Hôm sau, tôi rủ hắn bẫy chim. Hắn nói:
- Không được đâu! Phải chờ tuyết xuống cho nhiều đã. Làng em toàn đất cát, hễ tuyết xuống thì em quét lấy một khoảnh đất trống, dùng một cái que ngắn chống một cái nong lớn, rắc ít lúa lép, thấy chim tước xuống ăn, đứng đằng xa giật mạnh sợi dây buộc vào cái que, thế là chim bị chụp vào nong hết. Thứ nào cũng có: sẻ đồng, chào mào, "bột cô", sẻ xanh lưng *.
* Trong bài "Từ Vườn Bách Thảo Đến Trường Tam Vị" ("Nhặt Cánh Hoa Tàn" - tạp văn I), Lỗ Tấn cũng có nhắc lại một kỷ niệm tương tự như thế, nhưng lại nói "đó là cách mà bố Nhuận Thổ bày vẽ cho". Nhuận Thổ - một người tên thật là Chương Vận Thủy, người gốc Thiệu Hưng. Bố anh là Phúc Khánh, một người nông dân kiêm nghề đan lát, thường đến làm thuê ở nhà tác giả.
Vì thế, tôi lại càng chờ ngày tuyết xuống.
Nhuận Thổ lại nói:
- Bây giờ trời đang rét lắm. Đến mùa hè, anh xuống nhà em chơi. Ban ngày, chúng mình ra biển nhặt vỏ sò, màu đỏ có, màu xanh có, đủ cả. Có cả sò "mặt quỷ", sò "tay phật". Tối đến, em và thầy em đi canh dưa thì anh cũng đi.
- Canh trộm à?
- Không phải. Ở làng em, người đi qua đường khát nước hái một quả dưa ăn, không kể là lấy trộm. Canh là canh lợn rừng, nhím, tra. Này nhé! Sáng trăng. Có tiếng sột soạt. Tra đang ngốn dưa đấy! Thế là cầm đinh ba khe khẽ tiến lên...
Hồi đó (và cho cả đến bây giờ nữa) tôi vẫn chưa biết con tra là con gì. Chẳng căn cứ vào đâu, tôi cứ tưởng tượng hình thù nó như con chó con nhưng dữ tợn hơn.
- Nó không cắn à?
- Đã có đinh ba rồi. Tiến lên gần, thấy tra là đâm ngay. Giống ấy tinh khôn lắm. Nó quay lại, đâm thẳng về phía mình rồi luồn qua háng mình biến mất. Lông, da nó trơn như mỡ.
Tôi chưa hề biết trên đời này lại có những chuyện mới lạ như vậy: bên bờ biển có những con sò đủ màu sắc như thế kia; và có được quả dưa hấu ăn cũng phải trải qua bao nhiêu là nguy hiểm. Trước đây tôi chỉ biết quả dưa hấu bán ở hàng hoa quả mà thôi!
- Ở đất cát chúng em, lúc thủy triều dâng lên, có rất nhiều những con "cá nhảy", cứ nhảy lung tung, hai chân như chân nhái.
Trời ơi! Nhuận Thổ hắn biết nhiều chuyện lạ lùng lắm, kể không xiết! Những chuyện đó, bạn bè tôi từ trước đến nay, không ai biết cả. Chúng nó không biết là vì trong khi Nhuận Thổ sống bên bờ biển thì chúng nó, cũng như tôi, chỉ nhìn thấy một mảnh trời vuông trên bốn bức tường cao bao bọc lấy cái sân mà thôi!
Nhưng tiếc thay, đã hết tháng giêng. Nhuận Thổ phải về quê hắn. Lòng tôi rộn ràng, tôi khóc to lên. Hắn lẩn trong bếp, cũng khóc mà không chịu về. Nhưng rồi bố hắn cũng lôi hắn đi. Sau đó, hắn có nhờ bố hắn mang lên cho tôi một bọc vỏ sò và mấy thứ lông chim rất đẹp. Tôi cũng có vài lần gửi cho hắn ít quà. Nhưng từ đấy chúng tôi không hề gặp mặt nhau nữa *.
* Trong đoạn này, Lỗ Tấn hết sức ca ngợi Nhuận Thổ, tác giả xây dựng hình ảnh một em bé nông thôn, trong trắng, chất phác, nhiều tình cảm, vì có lao động nên tháo vát và biết nhiều chuyện hơn các em bé con nhà địa chủ. Ta có thể gặp lại những nhận xét này trong "Hát Tuồng Ngày Rước Thần". Trong bài tựa "Tuyển Tập Truyện Ngắn Bằng Tiếng Anh", ông có viết một câu thành thực như sau: "Tôi sinh trưởng trong một gia đình lớn ở đô thị, từ bé chịu giáo huấn của sách vở và thầy đồ, cho nên cũng xem đại chúng cần lao như bức tranh hoa điểu. Có khi dũng cảm thấy cái giả dối và thối nát của cái gọi là xã hội thượng lưu, song tôi vẫn ham mộ cái yên vui của nó. Nhưng quê ngoại mẹ tôi là nông thôn, khiến tôi thỉnh thoảng gần gũi nông dân, dần dần biết họ suốt đời bị áp bức, chịu bao đau khổ, chứ đâu có được như bức tranh hoa điểu. Về sau ngẫu nhiên có dịp được viết văn, tôi bèn dùng hình thức truyện ngắn lần lượt viết ra sự trụy lạc của cái gọi là xã hội thượng lưu và nỗi bất hạnh của xã hội lớp dưới" - (Cố Hương - A.Q. Chính Truyện).
BẠN ĐANG ĐỌC
Cố Hương - Lỗ Tấn
RomanceCố Hương - Lỗ Tấn Lỗ Tấn nguyên danh Chu Chương Thọ, tự Thụ Nhân (樹人), hiệu Dự Tài, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1881 tại huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang trong một gia đình quan lại sa sút.