Cố Sự

1.7K 79 9
                                    

Đôi dòng lảm nhảm: Lúc kiểm tra lại văn kiện trong máy mới phát hiện ra câu chuyện dang dở này đã lưu trữ từ hồi nào. Còn may là vẫn nhớ được ý niệm ban đầu để viết nốt, đại khái có lẽ là muốn hoàn thiện một vòng xoay nhân quả, cho mối nghiệt duyên giữa hai người họ một phần nguyên do, một sự khởi nguồn, để hồi bi kịch kia khép lại trong thanh thản mà thôi.

.

.

.


Tiết Dương từ nhỏ lớn lên trong một khu chợ nhỏ hỗn tạp ở Quỳ Châu. Hắn không cha không mẹ, không người nuôi nấng, mà chính bản thân hắn thật ra cũng chẳng có định hướng xa xôi gì. Không có ai dạy hắn những thứ này. Hoặc giả mà có đi chăng nữa, Tiết Dương cũng sẽ chẳng biết làm thế nào để đạt được nó. Có lẽ bản thân hắn sinh ra đã hợp để chịu khổ, mỗi ngày đều là người ta cho gì ăn nấy, bảo gì làm nấy, thế mà vẫn có thể lớn lên khỏe mạnh bình thường.

Trước đó mấy năm, ở nơi này bùng phát dịch bệnh, không lớn không nhỏ, rất nhanh đã bị dẹp chặn, vậy nhưng vẫn chết không ít người. Xác của những người bệnh bị gom vào một chỗ cùng thiêu hủy, đến tro cốt cũng chẳng còn. Vào cái thời đó, những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ như hắn nhiều đến mức có thể ở một góc chợ tụ lại thành một phái riêng. Hiếm lạ là ở chỗ, Tiết Dương không có chân trong "bang phái" ấy, luôn chỉ một mình độc lai độc vãng. Lời đồn tai tinh giáng hoạ phỏng chừng cũng chính là từ đó mà ra, càng truyền càng rộng.

Cho đến một hôm, Tiết Dương suốt mấy ngày không có gì bỏ bụng, liền hạ quyết tâm trước khi kiệt sức phải động thân lên núi kiếm thức ăn. Cũng chẳng ai biết hắn ở trên núi liệu đã bắt nổi con gà, con thỏ, hay lượm được nấm rừng, quả dại, ngược lại không ít người biết hắn còn nhặt về thêm một đứa bé. Đôi mắt của đứa trẻ đó đẹp vô cùng, rất sáng, rất trong, là đôi mắt đẹp nhất Tiết Dương từng gặp qua.

Góc chợ ở Quỳ Châu này không phồn hoa náo nhiệt, nhưng đến phiên thì vẫn có thể coi như là tấp nập. Có đôi khi, giữa một đám nông phụ vừa kéo nhau ra chợ vừa trò chuyện ầm ĩ, cũng có người nhìn thấy hai đứa bé tựa vào nhau thẫn thờ một xó thì nảy sinh lòng thương cảm. Chỉ là vừa định bước qua, những người khác đã vội vàng lôi đi, to nhỏ thì thầm với nhau: "Đừng qua đó, thằng bé kia là tai tinh có tiếng đấy, khi không đừng có tự rước họa vào thân, cẩn thận bị nó khắc chết." Vị nông phụ có lòng kia ngần ngừ quay lại nhìn hai đứa trẻ, rồi cũng rũ mắt bỏ đi.

Một lần hai lần chẳng tính là gì, nhưng lặp đi lặp lại mãi, Tiết Dương cho dù có ngu ngốc cũng hiểu được, hắn chính là lý do liên luỵ khiến đứa trẻ này giống hắn không người cưu mang. Thế nhưng, đứa ngốc kia lại cố tình không hiểu, còn gắng chút hơi tàn ngẩng đầu nhìn hắn, nói xin lỗi. 

Đó là lời cuối cùng Tiết Dương nghe đứa bé đó nói với mình.

Sáng hôm sau, mặc cho Tiết Dương gọi thế nào, nhóc kia vẫn ngủ li bì không chịu tỉnh. Trên đường lớn, dòng người vẫn qua lại tấp nập. Trẻ con đã nào hay chuyện sinh tử, Tiết Dương lại chẳng dám mượn ai hỏi đứa bé này liệu đã chết hay chưa.

Hắn tìm được một miếng vải miễn cưỡng có thể coi như dùng được, lau sạch mặt mũi, tay chân cho đứa bé kia, sau còn không biết kiếm được ở đâu một kiện áo ngoài làm bằng vải bố trắng, tuy mộc mạc đơn giản nhưng được ở chỗ không có rách bẩn, thay cho nó. Xong xuôi, hắn lại ì ạch nửa cõng nửa kéo nó đến đặt nằm trước cửa căn miếu hoang ở đầu phố. Đứa bé kia sốt cao đến hôn mê, chỉ mặc cho hắn bài bố.

Tiết Dương chạy ngược chạy xuôi một hồi xong, nhìn lại một lần thành quả của mình. Đứa nhỏ mặt mũi sạch sẽ, ngũ quan tinh tế, an tĩnh nằm trước cửa miếu, quả thật nhìn qua giống như bị góa phụ nhà ai bỏ rơi, lúc tỉnh dậy nói không chừng còn sẽ mếu máo khóc lóc đòi mẹ, chỉ nghĩ tới thôi đã thấy đáng thương.

Còn nếu chẳng may... Có chăng cũng sẽ có người thương tình thay hắn đem nó đi an táng?

Tựa như đã hài lòng lắm, Tiết Dương mới quay lưng rời đi. Chẳng qua hắn vẫn chưa dám đi xa, lẳng lặng núp trong một góc khuất ở chuồng ngựa gần đó nhìn về phía con đường ban nãy, chăm chú quan sát. Quả nhiên, chẳng mấy chốc sau đã thấy một vị đạo cô vận bạch y phiêu nhiên bước tới. Bà tần ngần dừng trước cửa miếu một hồi, rồi dứt khoát bước tới ẵm đứa bé kia lên, lại nhìn quanh quất tìm kiếm. Tiết Dương vẫn ngồi chỗm hỗm ở phía xa xa, thấy bà ta đưa tay lên dò thử hơi thở của đứa bé, mới phát hiện hơi thở của nó nóng hầm hập, lại quá mong manh, liền vội vàng quấn thêm vải quanh người nó rồi bế nó rời đi.

Tiết Dương sau đó vẫn tiếp tục cuộc sống đầu đường xó chợ của hắn tới tận khi được đưa về Lan Lăng làm khách khanh Kim thị. Nhìn Tiết Dương của sau này, thật sự quá khó để hình dung ra được bộ dáng thiên chân vô tà hắn từng có lúc nhỏ. Chuyện đứa bé năm xưa đã không còn ai nhắc tới nữa. Gặp gỡ khi ấy quá vội vàng,  một đứa trẻ chưa tới mười tuổi ngày ngày phải lo lót bụng từng bữa lại không thể nhớ được quá nhiều thứ, bản thân Tiết Dương cũng đã triệt để quên sạch đứa bé năm ấy từ lâu.

Hắn chỉ nhớ, đã từng nhìn thấy một đôi mắt tựa sao trời, trong trẻo nhất thế gian. Lại chưa từng biết rằng, năm xưa hắn đã gieo vào lòng ai lưu luyến chốn hồng trần hỗn tạp này. 

Chuyện cũ đã trôi quá xa, có nhắc tới hay không cũng vậy.

[Ma đạo tổ sư/Tiết Hiểu] Thục Đông dạ đàm - Tập hợp đoản văn đồng nhânNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ