13. Unfriended (Review)

20 0 2
                                    

2015

Rất tiếc! Hình ảnh này không tuân theo hướng dẫn nội dung. Để tiếp tục đăng tải, vui lòng xóa hoặc tải lên một hình ảnh khác.

2015.
Năm mà mạng xã hội trở thành thứ thiết yếu của đời sống giới trẻ. Facebook, Skype, Twitter, Snapchat,... là cuộc sống của hàng triệu thanh thiếu niên trên khắp thế giới. Và khi mà cuộc đời của bạn chuyển từ thực sang ảo, bạn sẽ coi nặng mọi việc xảy ra trong thế giới ảo đó. Thống kê cho thấy 7 trên 10 thanh niên trong độ tuổi 13-22 là nạn nhân của bắt nạt ảo hay "cyberbullying". Những vụ tự tử, xả súng trường học ở Mỹ cũng bắt nguồn từ những câu chế giẫu trên mạng. Chính quyền, báo đài, thậm chí cả các tổ chức nhân đạo cũng lên tiếng về vấn đề này. Họ luôn muốn nâng cao nhận thức giới trẻ cũng như phụ huynh về tính hai mặt của mạng xã hội. Và dĩ nhiên rồi , có nơi nào tuyên truyền tốt hơn là thế giới điện ảnh?
.......

Laura Barns là một nạn nhân của bắt nạt học đường. Cô đã tự tử sau khi đoạn clip ngắn về việc cô uống say và đại tiện tại chỗ bị phát tán trên mạng, thu hút hàng triệu người xem và chế giễu cô. Một năm sau, bạn thân của cô - Blaire Lily đang bàn về việc "phá trinh" với cậu bạn trai Mitch Roussel trên Skype thì những người bạn của họ chen vào để trò chuyện (skype có cái trò là nếu là bạn bè thì có thể chen ngang vào một cuộc chat video giữa nhiều người bạn khác). Mọi chuyện có lẽ cũng chẳng sao cả cho đến khi một người dùng lạ hoắc tham gia vào nhóm chat video của hội và họ không cách nào đuổi người dùng này đi. Chưa hết, tên lạ mặt này còn biết những bí mật của tất cả mọi người và lần lượt dẫn dụ nhóm bạn vào một cuộc chơi đầy nguy hiểm và ghê rợn.

......

Điểm cộng lớn nhất là góc quay của phim. Bộ phim sử dụng phương pháp "desktop film" tức là cả bộ phim được thuật lại qua góc nhìn của duy nhất một màn hình máy tính hay điện thoại. Đây là một phương pháp quay khá sáng tạo vì nó đòi hỏi cảnh quay phải tái hiện một cách tự nhiên nhất các hành vi người dùng trên màn hình (click chuột, rê chuột, gõ chữ, mở tab mạng, vv...) ; các sự kiện diễn ra trong thời gian thực, không có bất kì một vết cắt phân cảnh nào và trên hết, mọi âm thanh khán giả nghe được đều phải phát ra từ thiết bị/máy tính duy nhất đó. Đây là một thủ pháp quay phim mà theo tôi, là thứ tạo ra cảm giác sợ hãi và căng thẳng bậc nhất trong phim kinh dị. Nếu phim kinh dị khác đưa bạn vào vùng đất quái dị, chứng kiến những nhân vật trong đó thì với phim này, bạn là một phần của thế giới quái dị đó, tương tác với các nhân vật và thậm chí, nói chuyện trực tiếp với con quái vật đằng sau màn hình máy tính.

Điểm cộng thứ hai là âm thanh. Như đã nói, mọi thứ bạn nghe được trong phim đều qua chiếc loa máy tính, bao gồm cả âm thanh tác động lên máy hay âm thanh từ máy phát ra. Từng tiếng nhấp chuột, gõ phím đều rõ ràng và người xem có thể phát hiện cảm xúc người gõ/viết dựa vào nhịp điệu, thời gian và độ mạnh nhẹ của tiếng gõ như thế nào. Độ trễ nhất định giữa hình ảnh trên đoạn chat video và tiếng động bên ngoài cũng là một sự đầu tư giúp tăng tính chân thực và ghê rợn của phim lên rất nhiều.

Điểm cộng cuối cùng là diễn xuất của các nhân vật. Mỗi người đều có một tính cách khác nhau và tính cách ấy biểu hiện nhất quán xuyên suốt bộ phim. Những đoạn hội thoại cảm giác rất tự nhiên như những người bạn thực sự - điều mà những diễn viên chuyên nghiệp khi đóng vai trẻ trung đều gặp khó khăn.

Điểm trừ duy nhất là yếu tố truyền tải thông tin. Đây là nhược điểm lớn của phương pháp "desktop film", khi mà không có người dẫn truyện và người xem phải căng mắt mọi lúc mọi nơi để có thể nắm bắt được những sự kiện quan trọng của phim. Đây cũng là lý do tại sao thể loại phim này lại rất ít được áp dụng vì bản thân phim đã loại trừ một lượng lớn khán giả có tuổi hay mắt kém, kết hợp với âm thanh ít ỏi rất dễ đem lại cảm giác nhàm chán khi xem.

Thang điểm: 9/10

👏 Movies Review 👏Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ