Một hôm, trời rét lắm. Quá trưa, tôi vừa ăn cơm xong, đang ngồi uống trà, bỗng nghe như có tiếng ai ở ngoài đi vào. Ngoảnh ra xem, tôi ngạc nhiên vô cùng, vội vàng đứng dậy ra đón.
Người đi vào là Nhuận Thổ. Tuy tôi nhận ra ngay Nhuận Thổ, nhưng lại không phải là Nhuận Thổ trong ký ức tôi. Anh cao gấp hai trước; khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật trước kia nay đổi thành vàng xạm, lại có thêm những nếp răn sâu hóm. Cặp mắt giống hệt cặp mắt bố anh ngày trước, mi mắt viền đỏ húp mọng lên. Tôi không lấy làm lạ: ở miền biển, gió thổi suốt ngày, đại để ai cũng thế cả. Anh đội một cái mũ lông chiên rách tươm, mặc một chiếc áo bông mỏng dính, người co ro cúm rúm, tay cầm một bọc giấy và một tẩu thuốc lá dài. Bàn tay này cũng không phải là bàn tay tôi còn nhớ, hồng hào, lanh lẹn, mập mạp, cứng rắn, mà vừa thô kệch vừa nặng nề, lại nứt nẻ như vỏ cây thông.
Lúc bấy giờ tôi mừng rỡ vô cùng, nhưng chưa biết nói thế nào cho phải, đành chỉ hỏi:
- À, anh Nhuận Thổ, anh đã đến đấy à!
Thật ra, tôi còn có rất nhiều chuyện để nói tiếp, tưởng chừng có thể tuôn ra như nước chảy: nào là chim chào mào, nào là cá nhảy, vỏ sò, tra... nhưng không biết hình như có cái gì chẹn lại, chỉ loanh quanh trong đầu óc, không thốt ra thành lời được.
Nhuận Thổ đứng dừng lại, nét mặt vừa hớn hở vừa thê lương, môi mấp máy, nhưng cũng nói không ra tiếng. Rồi bỗng anh lấy một dáng điệu cung kính, chào rất rành mạch:
- Bẩm ông!
Tôi như điếng người đi. Thôi đúng rồi! Giữa chúng tôi đã có một bức tường khá dày ngăn cách. Thật là bi đát. Tôi cũng nói không nên lời.
Anh ta ngoảnh đầu lại gọi:
- Thủy Sinh. Con không lạy ông đi kìa!
Anh liền kéo đứa bé nấp sau lưng anh ra. Trông nó giống hệt anh hai mươi năm về trước, chỉ điều vàng vọt, gầy còm hơn một tí, và cổ không đeo vòng bạc mà thôi.
- Thưa, đây là cháu thứ năm đấy ạ! Chưa đi đâu bao giờ, cứ thấy ai là lẩn tránh.
Mẹ tôi và cháu Hoằng chừng đã nghe thấy tiếng, từ trên gác đi xuống. Anh Nhuận Thổ nói:
- Lạy cụ ạ! Thư cụ con đã nhận được, biết ông có về chơi, thật mừng quá!
Mẹ tôi vui vẻ nói:
- Ấy, sao lại khách tình thế! Chẳng phải là trước kia, vẫn gọi nhau bằng anh em cơ mà? Cứ gọi là anh Tấn như trước thôi!
- Ái chà! Cụ thật là... Như thế thì còn ra thể thống nào nữa. Hồi đó, còn nhỏ dại, chưa hiểu...
Anh Nhuận Thổ vừa nói vừa gọi Thủy Sinh lại chào, nhưng thằng bé bẽn lẽn, bám sát vào lưng bố.
Mẹ tôi nói:
- Cháu Thủy Sinh đấy à? Cháu thứ năm phải không nhỉ? Toàn là người lạ, chả trách rụt rè là phải. Hoằng đâu, dẫn em ra chơi đi!
Hoằng nghe nói liền gọi Thủy Sinh. Thủy Sinh nhẹ nhàng, khoan khoái cùng Hoằng đi ra. Mẹ tôi bảo Nhuận Thổ ngồi. Anh ngập ngừng một lát rồi cũng ngồi xuống, để cái tẩu dựa vào mé bàn, đưa cái gói giấy ra nói:
- Ngày đông tháng giá, chẳng có gì. Đây chỉ là ít đậu xanh của nhà phơi khô, xin ông...
Tôi hỏi thăm gia đình. Anh chỉ lắc đầu.
- Bẩm, vất vả lắm! Cháu thứ sáu cũng đã giúp được việc, nhưng nhà vẫn không đủ ăn, lại có được sống yên ổn đâu! Chỗ nào cũng hỏi tiền, chẳng có luật lệ gì cả. Mùa lại mất. Trồng được gì là gánh đi bán tất. Chỉ đóng thuế chợ là đã cụt vốn rồi. Không đem bán thì lại thối mục hết.
Anh cứ lắc đầu. Những nếp răn khắc sâu trên mặt anh tuyệt nhiên không động đậy. Trông anh phảng phất như một pho tượng đá. Có lẽ anh chỉ cảm thấy khổ nhưng không nói ra được hết, ngồi trầm ngâm một lúc, rồi cầm lấy dọc tẩu, lặng lẽ hút thuốc.
Mẹ tôi hỏi chuyện anh, biết nhà anh bận lắm việc, ngày mai phải về, lại chưa ăn cơm trưa, liền bảo anh xuống bếp rang cơm ăn.
Anh đi ra. Mẹ tôi và tôi đều than thở, buồn cho cảnh nhà anh: con đông, mùa mất, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào, đày đọa thân anh khiến anh trở thành đần độn, mụ mẫm đi *! Mẹ tôi bàn với tôi:
- Cái gì không cần chở đi thì cho anh ta hết. Cứ để cho tùy ý chọn, lấy cái nào thì lấy.
* Kể từ khi tên bán nước Viên Thế Khải chết (1916), bọn đế quốc càng tranh giành nhau ảnh hưởng ở Trung Quốc, giúp cho một số quân phiệt gây nội chiến liên miên, nên cảnh đục nước béo cò; bọn địa chủ lại càng tăng cường bóc lột địa tô, cho vay nặng lãi, đem sự tổn hại của chúng trút lên đầu người nông dân lao động.
Đến chiều anh chọn xong mấy thứ: một đôi bàn dài, bốn chiếc ghế dựa, một bộ tam sự và một cái cân. Anh lại xin tất cả các đống tro (ở quê tôi, người ta nấu bằng rơm, rạ, tro có thể dùng bón đất cát), chờ khi nào chúng tôi lên đường là đem thuyền đến chở.
Đêm đến, chúng tôi cũng có nói vài ba câu chuyện phiếm, toàn là những chuyện chẳng quan trọng gì. Sáng hôm sau, anh đem Thủy Sinh về.
BẠN ĐANG ĐỌC
Cố Hương - Lỗ Tấn
RomanceCố Hương - Lỗ Tấn Lỗ Tấn nguyên danh Chu Chương Thọ, tự Thụ Nhân (樹人), hiệu Dự Tài, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1881 tại huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang trong một gia đình quan lại sa sút.