Cửa hàng nhạc cụ Eto chủ yếu kinh doanh dương cầm. Bác giám đốc Eto thường không có mặt ở cửa hàng. Thợ lên dây có bốn người, tính cả lễ tân, nhân viên phòng hành chính, phòng kinh doanh là vừa tròn mười người. Một cửa hàng khá nhỏ.
Sau khi vào làm, tôi có nửa năm để thực tập các công việc trong cửa hàng, bắt đầu từ việc trả lời điện thoại đến việc chuẩn bị các thiết bị ở phòng âm nhạc hay bán nhạc cụ bày ở gian đằng trước của cửa hàng hoặc đón tiếp khách hàng đến với cửa hiệu. Những lúc rảnh rỗi, họ cho phép tôi luyện tập cách lên dây đàn.
Tầng một của cửa hàng là phòng trưng bày dương cầm, có một quầy nhỏ bán nhạc phổ và sách âm nhạc. Ngoài ra, chúng tôi có thêm hai phòng nhỏ để học nhạc và một hội trường nhỏ dành để biểu diễn âm nhạc có thể chứa được mấy chục người. Thường chúng tôi làm việc trên văn phòng tầng hai. Trên tầng hai, ngoài văn phòng còn một phòng họp và một phòng khách. Phòng còn lại được dùng làm kho.
Cửa hàng có sáu chiếc dương cầm. Tôi có thể dùng để thực hành, luyện tập lên dây bất cứ lúc nào. Công việc luôn bận rộn tới tận giờ đóng cửa nên tôi chỉ còn buổi tối để luyện tập.
Trong cửa hàng nhạc cụ không một bóng người vào ban đêm, tôi nhẹ nhàng mở nắp chiếc đàn dương cầm màu đen. Trong tôi dâng trào một cảm xúc hồi hộp nhưng đáy lòng lại như đang co rúm lại. Sự im lặng khó tả bao trùm lên khắp căn phòng. Tôi gõ vào âm thoa. Một tiếng “pin” xẹt ngang qua thần kinh của tôi.
Tôi bắt đầu chỉnh âm thanh của từng dây một. Chỉnh rồi lại chỉnh nhưng vẫn cảm thấy rời rạc. Tôi không thể nắm bắt được sóng của âm thanh. Tôi như nghe thấy sự run rẩy của những tần số đáng ra phải chuẩn khi đo bằng bộ điều chỉnh. Người ta đòi hỏi ở thợ lên dây đàn dương cầm nhiều thứ hơn việc chỉnh âm. Đầu tiên, tôi cũng phải đạt tới trình độ đó đã.
Như thể người ta tưởng mình chắc chắn có thể bơi được vậy mà khi nhảy vào bể bơi, bản thân chỉ có thể cố vùng vẫy. Dù đã gắng quạt nước vậy mà không có cảm giác mình đang tiến về phía trước. Khi phải đối diện với màn đêm, trước cây đàn dương cầm, tôi đều phải gắng sức quạt nước để bơi, thở ra những bong bóng nhỏ, đôi khi chân chạm tận xuống đáy bể để dồn lực đẩy hòng tiến về phía trước.
Tôi không mấy khi gặp được bác Itadori. Có nhiều đơn hàng yêu cầu bác ấy đi chỉnh đàn dương cầm cho nhạc hội, khách hàng đặt hẹn với bác ấy tại nhà cũng khá nhiều. Công việc bận rộn nên bác hầu như không ở cửa hàng. Lắm lúc bác cứ đi thẳng đến gặp khách rồi đi thẳng về nhà, cả tuần chẳng gặp nhau nổi một lần.
Tôi đã rất muốn xem bác Itadori lên dây đàn. Muốn bác ấy chỉ dạy tôi về kỹ thuật điều âm, nhất là, tôi muốn nghe những âm sắc lan tỏa mỗi lúc một sắc nét dưới đối tay chỉnh đàn của bác ấy.
Dường như những suy nghĩ đó đã hiển hiện rõ ra ngoài mặt. Có lần bác Itadori nhìn thấy tôi trong quãng thời gian ngắn ngủi trước khi ra ngoài làm việc, bác đã lên tiếng gọi tôi:
“Không được nóng vội. Cháu phải tích lũy từng chút, từng chút một.”
“Vâng ạ.” Tôi đáp. Từng chút, từng chút. Từ những cái từng chút, từng chút một chậm rãi đến mức tâm trí chuếnh choáng, trương phình lên mới có thể làm được công việc của một người thợ lên dây dương cầm.
BẠN ĐANG ĐỌC
Người sửa đàn dương cầm
Tiểu Thuyết Chung"Tiếng đàn không cầu kỳ mà lặng lẽ, những hạt phân tử đó quá nhỏ bé, đến mức lắng sâu vào mọi ngõ ngách của tâm hồn. Tiếng đàn không mất đi mà còn đọng mãi. Và đâu đó, ta nghe thấy có tiếng gõ cửa trong lòng mình". Khoảnh khắc tiếng đàn dương cầm bỗ...