Dưới mắt của một du khách miền Nam ra thăm Hà Nội năm 1952, Lưu Quân có nhận xét : " Hà Nội cũng nhiều phố phường như Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhưng điều đáng chú tâm : " đường phố Hà Nội hầu hết đều mang tiếng Việt. Dạo khắp 36 phố phường Hà Nội, người công dân Việt Nam hãnh diện đọc đủ tên những văn nhân, những anh hùng của xứ sở, những tính chất riêng biệt của từng nghành kỹ nghệ, thương mại nước nhà. Trái lại, Sài Gòn thủ đô nước Việt Nam hiện tại, chỉ mang toàn là tên ngoại quốc, phần lớn là "quý danh" của những quan Pháp thuộc địa đã có công với nước Pháp trong cuộc chiếm đất Việt Nam từ thế kỉ 19. Kể ra cũng nên bắt chước cái chốn kinh kì Bắc Việt, đổi tên đường phố cho đất Sài Gòn. Cái việc ấy tưởng cũng giản dị, mà mang một ý nghĩa sâu xa, biểu lộ một ý thức độc lập bên cạnh rất chính đáng ". ( Đời Mới 6/8/1953)
Thật vậy, đường phố Sài Gòn - Chợ Lớn vào khoảng thời gian bài báo ra đời đa số mang những tên Tây mà dân Việt đọc muốn quéo lưỡi như Boulevard Kitcheneer ( Nguyễn Thái Học), Boulevard Norodom ( Thống Nhất, Lê Duẩn ), Boulevard Chaseseloup Laubat ( Hồng Thập Tự, Nguyễn Thị Minh Khai)... Đến năm 1955, muốn biểu lộ một ý thức độc lập, chánh phủ Ngô Đình Diệm đã chỉ thị cho Tòa Đô Chánh Sài Gòn thay thế toàn bộ tên đường từ Pháp qua Việt . Tòa Đô Chánh lại giao cho Ty Kỹ Thuật - phòng họa đồ đảm nhiệm công việc này.
Sau ba tháng nghiên cứu, trưởng phòng họa đồ của ty Kỹ Thuật, nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát đã đệ trình lên Hội Đồng đô thành toàn bộ danh sách tên đường chuyển đổi và Hội đồng đô thành thấy không có lý do gì để sửa đổi bản đệ trình của người uyên bác về lịch sử này. Theo ông Nguyễn Văn Luân - một đồng sự của nhà văn trong ty Kỹ Thuật đã nhận định : " Các đường được đặt tên với sự suy nghĩ rất lớp lang mạch với sự cân nhắc đánh giá bao gồm cả công trạng từng anh hùng một lại phù hợp với địa thế, và các dinh thự có sẵn từ trước. Tác giả đã cố gắng đem cái nhìn vừa tổng quát lại vừa chi tiết, những khía cạnh vừa tình vừa lý, đôi khi chen lẫn tính hài hước, vào việc đặt tên hiếm có này ".
Theo nhiều người nhận định cách đặt tên đường của ông Phát là dựa vào từng cụm danh nhân lịch sử như : đường Trần Hưng Đạo ( Galliéni) gần đường Phạm Ngũ Lão ( Colonel Grimaud), đường Nguyễn Thái Học gần đường Cô Giang ( Douaumont), Cô Bắc ( Douorier), Phan Đình Phùng ( Richaud - Nguyễn Đình Chiểu ) cắt ngang Cao Thắng (Audouit), Hai Bà Trưng ( Paul Blandchy) có Thi Sách ( Cornulier) dựa kề, Võ Tánh ( Frère Louis Nguyễn Trãi ) thì phải kế Ngô Tùng Châu ( Phan Thanh Giản - tên đường nay được đặt từ thời Pháp ) rồi chạy lên Gia Long ( thời Pháp vẫn là Gia Long ), dọc sông Sài Gòn chạy tuốt vào Chợ Lớn là Bến Bạch Đằng ( Quai de Belgique - Võ Văn Kiệt ). Trong Chợ Lớn có đường Khổng Tử nằm cạnh Trang Tử ( Quai de Foukien- Võ Văn Kiệt )... Nhưng sau này , có nhiều kiểu con đường được cư dân Sài Gòn nhớ đến vì tính chất công việc hay do điều kiện sinh hoạt vui chơi, giải trí...
Những con đường báo chí
Một sự ngẫu nhiên khi con đường Phạm Ngũ Lão có rất nhiều nhà in như nhà in Nguyễn Đình Vượng, nhà in Thư Ấn Lâm Quán. Và khi có cả nhà in là có tòa báo vì các nhà báo thường mướn nhà in làm luôn tòa soạn. Tôi nhớ thời gian này nhà báo Tuổi Ngọc đặt ở nhà in Nguyễn Đình Vượng cũng là tòa soạn nguyệt san Văn số 38. Đi lên một chút là dãy tường Nhà Ga Hỏa Xa Sài Gòn và đối diện bên đường là một dãy năm, bảy nhà in, tòa soạn nhật báo, tuần báo. Ở đoạn đường này những năm 1970 có toàn soạn tạp chí Phổ Thông của ông Nguyễn Vĩ, toàn soạn nhà in tuần báo Điện Ảnh của ông Mai Châu, tòa soạn nhà in tuần báo Kịch Ảnh, nhật báo Tiếng Vang của ông Quốc Phong, tòa soạn- nhà in Thế Giới của ông Nguyễn Văn Hợi, v.v... Tòa soạn - nhà in nhật báo Sài Gòn Mới ở số nhà 39 cuối đường Phạm Ngũ Lão. Quẹo lên phía trên là đường Võ Tánh ( Nguyễn Trãi ) nơi tập trung một số tòa soạn báo Độc Lập, báo Sóng Thần, ngược lên hướng Lê Lai ( Colonel Budonnet ) là toàn soạn Điện Tín, Tin Sáng... Vì vậy cứ mỗi buổi sáng, trong những quán cà phê, phở chung quanh xóm Sáu Lèo, Đề Thám ( Dixmude) - khu vực ngã tư quốc tế, đầy bóng dáng ký giả nhà văn đến đấu hót hay săn tin từ bạn đồng nghiệp rồi sau đó tản mác viết bài cho số báo ra buổi chiều. Rồi từng chiều đến là bóng dáng của các nhà phân phối báo lẻ - đứa trẻ bán báo túm tụm chung quanh những đầu nậu, tay ôm từng chồng báo để bắt đầu điệp khúc rao nơi cửa miệng " Báo mới đê... báo mới ra... vừa thổi... vừa coi đê ".
BẠN ĐANG ĐỌC
Sài Gòn - Khâu Lại Mảnh Thời Gian
RandomQuyển sách này tập hợp những bài viết ngắn nhìn lại Sài Gòn ngày hôm qua không phải bằng cặp mắt của nhà nghiên cứu, nhà sử học. Tìm lại Sài Gòn chỉ bằng những kỉ niệm và kí ức rời rạc nhớ đâu viết đấy về đủ thứ chuyện của ngày xưa. - Trích : Tác g...