3. Lost Diary

37 5 0
                                    

Nhật ký là những bức tranh ta vẽ nên từ các câu chuyện nhỏ về cuộc sống hàng ngày quanh ta. Tôi có thói quen viết nhật ký từ năm cuối cùng của cấp một và tôi vẫn viết nó cho tới cuối năm lớp chín. Quyển nhật ký màu nâu nhạt với họa tiết đơn giản được tôi âu yếm suốt hơn bốn năm trời bỗng biến mất một cách kì lạ. Tôi đã tìm khắp mọi nơi, từ phòng ngủ, lớp học đến các cửa hàng gần nhà, công viên. Nhưng tôi vẫn chẳng thể tìm thấy cuốn sổ tay chứa đựng những kí ức thơ ngây của tôi thời cấp hai.

Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác đau đớn, buồn bã đến tột cùng khi mất đi một thứ quý giá đến như vậy. Tôi đã khóc rất nhiều, khóc không phải vì tôi tiếc của, không phải vì tôi làm mất nhật ký mà là khóc vì tôi đã đánh mất những kỉ niệm đẹp đẽ. Tôi đã viết những câu chuyện học sinh của mình, đã gửi gắm trong từng câu chữ những tình cảm không gì có thể thay thế được. Thế mà tất cả lại biến mất trong tích tắc. Cả khoảng thời gian cấp hai của tôi cứ như vậy mà mất đi sao?

Quyển nhật ký ấy như một căn hầm bí mật chứa đựng những kí ức tuổi thơ tôi: lần đầu tôi đặt chân ra khỏi đất nước Việt Nam hình chữ S, những bài học tiếng Đức của tôi, khoảng khắc vui sướng khi đậu vào Trần Chuyên và cả những ấn tượng với các bạn học cấp hai của tôi. Ngoài ra, tôi còn cất giữ tâm tư tình cảm trong sáng, những món quà nho nhỏ được tặng. Cảm giác khi mất cuốn sổ ấy cứ như là tôi đánh mất chiếc chìa khóc duy nhất để mở cửa căn hầm kí ức ấy. Duy nhất!

Phải mất rất lâu sau đó tôi mới có thể trở lại trạng thái bình thường. Nói là bình thường nhưng thật ra cũng không hẳn, chỉ là cảm thấy ổn hơn, có thể quên đi mất mát to lớn này. Nhưng cũng từ đấy, tôi từ bỏ việc nhật ký. Thói quen ghi chép lại những việc đã làm trong một ngày của mình cũng dần dần không còn nữa. Cứ mỗi lần nghĩ đến quyển nhật ký đã mất đi, trong lòng tôi lại dâng lên một cảm giác nhói đau, tiếc nuối, buồn bã gì đó rất khó tả. Và tôi cũng thấy rất khó hiểu, vì sao quyển nhật ký lại biến mất một cách bí ẩn như vậy? Kể cả khi tôi đã làm mọi cách để tìm lại nó, từ hỏi mọi người xung quanh đến tự mình đi từng nơi, lục tung mọi khe hở, băng qua các con phố vẫn thường qua lại và ghé thăm những cửa tiệm nhỏ. Và đương nhiên kết quả vẫn là không có gì.

Bất ngờ làm sao khi bây giờ, cậu bạn thân nhất của tôi lại tìm thấy quyển nhật ký ấy nơi nước Đức xa xôi và mang nó về làm quà cho tôi! Thế giới này thật thú vị nhỉ?

- Là cô Anita đã đưa cho Nam. Cô nói hôm cuối cùng học, Ngọc đã để nhầm nó vào hộp quà tặng cô. Lúc đầu cô tưởng là Ngọc muốn tặng cô nhưng lúc về lại Đức thì mới biết đó là nhật ký của Ngọc nhưng chẳng có cách nào để trả hết.

Nam nói là cô Anita rất xin lỗi vì đã không trả lại cho tôi sớm hơn. Đương nhiên là cô đâu có lỗi gì trong chuyện này, tất cả đều vì tôi. Hôm đấy lúc viết thư cảm ơn cô, tôi đã viết luôn nhật ký của mình và khi đặt hộp quà, tôi đã vô tình cho cả hai vào. Và thế là quyển nhật ký thân thương của tôi đã được bay qua nước Đức lạnh lẽo kia. Thật không thể tưởng tượng nổi! Sau tám năm ròng thì tôi đã có thể nhìn lại nó rồi. Tôi vui như vỡ òa, vẫn không thể tin vào mắt mình được. Quyển nhật ký giờ đã cũ hơn rất nhiều, trang giấy trắng ngày nào đã bắt đầu ngả màu ngà ngà, nét chữ nghiêng được tôi nắn nót ngày nào giờ cũng phai mờ ít nhiều.

Tôi cứ thẫn thờ nhìn ngắm quyển nhật ký cho đến khi nhân viên phục vụ đem đồ ăn ra. Lúc này tôi mới mở miệng cảm ơn Nam, rồi tôi lại sờ nhẹ lên cuốn sổ, khi ăn tôi vẫn không ngừng liếc nhìn nó. Tôi kể Nam nghe về quyển nhật ký, kể những việc đã xảy ra với nó, với tôi. Rồi trên đường về nhà, tôi nói cho Nam biết về những bức thư nọ. Cậu bạn cũng ngạc nhiên như tôi lúc đầu vậy, cậu hỏi rất nhiều về chúng, địa điểm, thời gian, nội dung và cả nét chữ. Vừa về đến nhà, tôi kiểm tra lại hòm thư thì quả nhiên một bức thư mới xuất hiện.

Tôi và Nam vào nhà, chúng tôi mở bức thư ra. Bên trong vẫn là một dòng chữ duy nhất trên tờ giấy trắng. Tôi lấy ba bức thư cũ ra so sánh thì tất cả đều giống nhau. Nam nói tôi đừng lo lắng gì nhiều, cậu sẽ cố gắng tìm ra chủ nhân của nó giúp tôi.

Chiều hôm đó, tôi đến công viên. Sau khi tìm đến nơi tôi và Dương đã gieo hạt giống cây cam, tôi ngồi cách đó một khoảng. Gió mát thoang thoảng lướt qua mặt nước sông, cánh chim lượn tự do trên bầu trời trong xanh cao vời vợi, tôi mở quyển nhật ký cũ ra. Cẩn thận đọc từng trang, nước mắt tôi chực trào. Tôi nhớ những ngày xưa ấy. Con người chúng ta ai cũng thay đổi, vạn vật đều đổi thay và thứ duy nhất khiến ta giật mình nhận ra mình đã từng như thế kia là kỉ niệm.

Tôi bật cười trước những câu chuyện nhỏ thuở ấy, tôi - một Minh Ngọc chín chắn của hiện tại cũng từng vụng về biết bao nhiêu, cũng từng yếu đuối ngã gục trước khó khăn. Kỉ niệm là những nốt nhạc dạo đầu trong một bài hát cuộc đời, khi ta thành công những giai điệu điệp khúc tươi vui sẽ được đánh lên. Bài hát của ta dù điệp khúc có hay đến đâu thì nó vẫn chẳng thể hoàn thiện nếu ta không nhìn lại những khổ nhạc đầu tiên, những bước đệm dịu dàng mà đáng nhớ.

Điện thoại tôi chợt sáng lên, màn hình hiện hai chữ "mẹ yêu". Bấm trả lời, bên tai tôi vang lên giọng nói ấm áp thân thương của mẹ:

- Alo. Ngọc khỏe không con?

- Dạ khỏe. Mẹ khỏe không mẹ? Bên đó có lạnh lắm không?

- Mẹ ổn, con đừng lo. Bên này tuyết rơi rồi. Năm nay tuyết có vẻ rơi sớm hơn năm ngoái. Nhưng mà cũng không sao đâu con gái, ba mẹ đã giữ ấm cơ thể tốt rồi.

- Ba mẹ nhớ mặc áo ấm vào, phải bật lò sưởi và hạn chế ra ngoài nhé.

Ba mẹ tôi hiện giờ đang ở bên Canada cùng gia đình anh trai tôi. Ba mẹ tôi thích đi du lịch nhiều nơi nên thỉnh thoảng lại cùng nhau đi khám phá khắp nơi. Anh trai tôi năm nay đã 26 tuổi, anh và chị dâu tôi mới đám cưới năm ngoái. Do nhà chị dâu ở bên Canada nên anh tôi cũng sang đấy ở.

- Ba mẹ mới tìm được một suất học bổng bên Pháp đó con. Mẹ nhớ con thích đi Pháp lắm nên định hỏi con xem con nghĩ thế nào. Nếu muốn thì mình làm hồ sơ xin học bổng, nếu đậu thì đầu năm sau có thể đi rồi.

Tôi có đang nghe nhầm không? Là học bổng đi Pháp đó! Đúng vậy, là PHÁP!!!

[Orangenbaum] || sle. & mvol.Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ