[2] CÁCH XÃ HỘI TÌNH DỤC HÓA CƠ THỂ PHỤ NỮ

21 2 0
                                    

Mỗi khi nói về Sulli, công chúng sẽ thường nghĩ đến 3 thứ: rời f(x), nhan sắc, và... thả rông. Việc Sulli rời f(x) là đúng hay sai, Sulli đẹp hay xấu, hai chủ đề này mình tạm không bàn tới. Riêng chủ đề cuối cùng nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả; những cuộc tranh luận nổi lên ở Hàn, rồi từ Hàn tràn sang Việt, rồi lại từ Việt trở về Hàn. Ấy thế mà vẫn chưa cãi xong, không phe nào chịu nhường phe nào. Vậy nên hôm nay mình muốn thông qua thói quen thả rông của Sulli cùng phản ứng của cộng đồng mạng để phân tích cách xã hội đã và đang tình dục hóa cơ thể người phụ nữ.

Ngực là bộ phận sinh dục thứ cấp (secondary sex organs), vì nó không có đóng góp trong quá trình sinh sản, nhưng lại hoàn thiện phát triển sau dậy thì song song với các bộ phận sinh dục sơ cấp (primary sex organs). Nói cách khác, sự phát triển của ngực ở nữ giới cũng giống như sự phát triển của yết hầu ở nam giới [1]. 

Nhưng xã hội chúng ta đã tình dục hoá bộ ngực (và hầu hết toàn bộ cơ thể) của người phụ nữ từ hàng thế kỷ trước, dẫn đến việc các bé gái luôn được dạy dỗ rằng phải ăn mặc kín đáo, che chắn cẩn thận nếu trong nhà có chú, bác, cậu, dượng, anh trai, em trai, hay bố ruột. Lúc ra đường, một anh chàng cởi trần đi long nhong sẽ nhận về ít ánh mắt ái ngại hơn một cô nàng cởi trần đi long nhong. Trên mạng xã hội, điển hình là Instagram, những bức ảnh/tranh vẽ để lộ đầu ti nữ thường bị censor hoặc bay màu do "chứa nội dung khiêu dâm", đương khi đầu ti nam vẫn nằm đó trơ trơ chả hề hấn gì.

Cơ thể của người phụ nữ chỉ cần tồn tại thôi, chưa cần mở lời mời gọi, cũng chưa cần làm ra những hành động mang tính kích thích thì đã bị xem là gợi cảm, là đang quyến rũ người khác rồi. Nhớ lần Sulli tâm sự về vấn đề cưỡng hiếp bằng ánh mắt, rất nhiều cư dân mạng Hàn lẫn Việt đều cho rằng cô ấy... đáng đời. 

"Ai biểu không mặc áo ngực?" 

"Nói cổ hiếp dâm mắt của công chúng thì đúng hơn."

"Ăn mặc kì cục mà không cho người ta nhìn à?"  

"Bây giờ đàn ông mà mặc quần bó để lộ cái đùm đằng trước ra thì tụi bây phản ứng thế nào?"

Ngoài tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân (victim-blaming), câu cuối cùng còn là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự tình dục hoá cơ thể người phụ nữ. Tại sao không so sánh âm đạo với dương vật – hai bộ phận sinh dục sơ cấp, mà lại so sánh đầu ti với dương vật – một bộ phận sinh dục thứ cấp cùng một bộ phận sinh dục sơ cấp? 

Rất khó để loại bỏ những thứ đã in sâu trong tiềm thức, đặc biệt khi nó được củng cố bởi văn hoá đại chúng. Sulli thả rông có sai không? Không. Cô ấy chẳng làm hại đến ai, cũng không bắt ép ai thả rông theo mình, đó đơn giản là một lựa chọn cá nhân. Vậy người chỉ trích Sulli có sai không? Không hẳn. Họ phản ứng như cách xã hội muốn họ phản ứng, và họ nhìn nhận mọi chuyện theo hướng thực tế hơn.

Do cơ thể của người phụ nữ đã bị tình dục hoá, phụ huynh làm sao dám tặc lưỡi "Ui xời người thân với nhau cả" và nới lỏng cảnh giác khi để con gái nhỏ tuổi ở gần khách khứa hay thành viên nam trong gia đình, các bạn nữ làm sao dám thả rông đi vào những nơi tối tăm vắng vẻ. Chúng ta tự học cách bảo vệ bản thân, nhưng mỉa mai thay chúng ta lại gián tiếp tạo thêm gánh nặng cho bản thân.

Nhưng xã hội có thể dần thay đổi, vì chính chúng ta hình thành nên xã hội. Đừng dạy phụ nữ giấu ngực đi, mà hãy dạy đàn ông giữ cu trong quần và giữ những suy nghĩ đen tối trong đầu cho đến khi giữa hai bên đạt được sự đồng thuận. Tuy nhiên đấy là chuyện tương lai, còn bây giờ thế giới này vẫn chưa đủ an toàn. Do đó, hai luồng ý kiến về Sulli không cái nào đúng hết, cũng không cái nào sai hết. Hai phe, dù cố ý hay vô tình, đều sở hữu một luận điểm chung rằng: cơ thể của người phụ nữ đã và đang bị tình dục hoá bởi xã hội. 

Riêng Sulli, cô ấy chỉ là một trong hàng triệu phụ nữ đang sống trong xã hội và cố gắng xoá bỏ những định kiến của xã hội mà thôi.

===

Link bài viết gốc : shorturl.at/wyCF7

Little Things, Big PROBLEMSNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ