Như Cánh Vạc Bay

149 1 0
                                    

Như Cánh Vạc Bay

-   9.45 ngày 31-03-2001

Ðến Hiển, viết cho Sơn trên trang đầu cuốn sách mới in "...kéo thời gian về phía mình". Linh tính sục dậy. Viết thêm "...kéo thời gian về phía đời sống". Ngần ngừ, tái bút "...đợi mình sang năm về...". Tối hôm 30, cả bốn cô em Sơn vội vã bay về. Máy bay ngừng lại Alaska để sửa. Quái ! Hãng nào. Air Canada. Chợt nhớ cách đây trên mười lăm năm, Sơn viết "Về với nhau đi. Mình hết thời gian rồi !". Tự nhủ cho vững bụng " ...có sao đâu. Mụ già định mệnh chưa gọi đâu".

Nhớ Trần Dần, anh bảo không có gì chống nổi cái kim đồng hồ. Rồi lỡ hẹn với Dần, ông " cọp" ngày, gầm gừ suốt nửa thế kỷ những lạc quan đen, những hạt bụi xổ ra trong mưa phùn.

Bấy giờ, tôi ở góc Mentana và Duluth thành phố Montreal. Ðêm qua trời lại đổ tuyết, thứ tuyết trắng đến đầu Xuân không ai mong đợi. Nó thừa thãi. Nhưng vẫn trinh bạch. Như một tà áo trắng. Như một cánh vạc bay.

2  -  9.30 ngày 01-04-2001.

Anh đấy à ? Anh Sơn đi rồi. Hồi 1.30 sáng. Hả ? Bốn cô em ở kẹt ở Hồng Kông chưa về kịp. Tim Sơn ngừng ba lần. Rồi lại đập. Lần thứ tư thì thôi. Nó mệt. Yêu quá cũng mệt. Thương quá cũng mệt. Yêu thương quả là mệt. Yêu thương rồi hát, dĩ nhiên mệt. Trong cô đơn, hát rồi uống. Lại càng mệt. Mệt đến độ không còn co thắt theo nhịp vũ trụ. Thôi nhé, bung ra. The big bang. Cho toang. Cho tan vào chất hư vô, thành tố cấu tạo yêu thương. Ôi cuộc đời ơi !

11.30h.

Gọi Vũ. Vũ ơi, anh Sơn đi rồi. Bây giờ em qua đường nhìn xe cẩn thận. Trờiđất hỡi ! Hiển cứ mang sách anh tặng Sơn, viếng mộ rồiđốt. Ðó cũng là một cách hóa vàng. Gọi Trịnh Cung : mình biết rồi ! Thôi, Cung về. Nhớ nhé, sang năm moi sẽ gặp. Ờ, ờ... biết thế nàođược. Thìđợi. Ðừng ai vội hóa vàng cho ai.

3  -  13h.

Hôm nay sinh nhật con tôi. Bạn bè cháu đến mừng. Tiếng đàn trẻ thơ. Bài folklore của người Pháp " dưới ánh trăng", hỡi bạn Perrault. Hỡi Sơn ! Cho tôi mượn cây bút. Tôi xin viết thêm một chữ. Ngọn nến tôi cầm đã tắt. Lửa nhóm cũng tàn. Hãy mở cửa, bằng tình nhân ái của mọi đấng thần linh. Hãy mở cửa, hãy mở cửa. Có phải cửa thiên đường ? Lại văng vẳng lời Cung : Sơn nó sống có nhiều nỗi khổ. Thôi, mong nó đi an nhiên. Ừ thì thế vậy. Gọi Ðinh Cường. Vẫn không có ai đầu dây nói. A, những lúc cần an ủi lẫn nhau !

4  -  13h30.

Ðóng cửa phòng. Tiếng động đời sống xa dần, mất hút. Bỗng thèm nghe Khánh Ly hát Người con gái da vàng. Băng nhạc cũ rè rè tiếng xưa về một thời xa xưa, thời hát yêu quê hương những yêu đồng lúa chín. Nhớ về một đêm mưa, trú với Sơn, nhìn con đường Phạm Ngũ Lão góc chợ Thái Bình ( xưa ). Dưới hàng hiên độ lượng, mưa trên trút rào rào. Con đường sủi tăm dưới tầm mắt. Nước dâng lên, rồi tràn ứ, xuôi vào đục ngầu những lỗ cống không đủ lưu lượng rút nước đi. Sơn hồn nhiên " ...đấy, phố bỗng nhiên thành dòng sông uốn quanh".

Anh hồn nhiên như thế. Phải nói được như thế vì sự hồn nhiên đó đồng thời tồn tại với độ sâu những nỗi nghĩ suy lắng đọng về kiếp người và cuộc sống. Nhưng luôn thấp thoáng trong hôm nay là bóng ngày mai. Và anh nhắc " em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh". Vì thế, không phải chỉ có Sơn - hát rong. Sơn - thi sĩ, Sơn - cầm cọ. Còn một Sơn khác, Sơn - hiền giả. Nhưng chẳng bao giờ có một hiền triết nào nguyên vẹn. Họ đầy thương tích, trên thân thể, trong hồn. Sơn viết "... Những vết thương khi đã được đánh thức... là một vết thương tỉnh thức. Vết thương tỉnh thức là một con mắt sáng ngời. Nó nhìn ngược về quá khứ và ngó thẳng tương lai. Nó mách bảo cho chủ nhân của nó là không có một vết thương nào vô tư mà được sinh thành cả. Nó là một nỗi đớn đau như khi trời đất trở dạ làm thành một cơn giông bão".

Viết về Trịnh Công SơnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ