Tác giả: Đồng Mộc
Người dịch: Hạ Hầu Cẩm Nguyệt
Chương 1: Mỹ nhân gót sen dưới đáy giếng (1)
Hơn năm mươi năm về trước, bà nội tôi gả cho ông nội, ông tôi khi ấy chỉ là một chàng trai trẻ xuất thân từ một gia đình nông dân bình thường. Lúc bà tôi lấy chồng chỉ mới vừa tròn hai mươi tuổi, bà xuất thân từ Tấn thương thế gia, sinh ra và lớn lên ở đại viện Tấn thương, cũng được coi như là tiểu thư lớn lên trong nhung gấm lụa là. Cha của bà nội tôi, theo tập quán chỗ chúng tôi, tôi phải gọi là cụ ngoại. Cụ họ Tần, là thương nhân có tiếng nơi đó, bên ngoài rất có tiếng thơm, dân bản xứ đều tôn kính gọi một tiếng Tần lão gia. Thời điểm ấy vẫn còn là xã hội cũ, giống tất cả những người có tiền khác, ngoại trừ vợ cả ra, cụ còn cưới về ba người vợ lẽ nữa. Bà nội tôi là cụ và người vợ lẽ thứ hai sinh ra.
Cụ ngoại là người truyền thống, cực kì thích phụ nữ bó chân. Bốn người phụ nữ cụ cưới, trừ chân vợ cả không phù hợp với tiêu chuẩn “gót sen ba tấc”, ba người phụ nữ còn lại đều là mỹ nhân gót sen có tiếng ở bản xứ.
Nói đến thời gian này, bà tôi vẫn có chút xúc động bùi ngùi, đôi chân gót sen của bà bắt đầu bó từ năm năm tuổi, để có được đôi gót sen này, bà đã phải chịu nhiều đau khổ. Một đôi chân bình thường bị bẻ gãy thành biến dạng, sau đó dùng những tấm vải dài bó chân lại, để gót sen có thể mau chóng thành hình, mỗi ngày đều phải dẫm lên mái ngói vỡ đi đi đi lại, cho đến khi hai chân thối rữa chảy mủ, lại tiếp tục dần dần bó thành hình dạng như mong muốn, trải qua quá trình đó thật sự không thua gì phải trải qua một trận cực hình. Sau khi chân đã được bó nhỏ xong, lại phải đi một đôi giày nhỏ gót cong thêu hoa, đây chính là gót sen ba tấc chúng ta đã biết.
Thật ra chân bà tôi với gót sen ba tấc chân chính vẫn còn chút khoảng cách, bà tôi nói, gót sen bà tư của cụ ngoại mới thật sự làm người ta mãn nhãn, chỉ tiếc là bà tư được gả đến hơn năm đã chết, ngay cả một mụn con cũng không có.
Người trong đại trạch giữ kín như bưng cái chết của bà tư, bà tôi khi ấy mới chỉ bảy tám tuổi, vào đúng độ tuổi thấy cái gì cũng tò mò. Tây viện bà tư sống có một giếng nước, sau khi bà tư qua đời, cụ ngoại sai người đậy kín nó lại.
Chập tối tuần đầu của bà tư, bà tôi ngồi chơi một mình trong sân, vừa ngước mắt lên thì nhìn thấy một con thỏ nhỏ mắt đỏ ngồi bên cửa thùy hoa. (một kiểu cửa trong kiến trúc nhà thời xưa, trên có mái, bốn góc buông bốn trụ lửng, đỉnh trụ chạm trổ sơn màu)Bà nội nhìn thấy con thỏ lông trắng mềm, lập tức thích vô cùng, thừa dịp nha hoàn chăm sóc không ở đó, bà lập tức đứng lên đuổi theo con thỏ kia. Bà nội bị bó chân nên chạy rất chậm, con thỏ lại cứ như trêu bà, thấy bà rớt lại phía sau thì lại dừng lại đợi bà.
Bà nội và con thỏ cứ một trước một sau như vậy chạy vào trong sân nơi ở của bà tư. Từ sau khi bà tư chết, cái sân này không có người quét dọn, dưới ánh tà dương lộ rõ vẻ hoang liêu.
Con thỏ vào trong sân xong, rất nhanh đã biến mất trong bụi hoa cỏ. Bà nội tôi lúc này vừa khéo đứng bên cái giếng bị đậy kín, vốn dĩ có một phiến đá to nặng đậy lên trên miệng giếng, ấy thế mà không biết bị ai xê chuyển ra một bên.
Bà nội tò mò ngồi xổm xuống, ngó vào trong giếng, nhìn thấy nước giếng sủi ùng ục lên mấy lần, tiếp đó hiện ra một thứ màu đỏ. Bà nội nhìn mãi nhìn mãi, cuối cùng đã nhìn rõ thứ đó.
Thứ kia là một chiếc giày thêu màu đỏ, nhỏ nhỏ xinh xinh như một vầng trăng lưỡi liềm, lẳng lặng dập dờn trên mặt nước.
Bà nội thấy rất khó hiểu, không biết tại sao trong giếng lại có giày, để nhìn rõ chiếc giày kia, bà thò cả đầu vào trong giếng, nhìn một lúc lâu. Lúc bà muốn thẳng người đứng dậy, thân thể lại lắc lư vài cái, không chịu khống chế té vào trong giếng!
Cái giếng kia vốn bị người ta đậy kín một bên, nếu là người lớn thì không nguy hiểm, ấy nhưng bà tôi lúc ấy mới tám tuổi, người ngợm bé nhỏ, lúc thấy sắp ngã lộn xuống giếng rồi thì bà lại cảm thấy có người túm chắc lấy người bà, sau đó bị một lực lớn lôi lên mặt đất.
Bà nội quay đầu, nhìn thấy mẹ mình đang tái mặt nhìn bà. Bà yếu đuối gọi một tiếng mẹ, sau đó ngất ngay tại chỗ.
Bà nội bệnh ngay trong đêm, sốt cao không ngừng, hơn nữa còn không ngừng nói mê sảng, chữa trị mất vài ngày mới dần dần khá lên.
Trong khoảng thời gian bà nội bị bệnh, đại trạch Tần gia lại phát sinh một chuyện kì quái.