Mỗi người đều nhận hai thứ giáo dục: một thứ tự người khác truyền cho; một thứ, quan trọng hơn nhiều, do mình tự kiếm lấy.
GIBBON
1. Già cũng học được
2. Ai cũng có thì giờ để tự học.
3. Chỉ mới biết đọc biết viết cũng tự học được.
1. GIÀ CŨNG TỰ HỌC ĐƯỢC
Bạn nói:
- Đúng vậy, ai cũng nên tự học, nhưng có phải ai cũng tự học được đâu? Vì người thì già quá, người thì bận việc quá, kẻ lại ít học quá, coi sách không hiểu.
Thưa bạn, tôi tin chắc rằng ai cũng có thể tự học được. Bao nhiêu tuổi là già? Thất thập cổ lai hy. Vậy 70 tuổi là lụ khụ rồi, phải không?
Nhưng Khổng Tử 70 tuổi còn nói: “Giả ngã sổ niên tốt dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hỹ”. Ngài ước ao được sống thêm vài năm để học đạo Dịch mà có thể không đến nỗi phạm những lầm lỗi lớn. V. Hugo cũng 70 tuổi mới bắt đầu học tiếng Hi Lạp. Chưa bằng Caton, 84 tuổi, mới ê a tiếng nói của Homère. Voltaire khi về già bỏ ra trọn một năm để học Vật lý, Hoá. Clémenceau lúc gần chết còn học thêm y khoa để viết cuốn “Au soir de la pansée”.
Hết thảy các học giả trên thế giới đều học cho tới lúc sức cùng lực kiệt. Vậy, tại sao bạn lại bảo già thì không học được?
Tôi tưởng càng già càng dễ học vì về già thường có lợi tức hoặc được con cháu cấp dưỡng, khỏi phải lo kiếm ăn, suốt ngày rảnh rang, không học thì làm gì cho hết ngày? Tôi vẫn biết có những cụ óc hoá mê muội, ký tính suy giảm, những nhiều cụ tinh thần minh mẫn thì tại sao lại không học?
Trong sự tự học, tuổi tác không phải là một chướng ngại; hễ mắt còn trông được, tai còn nghe được, óc còn suy nghĩ được thì đừng nói 70, dẫu 80 tuổi, 90 tuổi cũng vẫn nên học, vì lúc nào cũng có những điều cần phải học và lúc nào sự hiểu biết của ta cũng có ích cho chính thân ta và người khác.
2. AI CŨNG CÓ THÌ GIỜ ĐỂ TỰ HỌC
- Nhưng tôi bận công việc lắm, suốt ngày không được nghỉ, thì giờ đâu mà học?
Có thể như vậy lắm. Chúng tôi không biết rõ công việc của bạn ra sao, nên không dám bảo là bạn nói quá. Nhưng chúng tôi đã được biết nhiều ông bạn cũng phàn nàn là bận suốt ngày. Mà bận thật. Này nhé, mỗi ngày làm việc 8 tiếng, có khi hơn nữa, rồi ngủ 8 giờ – 8 giờ là số chót, theo lời bác sĩ – rồi phải đọc báo 1 giờ – 4 trang đặc lận mà! – rồi thù tạc với bạn bè, không lẽ để người ta chê mình là “nan du”, rồi thỉnh thoảng phải dắt vợ con đi coi hát bóng hoặc nghe cải lương, lại phải mỗi tuần chơi vài hội mạt chược hay tổ tôm chứ? Tục ngữ chẳng nói:
Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà mạn hảo ngâm nôm Thuý Kiều đấy ư? Rồi phải giỡn với Bé Ba, Bé Tư: các cháu dễ thương quá. Ấy là chưa kể những lúc vợ con đau, hoặc người ở nghỉ việc… Thực không còn thì giờ nào rảnh nữa.
Một anh bạn tôi phàn nàn:
- Tôi mới có 3 đứa cháu mà thấy bận bịu quá. Muốn đọc một trang sách cũng không được. (Xin nhớ anh ấy có 3 đứa cháu, nhưng đồng thời cũng mướn 2 hoặc 3 người ở mà chị ấy không làm ăn buôn bán gì cả). Anh nghĩ coi, mới cuốn sách thì thằng Bé Tư đã leo ngay lên đùi:
BẠN ĐANG ĐỌC
Tự Học -Một Nhu Cầu Thời Đại
SpiritualTác giả: Nguyễn Hiến Lê Nhà xuất bản: NXB Văn Hóa - Văn Nghệ Nguồn: Internet