Chương 2

291 16 1
                                    

Tinh mơ sáng hôm sau, tôi về tới cổng nhà. Trên mái ngói, mấy cọng tranh khô phất phơ trước gió. Đủ rõ nhà không đổi chủ không được. Những gia đình khác có lẽ đã dọn đi rồi cho nên cảnh tượng càng hiu quạnh. Tôi vừa bước vào gian nhà chúng tôi ở thì mẹ tôi đã chạy ra đón. Hoằng, đứa cháu vừa mới lên tám tuổi, cũng chạy theo sau.

Mẹ tôi rất mừng rỡ, nhưng nét mặt ẩn một nỗi buồn thầm kín. Mẹ tôi bảo tôi ngồi xuống, nghỉ ngơi, uống trà, không đả động gì đến chuyện dọn nhà cả. Cháu Hoằng chưa gặp tôi bao giờ chỉ dám đứng đằng xa nhìn tôi chòng chọc.

Nhưng rồi chúng tôi cũng bàn đến chuyện dọn nhà. Tôi nói nhà trên kia đã thuê xong, cũng đã sắm được ít đồ đạc, giờ hãy đem các thứ đồ gỗ ở nhà này bán đi hết lấy tiền mua thêm sau. Mẹ tôi cho cũng phải và bảo hành lý đã thu xếp gọn gàng đâu vào đấy cả rồi, đồ gỗ không tiện chuyên chở cũng bán được một ít rồi, nhưng tiền chưa thu vén được đủ.

Mẹ tôi nói:

- Con hãy nghỉ ngơi vài hôm, đi thăm các nhà bà con một chút rồi mẹ con mình lên đường.

- Vâng.

- Có anh Nhuận Thổ lần nào đến chơi cũng nhắc nhở đến con và rất mong có ngày được gặp con. Mẹ đã nhắn tin cho anh ấy biết chừng ngày nào con về. Có lẽ anh ấy cũng sắp đến thôi.

Lúc bấy giờ trong ký ức tôi, bỗng hiện ra một cảnh tượng thần tiên, kỳ dị: một vừng trăng tròn vàng thắm treo lửng lơ trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn. Giữa ruộng dưa, một đứa bé trạc mười một, mười hai tuổi, cổ đeo vòng bạc, tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba, đang cố sức đâm theo một con "tra" *. Con vật bỗng quay lại, luồn qua háng đứa bé, chạy mất. Đứa bé ấy chính là Nhuận Thổ. Khi tôi quen Nhuận Thổ, cách đây khoảng chừng ba mươi năm, Nhuận Thổ chỉ độ lên mười. Lúc đó thầy tôi hãy còn, cảnh nhà sung túc, tôi đàng hoàng là một cậu ấm. Năm ấy là năm đến lượt nhà tôi lo giỗ tổ. Nghe nói thì cứ hơn ba mươi năm mới đến lượt lo giỗ này một lần, cho nên rất linh đình. Giỗ vào tháng giêng, lễ vật rất nhiều, các đồ tế rất sang, người đến lễ cũng rất đông, vì thế phải đề phòng mất cắp. Nhà tôi chỉ nuôi một người ở tháng (địa phương tôi, người đi làm thuê chia làm ba hạng, ở năm gọi là "trường niên", làm thuê từng ngày gọi là "đoản công", nhà mình cũng có cày, chỉ giỗ tết, hay vụ thu tô, đến làm mướn cho người ta thì gọi là "ở tháng"). Người ở bận quá, làm không hết việc, liền xin thầy tôi cho gọi thằng con là Nhuận Thổ đến để nó trông coi các thứ đồ tế cho. Thầy tôi bằng lòng. Tôi cũng rất thích vì đã có nghe nói đến Nhuận Thổ, lại biết Nhuận Thổ với tôi tuổi cũng suýt soát bằng nhau. Hắn sinh tháng nhuận, ngũ hành khuyết thổ **, nên bố hắn đặt tên là Nhuận Thổ. Hắn bắt chim tước thì tài lắm.

* Theo bức thư của Chương Y Bình gửi cho người dịch tiểu thuyết của Lỗ Tấn ra tiếng Nga thì ông ta đã có hỏi Lỗ Tấn. Lỗ Tấn trả lời, đó là một tên thú ông tùy tiện đặt ra, cũng là một loại lợn rừng.

** Theo lời mê tín về tướng số thì mệnh người có ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Có đủ ngũ hành là số tốt, khuyết một hành là số xấu. Khuyết hành nào thì lấy tên hành ấy mà đặt tên, có thể bổ cứu cho vận mệnh.

Vì vậy ngày nào tôi cũng mong cho mau đến năm mới. Năm mới đến thì Nhuận Thổ cũng đến mà! Chờ mãi mới hết năm. Một hôm, mẹ tôi bảo: "Thằng Nhuận Thổ đến rồi đấy!". Tôi liền chạy ra xem. Hắn đang đứng trong bếp, khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đội mũ lông chiên bé tí tẹo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng. Đủ biết bố hắn quý hắn như thế nào: sợ hắn khó nuôi, bố hắn đã nguyện trước thần phật làm vòng xích, xích lại. Hắn thấy ai là bẽn lẽn, chỉ không bẽn lẽn với một mình tôi thôi. Khi vắng người, hắn mới nói chuyện với tôi. Vì thế chưa đầy nửa ngày, chúng tôi đã thân nhau.

Không biết bấy giờ chúng tôi có nói với nhau những gì, chỉ nhớ rằng Nhuận Thổ thích chí lắm. Hắn bảo lên tỉnh hắn mới được trông thấy những điều hắn chưa bao giờ trông thấy cả.

Cố Hương - Lỗ TấnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ