Aiyazawa từng bảo rằng âm nhạc là thứ ảnh hưởng lớn nhất đến phong cách sáng tác của bà.
Có lẽ vậy.
Bản thân tìm đến việc viết lách cũng giống như tìm đến âm nhạc, hoặc là muốn đồng cảm, hoặc là muốn siêu thoát nội tâm. Cũng chính bởi vì như thế mà âm nhạc và việc sáng tác gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Ngay cả khi đang viết F143 cũng vậy, mỗi tập của truyện đều là một tên bài hát mà tôi từng nghe, cũng có thể là nghe trong lúc viết chính tập truyện đó.
Âm nhạc mà tôi nghe rất lộn xộn, tức là nó không có một tiêu chuẩn nào cụ thể. Tôi vẫn luôn cảm thấy nếu bài hát được hát ở một thứ tiếng khác sẽ đưa tới trải nghiệm tuyệt vời hơn. Tôi chú ý đến giai điệu hơn là lời bài hát, tất nhiên có những lời ca thực sự chạm tới trái tim tôi, tôi cho rằng con người trên khắp địa cầu vẫn luôn kết nối với nhau theo một phương diện nào đó, ngôn ngữ cũng vậy, bạn không cần thành thạo một ngôn ngữ để có thể nghe hiểu một bài hát, tôi tin rằng mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận ngôn ngữ thông qua âm nhạc, có lẽ đó cách truyền tải thông điệp vô cùng diệu kỳ.
Tôi nghe rất nhiều nhạc nước ngoài, có một số ca sỹ và band nhạc tôi cuồng nhiệt yêu thích. Đa phần vì cảm thấy, những bài hát của họ có sự tiếp cận quá đỗi dịu dàng với người nghe.
Đôi lúc thực sự cảm thấy chìm đắm.
Dạo gần đây tôi đặc biệt yêu thích La bohème của Charles Aznavour. Bài hát làm tôi cảm thấy nhớ Roberto da diết, và chỉ như thế thôi.
Tôi thường viết một thứ gì đó trong lúc nghe nhạc. Bởi vì hoặc là tôi sẽ cảm thấy được xoa dịu, hoặc là những bài hát sẽ thúc đẩy cảm xúc của tôi lên một tầng cao hơn, cả về mặt tiêu cực và tích cực.
Và tôi tin rằng, việc âm nhạc cứu rỗi một con người, hay là tước đi mạng sống của chính con người đó, là có thật đấy.
Việc sáng tác cũng không khác gì.
An Ni Bảo Bối từng viết rằng, nếu không sáng tác nữa, sẽ không tìm được chốn dung thân trên thế giới này.
Nhưng chẳng có gì đảm bảo chốn dung thân đó không có đau khổ tuyệt vọng khó nhọc cả.
Kể cả có như thế, tôi tin rằng việc ôm theo những nỗi buồn mà sống tiếp, cũng chẳng sao đâu.