tiếng cho họ Triệu lúc cai quản châu Phong.
Thi Nguyên hỏi tiếp:
- Bọn ấy tội thế nào?
- Thường thì là bọn ấy phản họ Triệu, hoặc là ác bá dị hợm trong vùng.
Họ Thi cười phá lên:
- Hay lắm! Có thể dùng bọn chúng được hay không?
Viên sư gia e dè:
- Bọn phản họ Triệu thì có thể có, nhưng đám ác bá, dị hợm thì hãy tránh xa.
Họ Thi vỗ đùi lập tức phi ngựa vào trong ngục sai viên cai ngục áp giải bọn tội phản đến trước mặt họ Thi. Họ Thi tra vấn từng người một, trông kẻ nào kẻ nấy mặt không ra mặt người, tóc trên đầu không ra lông thú, nhem nhuốc dơ bẩn, nhiều kẻ còn bị tâm thần ngẩn ngơ.
Ai nấy đều gật đầu nói căm phẫn họ Triệu nên sẽ giúp họ Thi công thành. Nhiều kẻ còn có người quen cũ trong thành Gia Ninh nên sẽ tiện bề trong ứng ngoài hợp.
Thi Nguyên tuyển hết thảy bọn ấy xong, nghe tiếng gầm gào phía gian đám dị hợm liền tới. Viên quản ngục gàn Thi không bước đến. Thi Nguyên trông thấy một tên đầy sẹo trên người, dường như hắn đã bị bỏ đói từ lâu, liên tục đòi ăn, đập phá lung tung.
Thi Nguyên nhìn qua một lượt, trong đầu họ Thi hiện lên hình ảnh của Gã Quỷ Dương Diện nhưng vẫn ngờ ngợ hỏi:
- Này tên quỷ kia. Nhà ngươi có phải họ Đỗ?
Hắn gầm gào:
- Cho tao xôi đỗ ăn cũng được. Tao thích ăn xôi đỗ.
Giọng hắn lạc đi, khàn khàn, mà dáng người quá nhỏ so với Tồn Thăng mà Thi Nguyên từng chạm mặt mấy lần. Gã Quỷ đó oai vệ lắm, không giống kẻ này, mặt không đeo da dê mà xõa tóc bù xù, lại gầy nhẳng nhằng.
Thi Nguyên hỏi lai lịch của kẻ ấy. Viên cai ngục liếc mắt nhìn họ Thi rồi bẩm đáp:
- Bẩm tướng quân. Hắn là tên dị hợm ở Lâm Tây, bọn người thổ ở đấy bắt được hắn đem giao cho quan thứ sử. Quan thứ sử liền bắt nhốt hắn đến đây. Hắn tên là Ngưu Diện, khi hắn tới nhà lao này thì đã gầy rộc như vậy rồi. Trông hắn vậy mà sức khỏe phi thường, hắn từng dùng sức bẻ gẫy hai cái xà lim, và cả dàn song cửa nhà lao. May mà có xích sắt chế ngự được hắn.
Thi Nguyên sai ngươi mang xôi gà cho hắn ăn. Hắn ngấu nghiến ăn rồi nói:
- Ngưu Diện phải giết chết tên Triệu Cường xấu xa, tên Đinh Tráng đáng ghét, tên họ Lại ngu xuẩn.
Viên sư gia gật đầu tỏ ý dùng hắn được. Thi Nguyên cho điểm danh lại một lượt. Đọc qua lý lịch bọn ấy, Thi Nguyên sai người bắt hai tên lên phía đầu nhìn kỹ khuôn mặt hai tên ấy rồi hỏi:
- Muốn giết họ Triệu hay không?
- Giết.
- Họ Cao?
Hai tên ấy quay ra hỏi:
- Cao nào?
- Cao Sâm.
- Giết.
- Thế còn Cao Văn Trác.
Ậm à, ậm ừ Thi Nguyên rút kiếm giết chết hai kẻ đó. Thi Nguyên dằn mặt bọn tù binh:
BẠN ĐANG ĐỌC
Giống Rồng
Historical FictionGiống Rồng Tác giả: Nguyễn Khai Quốc Thể loại: Tiểu thuyết lịch sử, sử ca, hiện thực xã hội. Like page FB: @KhaiQuocNg Giới thiệu: Dân ta phải biêt sử ta. Dẫu là người con đất Việt nào đi chăng nữa, nòi giống chính là cái tự tôn dân tộc. Con Rồng ch...