Nhận thức và cội nguồn

6 1 0
                                    

Xuất phát điểm của nhận thức cá nhân

Chúng ta thường nói rằng, trong quá trình giao tiếp với xã hội, tiếp xúc với những thực tế khách quan, con người ta nhận lại được những giá trị từ nó để suy xét những hành vi của bản thân và từ đó không phạm phải những quy chuẩn của xã hội. Nhưng chỗ này lại mắc phải một câu hỏi, làm sao con người ta có thể nhận thức được, bằng cách nào mà người ta có thể đưa ra những cách "xử trí" chỉ bằng việc nhận thức xã hội và bản thân, ý của tôi là, đâu là bắt đầu cho chuỗi nhận thức của chúng ta, đâu là cơ sở mà dựa theo đó ta đưa ra quan điểm phù hợp với cả bản thân và xã hội? Ta chỉ biết nói rằng ta tiếp thu, nhưng lại không biết tiếp thu như thế nào, chúng ta dựa vào đâu để xử lí những thông tin nhận được và đưa ra lập luận của bản thân, đưa ra "phán xét". Ở đây ta cần tìm chính là căn nguyên của cơ chế xử lí đó, bởi vốn dĩ không thể có thứ gì xuất phát từ hư vô và sự tự nhận thức cũng thế.

Nhận thức từ bên trong:

Là việc chúng ta nhận thức bản thân, xem xét xem trong những hoàn cảnh nào ta sẽ thể hiện cảm xúc gì, ở mức độ thế nào. Mỗi con người sẽ có nguồn cơn của sự tự nhận thức khác nhau, đấy là lí do tại sao dẫn đến những phản ứng nhận thức khác nhau trong cùng một hoàn cảnh, có thể gọi là sự nhạy bén hoặc nhạy cảm hay vô cảm thờ ơ, điều gì dẫn chúng ta đến những cảm xúc đó?

Nói là nhận thức bên trong nhưng chính nó lại là một phần kết hợp của những phản ứng sinh lí với những "nỗi đau" ta đã trải nghiệm bên ngoài, gọi là nỗi đau bởi ngay từ khi sinh ra, con người ta chỉ là một tờ giấy trắng, vẽ lên tờ giấy đó thế nào chính là tuỳ thuộc vào ngoại cảnh. Một đứa trẻ bị bỏ đói quá nhiều sẽ có những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn một đứa trẻ cho ăn uống đầy đủ, phản ứng sinh lí đó khi không được làm dịu đi sẽ ngày càng hung hăng hơn, phát triển theo từng ngày và lấn át phần lương tâm còn lại. Những kích thích dù là nhỏ nhất đối với mỗi người đều sẽ để lại một trải nghiệm trong nhận thức của họ nên trong quá trình sống, tác động đến phần "thú tính" tồn tại sẵn trong phần con của họ, mỗi con người đều mang những kinh nghiệm khác nhau, bị tổn thương, được yêu thương, sự nuông chiều, đó chính là nguồn cơn của sự tự nhận thức bản thân và nhận thức vai trò của mình đối với xã hội, từ việc bị hành hạ hay xem thường, đối với xã hội họ sẽ nhận ra rằng bản thân thật nhỏ bé, sự tự ti cứ thế lớn dần lên và trở thành bệnh nếu những triệu chứng tâm lí tiêu cực vẫn tiếp diễn. Mối quan hệ giữa xã hội và nhận thức con người là một mối quan hệ hai chiều, thế giới tác động đến ta và ta phản ứng lại với những tác động đó bằng suy nghĩ và những hành vi trong tương lai.

Nhận thức bản thân qua việc nhận thức những cá thể cùng loài:

Ngoài việc nắm bắt những kích thích mà xã hội gây ra với bản thân ta, chúng ta cũng vô tình nhận thức ra những gì người khác nghĩ về ta, hay còn gọi là đồng cảm. Một vài người có thể nói đây là ý thức về thế giới khách quan, không còn thuộc phạm trù ý thức bản thân nữa nhưng tôi không cho là như thế. Cũng giống như mối quan hệ hai chiều giữa xã hội và nhận thức con người, đây cũng là mối quan hệ tương tự, nhưng xuất phát điểm là ở bản thân chúng ta. Một con người sau khi đã có đầy đủ nhận thức, hiển nhiên sẽ so sánh mọi thứ kể cả trong vô thức, ta biết một vật là cái bàn vì nó khác với thứ ta đang ngồi lên, sự khác nhau này tôi gọi là yếu tính hay đơn giản là đặc điểm của mỗi tồn tại. Qua sự so sánh đó mà ta nhận ra những cá thể cùng loài khác chúng ta thế nào, có mối quan hệ với thế giới như thế nào, đồng thời ta cũng tự hỏi bản thân về mối liên quan đó, đặt những vấn đề liên quan đến phải trái đúng sai trong cách phản ứng của con người đối diện chúng ta, nói cách khác, chúng ta "học tập" từ họ. Quá trình học tập này không thể quy lại chỉ bằng phản ứng hai chiều, bởi việc ta học tập như thế nào, có muốn trở thành một người giống thế, hay từ đó ta nhận ra bản thân mình thì tốt đẹp hơn, những nhận thức đó đều sẽ có sự tham gia phụ thêm của nhận thức bên trong, của hành vi được thành lập bởi kinh nghiệm trong quá khứ.

Tóm lại, con người ta được hoàn cảnh ban tặng những tính cách, chúng ta liên kết với những người khác và hoàn thành tính cách đó trong suốt quá trình tự hỏi bản thân.

Lại thêm một suy nghĩ phiến diện nhưng tôi mừng vì mình vẫn còn có thể suy nghĩ.

Con người taNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ