Lặng Lẽ Nơi Này

653 3 0
                                    

“Lặng Lẽ Nơi Này”

– Viên ngọc quý nằm lặng lẽ trong kho tàng thơ nhạc Trịnh Công Sơn

Hoctro: Vì “Biển” là “Em” nên biển mới có tay, biển chỉ hẹp bằng hai tay thôi, và một khi biển đã buông tay “ta” ra rồi thì “ta” chơi vơi và ta lạc lối, chẳng trách tại sao TCS phải cảm khái những câu khác như “Không còn ai, đường về ôi quá dài, những đêm xa người” …

Một.

Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi

Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời

Tình yêu như biển, biển rộng hai vai, biển rộng hai vai …

 

Tình yêu như biển, biển hẹp tay người, biển hẹp tay người lạc lối

 

Em đi về nơi ấy, nơi đâu nơi đâu, sông cạn đá mòn

Trăng treo đầu con sóng, tan theo tan theo, chút tình xa vắng

 

Làm sao ru được tình vơi?

À ơi, nỗi đau này người

 

Tình yêu vô tội, để lại cho ai

Buồn như giọt máu, lặng lẽ nơi này

Trời cao đất rộng, một mình tôi đi, một mình tôi đi

Đời như vô tận, một mình tôi về, một mình tôi về … với tôi.

(Trịnh Công Sơn – Lặng Lẽ Nơi Này)

Hai.

Thưởng thức một bức hoạ và thưởng thức một bài nhạc có nhiều điểm tương đồng, và cũng có nhiều điểm dị biệt. Đứng trước một bức hoạ tuyệt đẹp, bạn cảm thấy choáng ngập vì mọi cá tính của bức hoạ hiện ra ngay trước mắt bạn, mọi cảm xúc về bức hoạ ấy trong một khoảnh khắc gây ngay một dấu ấn trong trí óc của bạn. Thưởng thức nhạc thì khác hẳn, người nhạc sĩ không thể nào gây một ấn tượng ở bạn chỉ trong một vài giây, mà bạn phải nghe hết bài mới có thể ít ra cảm nhận được cái hay của nó. Do vậy, nhạc sĩ phải dùng hết mọi vật liệu trong tay: lời ca, ý nhạc, tiết tấu, tưong phản, bố cục, v.v. để tạo dựng bài nhạc nhằm chuyển đạt tâm tình của họ đến bạn. Trong tiểu luận ngắn này, và trong sự giới hạn về ngôn ngữ và hiểu biết của mình, người viết cũng hy vọng sẽ phác hoạ cho bạn đọc một cảm nhận riêng về nhạc phẩm “Lặng Lẽ Nơi Này” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS).

Ba.

Như đã dẫn nhập ở phần trên, thưởng thức nhạc có cái hay riêng của nó. Nghe nhạc, bạn được chính nhạc sĩ dìu dắt bạn theo dòng nhạc, ông bắt ta dừng, ta phải dừng, ông bắt ta đi nhanh, ta phải đi nhanh. Ta không được quyền chọn lựa cách ngắt câu hay đổi chữ. Nghe nhạc với tờ giấy in bài nhạc trước mặt, bạn thấy hiển hiện tất cả những yếu tố đã làm nên thành công hay thất bại của bản nhạc đó. Nghe nhạc, bạn bước đi lại từ đầu với nhạc sĩ, cùng sống lại tâm tưởng hào hùng hay bi thương của nhạc sĩ ngay khi nhạc phẩm chào đời. Phân tích một bài nhạc, do đó, phần nào cũng là đi tìm chủ đề của bài hát, cùng nơi chốn nào đã tạo nguồn hứng khởi cho tác giả, làm cho người ấy không còn cách nào khác hơn là ngồi xuống và ghi chép lại âm hưởng đó, khung cảnh đó, nỗi niềm nhung nhớ khôn nguôi đó.

Viết về Trịnh Công SơnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ