Chương II

374 12 0
                                    

Ba đêm sau, Ông Cả qua đời trong giấc ngủ bình yên. Xác nó được chôn ở cuối vườn quả.

Lúc đó là đầu tháng Ba. Suốt ba tháng kế, cả trại dồn dập những hoạt động bí mật. Bài diễn thuyết của Ông Cả đã mở mắt cho những con vật thông minh nhất, đem lại một quan niệm sống hoàn toàn mới. Chúng không biết cuộc Khởi nghĩa Ông Cả tiên đoán bao giờ thì nổ ra, cũng chẳng có cớ gì mà đoán sẽ nổ ra ngay trong thời của mình, nhưng chúng hiểu rõ bổn phận của mình là dọn đường cho Khởi nghĩa. Nhiệm vụ dạy bảo tổ chức số còn lại nghiễm nhiên rơi vào tay đám lợn, những con vẫn được thừa nhận là thông minh nhất trong các loài. Nổi trội hơn cả là hai lợn giống trẻ, Tuyết Cầu và Nã Phá Luân, đều đang được ông Jones chăm bẵm chờ đẩy đi. Nã Phá Luân thuộc giống Berkshire, trại chỉ có một con Berkshire ấy, thân đen to lớn trông khá dữ tính ít xởi lởi nhưng có tiếng là muốn gì thì làm cho bằng được. Tuyết Cầu là con lợn sôi nổi hơn Nã Phá Luân, nói năng hoạt bát mà lại nhiều sáng kiến hơn, nhưng được nhận định là tính cách không sâu sắc bằng. Còn lại các lợn đực trong trại đều là lợn thịt. Có tiếng nhất là một con lợn nhỏ tròn trùng trục tên là Mồm Loa, má phúng phính, mắt hấp háy, đi lại nhanh nhẹn, giọng the thé như còi. Nó là một tay nói năng dẻo quẹo, cứ mỗi lần tranh luận đến chỗ hóc búa lại có cái kiểu loi choi nhảy từ chân này sang chân kia, cái đuôi phất phất, chẳng hiểu sao vẻ ấy lại dễ thu phục người khác. Xung quanh bảo Mồm Loa có thể nói đen thành ra trắng được.

Bộ ba này đã phát triển lời dạy của Ông Cả thành hẳn một hệ tư tưởng hoàn chỉnh, mà chúng đặt tên là Súc vật Chủ nghĩa. Mỗi tuần vài tối, sau khi ông Jones đã ngủ, cả ba triệu họp kín trong nhà kho lớn, thuyết giải các nguyên lý Súc vật Chủ nghĩa cho cả trại. Ban đầu chúng chỉ gặp phải thái độ ngu ngốc và dửng dưng. Vài con vật dẫn ra bổn phận phải trung thành với ông Jones, mà chúng gọi là "Ông Chủ", hay phát biểu ngù ngờ kiểu như "Nhưng ông Jones nuôi chúng ta ăn mà. Ông ấy mà đi thì chúng ta đến chết đói mất thôi." Những con khác thì hỏi đại loại "Việc gì phải quan tâm những chuyện sau khi ta chết rồi?" hay là "Nếu cái Khởi nghĩa này đằng nào cũng đến thì chúng ta có phấn đấu vì nó hay không cũng đâu khác gì?" khiến đám lợn khó khăn lắm mới giảng được cho chúng hiểu ra, tư duy thế là trái với tinh thần Súc vật Chủ nghĩa. Trùm ngu ngốc là câu hỏi của Mollie, ả ngựa bạch. Câu đầu tiên nó thốt ra với Tuyết Cầu là: "Khởi nghĩa xong í, có còn đường nữa hông?"

"Không," Tuyết Cầu đáp chắc nịch. "Trong trại chúng ta không có phương tiện sản xuất đường. Hơn nữa tại sao phải cần đường? Ai cũng sẽ được ăn yến mạch cỏ khô thỏa thích."

"Thế tui có được tết nơ trên bờm hông?" Mollie hỏi tiếp.

"Đồng chí Mollie," Tuyết Cầu đáp, "mấy cái nơ đồng chí mê thích ấy đều là xiềng xích tôi đòi. Đồng chí không thấy là tự do còn đáng giá hơn nơ với nút ư?"

Mollie đồng ý, nhưng cô ả có vẻ không tin tưởng lắm.

Đàn lợn còn phải đấu tranh vất vả hơn nữa để dập tắt những lời dối trá mà Tiên Tri, con quạ nhà, gieo rắc. Là vật cưng của chủ trại Jones, Tiên Tri không những giỏi do thám và đưa chuyện, mà còn tài nói như rót vào tai. Nó kể xằng về một cõi huyền bí tên là Đỉnh Kẹo Bông, nơi mọi con vật chết rồi đều đến đó. Nơi này ở đâu đó trên trời, ngay trên mấy tầng mây, Tiên Tri kể. Trên Đỉnh Kẹo Bông một tuần có bảy Chủ nhật, quanh năm cỏ ba lá xanh mướt, đường viên với bánh hạt lanh mọc ngay bờ giậu. Lũ súc vật đều ghét Tiên Tri vì nó chỉ tán láo cả ngày, không chịu làm việc, nhưng có vài con lại tin chuyện Đỉnh Kẹo Bông, khiến đám lợn phải khô cổ nói lý cho chúng hiểu không có chốn như thế.

TRẠI SÚC VẬT [George Orwell]Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ