Chương V

253 8 0
                                    

Càng về mùa đông, Mollie càng dở chứng. Sáng nào nó cũng đi làm muộn, luôn vịn vào cớ ngủ quên, và còn than thở đủ chứng bệnh kỳ bí, dù khoản ăn uống thì vẫn sở trường. Nó viện đủ lý do để trốn việc rồi chạy ra hồ nước ăn, đứng ngây ngô ngắm mình dưới bóng nước. Nhưng có cả những lời đồn nghiêm trọng hơn. Một hôm, đang lúc Mollie nhún nhảy đi vào sân, đuôi dài ve vẩy, miệng nhai nhánh cỏ, Cỏ Ba Lá đã gọi riêng nó ra.

"Mollie ạ," nó nói, "có một chuyện rất nghiêm trọng chị cần hỏi em. Sáng nay chị thấy em nhìn qua giậu giữa Trại Súc Vật với Rừng Cáo. Bên kia giậu có một người làm của Pilkington. Và hắn - chị đứng rất xa, nhưng chị gần như tin chắc là mình thấy thế - hắn nói chuyện với em, còn em thì để hắn vuốt mũi em. Thế là thế nào hả Mollie?"

"Em chã! Hắn chã! Hông có chuyện í!" Mollie hí lên, nhảy nhổm lung tung, móng cào xuống đất.

"Mollie! Em nhìn chị đi. Em có thề danh dự với chị là không phải em để tên đó vuốt mũi không?"

"Hông có chuyện í!" Mollie nhắc lại, nhưng nó lại không dám nhìn vào mặt Cỏ Ba Lá, và chỉ chốc lát sau nó đã vùng phi ra cánh đồng.

Cỏ Ba Lá sực nghĩ ra một chuyện. Không nói với ai, nó đi tới ngăn chuồng Mollie ở rồi lấy lấy móng gạt rơm ra. Giấu dưới lớp rơm là một vốc nhỏ đường viên cùng một mớ nơ đủ các loại màu sắc.

Ba hôm sau Mollie biệt tăm. Mất vài tuần không ai biết nó đi đâu về đâu, cho đến khi đàn bồ câu báo lại đã thấy nó ở tít đầu bên kia làng Willingdon. Nó được thắng vào càng một chiếc xe độc mã sơn đỏ đen, đỗ ngoài quán rượu. Một lão béo mặt đỏ, đeo nịt quần caro và xỏ ghệt, ra dáng chủ quán, đang vuốt mũi và bón đường cho nó. Lông nó mới được tỉa, bờm trán thắt nơ đỏ thắm. Nó có vẻ rất mãn nguyện, bồ câu kể. Súc vật trong trại không bao giờ nhắc đến Mollie nữa.

Ra riêng, trời trở rét cắt da cắt thịt. Đất rắn như sắt, ra đồng chẳng cày bừa gì được. Họp hành liên miên trong nhà kho lớn, đàn lợn túi bụi vạch kế hoạch mùa sau. Đến lúc này, tất cả đã đồng thuận để đàn lợn, giờ đã chứng tỏ thông minh vượt trội so với tất cả lũ súc vật, đảm nhận việc quyết định mọi chính sách trong trại, dù quyết định của chúng vẫn phải đưa ra biểu quyết cho đại đa số thông qua. Sắp xếp như thế chắc đã rất trơn tru, nếu không phải Tuyết Cầu và Nã Phá Luân vẫn xung khắc liên miên. Cứ hở ra là hai con lại bất đồng ý kiến. Hễ một bên kiến nghị tăng diện tích gieo đại mạch, bên kia ắt sẽ đòi mở rộng trồng yến mạch, hoặc một bên nói mảnh ruộng này thích hợp nhất chỉ có cải bắp, là bên kia khăng khăng ruộng đó không trồng củ thì chỉ vứt đi. Mỗi con tập hợp một phe riêng, đưa đến nhiều buổi tranh cãi nảy lửa. Ngay trong Đại hội, Tuyết Cầu nhờ tài diễn thuyết thường cuốn hút được số đông, nhưng Nã Phá Luân lại giỏi vận động hậu trường ngả theo mình. Thành công nhất của nó phải kể đến lũ cừu. Gần đây, lũ cừu đã thành thói quen rống be be "Bốn chân tốt, hai chân xấu", cả đúng lúc lẫn không đúng lúc, khiến rất thường xuyên Đại hội bị chúng cắt ngang. Có thể để ý chúng đặc biệt hay gào lên "Bốn chân tốt, hai chân xấu" đúng những thời điểm gay cấn giữa chừng Tuyết Cầu diễn giảng. Tuyết Cầu đã dày công nghiên cứu mấy số Cẩm nang nuôi trồng cũ mà nó vớ được trong nhà chủ, và còn ấp ủ vô số kế hoạch cải tiến, sửa sang. Nó trình bày rất uyên bác kỹ thuật mương tiêu nước, ủ xi lô, xỉ than bón ruộng, vạch ra cả một chương trình phức tạp cho mỗi con vật trực tiếp thải phân xuống ruộng, mỗi ngày một vị trí, rút bớt công vận chuyển. Nã Phá Luân không đưa ra chương trình nào, chỉ điềm đạm nói Tuyết Cầu vẽ vời rồi cũng bỏ đi cả thôi, xem chừng nó vẫn còn đang chờ thời cơ. Nhưng trong mọi cuộc đấu khẩu giữa chúng, không vụ nào ác liệt như vụ cối xay gió.

TRẠI SÚC VẬT [George Orwell]Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ