#trungquockinhdiki
Tác giả: Mộc Đồng
Người dịch: Hạ Hầu Cẩm Nguyêt
Chương 1: Mỹ nhân gót sen dưới đáy giếng (2)
Từ ngày bà nội suýt bị lôi xuống giếng, miệng giếng đó lại được đậy kín một lần nữa. Nhưng mà ba ngày sau có người phát hiện một nha hoàn treo cổ trên cây lựu chết khô cạnh giếng.
Phiến đá đậy miệng giếng vẫn ở nguyên chỗ đó, tuy nhiên trên lớp rêu xanh cạnh giếng xuất hiện một dấu chân màu máu cực kì xinh xắn tựa như có ai đó trong lúc vô tình dẫm lên trên vậy, chỉ có một dấu chân trơ trọi ở đó. Rêu xanh cạnh giếng hoàn toàn nguyên vẹn, không có dấu vết nào chứng minh từng bị người dẫm qua.
Điều khiến người ta cảm thấy kì lạ nhất chính là, nha hoàn treo cổ chết kia cũng từng bó chân, nhưng lại không nhỏ hơn quá nhiều so với chân không bó, dài chừng hơn bốn tấc. Còn vết chân nhỏ cạnh giếng kia vừa đúng ba tấc không thiếu một li. Riêng việc nhìn dấu chân kia đã có thể tưởng tượng đến bàn chân người dẫm lên rêu kia nhỏ nhắn xinh xắn đến nhường nào.
Tần gia chỉ có chân bà tư đã chết vừa đúng ba tấc.
Tần gia là gia đình thế gia vọng tộc, nhiều đời buôn bán, cũng đã bồi dưỡng ra mấy lớp thế hệ con cháu có tiền đồ, người làm quan cao nhất thậm chí đã lên đến hàng tứ phẩm, sau này bởi vì xã hội rối ren mới dần dần xuống dốc. Thế nhưng dù gì Tần gia cũng là gia đình từng trải qua sóng to gió lớn, trong nhà có một nha hoàn chết không phải là chuyện gì to tát, huống chi trong thời buổi loạn lạc, mạng người là thứ không đáng giá nhất, chỉ cần đền cho người nhà người ta mấy đồng là xong chuyện.
Chỉ có điều dấu chân máu bên cạnh giếng kia lại khiến cho lòng người bất an.
Tây viện là nơi ở của bà tư lúc còn sống, thêm việc nha hoàn thắt cổ tự tử ngay sau ngày tuần đầu của bà tư, hơn nữa còn có dấu chân máu ba tấc cạnh giếng... Trong đại trạch Tần gia dần dần truyền ra một lời đồn, nói là linh hồn bà tư đang kiếm kẻ thế mạng, thế nên mới treo cổ nha hoàn kia.
Còn sự việc bà nội tôi suýt chút nữa ngã xuống giếng, mẹ của bà nội – cũng chính là bà hai – không nói với người ngoài, chỉ nói bà tôi vô tình nhiễm gió lạnh. Cụ ngoại rất phản cảm với tin đồn kia, sau khi trừng phạt mấy kẻ tôi tớ lắm điều, lời đồn từ từ biến mất.
Dấu chân máu cạnh giếng đã sớm được giội đi, nhưng được có hai ngày có người phát hiện cạnh giếng lại xuất hiện dấu chân máu, lần này là hai cái.
Cụ ngoại tôi cực kì tức giận, nghi ngờ có kẻ giả thần giả quỷ. Cụ cho người giội sạch dấu chân đi, tiếp đó phái một tên đầy tớ đến xem chừng cái giếng đó, buổi tối cũng không được rời khỏi.
Ấy thế mà, ngay trong đêm đó, lại có thêm một người chết trong đại trạch Tần gia. Người chết lần này vẫn là một nha hoàn bó chân.
Dấu chân máu cạnh giếng bị rửa trôi lại xuất hiện, cụ ngoại cho rằng tên đầy tớ kia làm biếng, tức giận muốn phạt hắn. Kẻ đầy tớ kia thanh minh nói mình cả đêm không ngủ, một mực trông coi cái giếng, đừng nói là người, ngay cả con chó con mèo hắn cũng không nhìn thấy con nào đi qua.
Cụ ngoại bán tín bán nghi, mãi sau mới nghe đề nghị của bà hai, mời một người hành hương đến.
Cái gọi là khách hành hương, chính là cách gọi bà đồng thầy cúng ở chỗ tôi. Người kia thần thần bí bí dạo một vòng quanh đại trạch, rồi chỉ vào cái giếng ở Tây viện nói, bên trong giếng giấu một ác quỷ, sau khi chết ả ta không cam lòng, vì vậy mới làm ra dấu chân máu, một dấu chân máu đại biểu cho một mạng người, nhất định phải làm phép tiêu diệt ả ta, nếu không sau này sẽ có thêm nhiều người chết tiếp.
Người kia chỉ vào cây lựu cạnh giếng, nói, cái cây kia bị âm khí của ác quỷ ăn mòn nên mới héo quắt mà chết như thế.
Cụ ngoại tôi vốn không tin mấy người hành hương này, nhưng nghe ông ta nói đến ác quỷ trốn trong giếng là thấy chột dạ. Bởi vì bà tư nhảy xuống giếng chết, nên cụ mới bảo người đậy cái giếng lại.
Cây lựu cạnh giếng là do bà tư bảo người trồng sau khi được gả vào Tần gia, trước đây cây ra rất nhiều quả sai lúc lỉu. Bà tư rất lạnh nhạt với cụ ngoại, nhưng lại rất thích cây lựu này. Từ trước tới nay cây lựu này vô cùng tươi tốt, tuy nhiên không được mấy ngày sau khi bà tư chết, nó cũng nhanh chóng khô héo rồi chết theo.
Từng lời từng lời khách hành hương này nói đều phù hợp với tình hình thực tế nên cụ ngoại cũng tin. Cụ cho người khách hành hương kia không ít tiền, để ông ta làm phép trừ ác quỷ. Khách hành hương kia bận bịu ước chừng hai ngày, hai ngày đó Tần gia rất yên bình, lòng người hốt hoảng dần dần bình tĩnh lại.
Bà nội khỏi bệnh xong, bà hai không cho phép bà chạy linh tinh nữa, nhất là Tây viện, không cho phép bước vào dù chỉ nửa bước. Bản thân bà nội cũng biết sợ, không dám chạy chơi lung tung, nhưng trong lòng bà vẫn luôn nghĩ đến con thỏ nhỏ nhìn thấy ngày hôm đó.
Cuối cùng có một ngày, bà chạy ra sân, đúng lúc nhìn thấy chị gái cùng cha khác mẹ ngồi trên một cái bàn, trong tay ôm một con thỏ nhỏ.
Chị gái của bà chỉ lớn hơn bà một tuổi, tên là Tần Ngọc Châu, là con gái của cụ ngoại với bà cả. Song từ lúc bà hai sinh ra bà nội tôi xong, bà cả liền chuyển đến ở tại Thanh viện, chỗ đó là góc hoang vu hẻo lánh nhất đại viện Tần gia.
Bà cả sai người dựng một tòa phật đường, ngày đêm tụng kinh niệm Phật, ngay cả con gái mới sinh chưa lâu cũng mặc kệ không ngó ngàng tới.
Bà cả ở Thanh viện ròng rã tám năm, trước nay chưa từng ra ngoài, cũng không cho người khác vào quấy rầy, chỉ liên hệ với bên ngoài qua một lão ma ma. Vì vậy Tần Ngọc Châu thực ra là được mấy người mẹ lẽ nuôi lớn, người nuôi bà ta lâu nhất chính là bà hai, nhưng trước giờ bà ấy luôn ôm một loại địch ý kì lạ với nhị nương trên danh nghĩa và bà nội tôi.
Tần Ngọc Châu nhìn thấy bà tôi khao khát nhìn con thỏ nhỏ bà ta đang ôm trong lòng, nở nụ cười đắc ý.
Bà ta nhảy xuống bàn, tuy là bà ta cũng bó chân nhưng hành động của bà ta nhanh nhẹn hơn bà nội tôi rất nhiều.
Lúc đó bà tôi sợ hãi tiến lên nói một câu: “Chị ơi, có thể cho em sờ thỏ nhỏ một cái được không?”
Tần Ngọc Châu lộ ra nụ cười âm trầm, bà ta vuốt chuỗi ngọc châu đeo trên cổ từ khi sinh ra, nói: “Nhị nương sắp quay về rồi, không bằng ta dắt em đến một nơi, chỗ đó không có người, em có thể chơi với nó!”
Bà tôi lập tức mừng rỡ đồng ý, Tần Ngọc Châu dắt bà nội, cẩn thận tránh khỏi tầm mắt của người làm, đi đến Thanh viện.
Trong Thanh viện chỉ có bà cả và một lão ma ma ở, quả nhiên yên tĩnh đến không thể yên tĩnh hơn.
Bà nội ngồi xổm xuống một cái góc trong Thanh viện, vui vẻ vuốt ve bộ lông trắng mềm của con thỏ nhỏ, một lúc sau ngẩng đầu lên thì không thấy Tần Ngọc Châu đâu nữa, còn cửa lớn Thanh viện không biết đã bị đóng lại từ bao giờ.
Bà nội không thấy Tần Ngọc Châu đâu, lập tức có chút hoảng sợ. Vừa định chạy đi mở cửa thì nghe thấy tiếng bước chân từ trong phòng truyền ra.
Từ nhỏ mẹ bà luôn dặn dò bà, có thể đến bất cứ chỗ nào trong Tần gia, chỉ có Thanh viện là không được phép đi vào. Bà tôi nhớ đến lời của mẹ, khỏi phải nói trong lòng sợ hãi nhiều biết mấy, bà không nghĩ gì, nấp ra phía sau bụi hoa xanh tốt. Con thỏ đã chạy mất dạng từ lâu, bà nội sợ bị người ta phát hiện nên ngậm chặt miệng, không dám cử động.
Xuyên qua bụi hoa tươi tốt, bà nội nhìn thấy một người phụ nữ từ trong phòng đi ra. Chỉ là dáng vẻ bà ta đi lại rất kì quái, vừa giống như đi cà kheo, vừa giống như đi một đôi giày không vừa chân.
Đợi đến lúc người phụ nữ này đi đến trước mặt, bà nội nhận ra bà chưa từng gặp người phụ nữ này. Ở Tần gia, người phụ nữ bà nội chưa từng được gặp chỉ có một – bà cả Tần gia!
Lúc này ngay cả hít thở bà tôi cũng vô cùng rụt rè cẩn thận, chỉ sợ phát ra tiếng động sẽ bị bà cả nghe thấy. Tuy bà không biết nếu bị bà cả phát hiện sẽ có hậu quả gì, nhưng nỗi sợ này phát ra theo bản năng không kiềm lại được.
Bà cả mặc một bộ quần áo màu đen, mặt rất trắng, trên mặt không có bất cứ biểu cảm nào, chỉ đứng im bất động. Bà cả không động đậy, bà nội tôi cũng không dám động, bà cả cứ duy trì tư thế này, lúc mới đầu còn ổn, một lúc sau hai chân bà nội tôi bắt đầu mỏi nhừ tê dại, đau không chịu nổi. Thế nhưng bà cả vẫn không động đậy, bà nội tôi thật sự không chịu nổi nữa, òa khóc.
Tiếng khóc thút thít của bà làm kinh động đến bà cả. Bà cả chậm rãi quay đầu sang phía bà tôi, hai con mắt kia, không biết tại sao lại gần giống với con thỏ đã chạy mất.
Bà tôi bị dọa sợ hô lên một tiếng, ngã ngửa ra sau, lúc này một lão ma ma không biết xuất hiện từ chỗ nào túm lấy bà tôi như diều hâu bắt gà con, bà tôi bị bà ta ném ra khỏi Thanh viện không chút lưu tình.
Bà tôi về đến phòng mình thì bị mẹ ruột đang lo lắng mắng cho một trận, bà không dám nói mình bị lừa đến Thanh viện, chỉ nói là đuổi theo con thỏ bị lạc đường. Đại viện Tần gia phân thành nội viện và ngoại viện, nội viện là nơi ở của nữ quyến, ngoại viện là nơi đàn ông sinh hoạt và tiếp khách, hai nơi cách nhau tương đối xa, thi thoảng cũng có chuyện lạc đường xảy ra nên lời nói của bà tôi không bị bà hai nghi ngờ.
Ban đêm lúc sắp sửa gần đi ngủ, bà tôi đột nhiên hỏi mẹ mình: “Tại sao bà cả trước giờ không ra khỏi Thanh viện ạ?”
Bà hai nhìn bà nội tôi hồi lâu, vào lúc bà tôi sắp không giả bộ nổi nữa thì bà hai thở dài một tiếng, bà hai nói: “Con cũng lớn rồi, nói chuyện này cho con cũng được.”
Thanh âm từ tốn của bà hai mang theo mấy phần bi thương.
Bà cả gả cho cụ ngoại là do phải nghe theo lời cha mẹ, bà ấy không phải mẫu người phụ nữ cụ ngoại thích, hơn nữa cụ ngoại trời sinh phong lưu đa tình, vì thế hai người thường cãi nhau. Lúc bà cả có thai Tần Ngọc Châu, cụ ngoại cưới bà hai vào cửa, bà cả khi ấy náo loạn một trận to, cụ ngoại không thèm quan tâm, bà cả nhất thời nghĩ quẩn treo cổ.
Khi đó bà cả mang thai Tần Ngọc Châu đã khoảng bảy tháng rồi, khi được phát hiện cả người đã lạnh toát, không còn thở nữa. Bà cả chết rồi, cái thai trong bụng bà ấy chắc chắn cũng không sống được nữa. Đối mặt với bà cả một xác hai mạng, cụ ngoại có chút hối hận, nhưng người cũng đã chết rồi, đành phải bắt tay vào chuẩn bị hậu sự.
Theo thường lệ người đã chết phải giữ xác lại mấy ngày, buổi sáng ngày hôm sau sau khi bà cả tắt thở, bà ta nằm trong quan tài đột nhiên sống lại, dọa mọi người một phen chết khiếp, còn cho rằng xác chết sống lại, sau này mới biết không phải.
Bà cả không những sống lại mà ba tháng sau còn hạ sinh một đứa con gái, chính là Tần Ngọc Châu. Chuỗi ngọc châu Tần Ngọc Châu đeo từ nhỏ là bà cả cho, tên cũng được đặt theo nguyên do ấy.
Sau khi bà hai được gả vào, không đến một năm đã sinh bà nội. Từ lúc bà cả sinh Tần Ngọc Châu thì bắt đầu ru rú trong phòng, ngay cả cụ ngoại cũng rất ít khi nhìn thấy bà ấy. Bà nội ra đời, bà cả liền chuyển vào Thanh viện, ở đó đến tám năm.
Bà nội mở to mắt nhìn bà hai, hỏi: “Là bởi vì bà cả không thích mẹ nên mới không cho con vào Thanh viện ư?”
Bà hai chậm rãi lắc đầu nói: “Không phải, vợ cả không thích vợ lẽ là chuyện đương nhiên, mẹ không cho con lại gần bà ấy là vì bà ấy đã từng chết đi sống lại. Người rõ ràng đã tắt thở một ngày một đêm rồi lại có thể sống lại, đã thế đứa bé trong bụng cũng không bị làm sao, chuyện này tuyệt đối không bình thường! Mẹ nghĩ, bà ấy có thể không phải là bà cả nữa, mà là yêu ma quỷ quái biến thành!”
Tuy bà tôi khi đó vẫn còn nhỏ, nhưng đã có sức phán đoán của riêng mình rồi. Bà tin lời của bà hai, với lại bà nhớ đến đôi mắt của bà cả, đôi mắt kia tỏa ra ánh đỏ như mắt thỏ, bà ta tuyệt đối không phải người bình thường!
Bà nội thiếp đi trong nỗi lo sợ bất an.
Có một điều bà không biết đó là, đêm hôm đó, trên lớp rêu xanh cạnh giếng, lại xuất hiện ba dấu chân máu.