Khánh Ly - Một Đời Việt Nam
1. Hát ở Đà Lạt.
- Thật sự mà nói thì tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ và cũng không có thì giờ để nghĩ đến điều đó tại vì tôi đi hát thật là sớm 16 tuổi . Còn cái chuyện mà nổi tiếng nếu quả thực được như câu hỏi đặt ra, thì tôi nghĩ đó là một cái phần số của mỗi người, vì ngay từ lúc tôi mới 5 tuổi, bài hát đầu tiên mà cha tôi dạy tôi hát là bài "Chiều Vàng” của Nguyễn Văn Khánh và bài "Con Thuyền Không Bến" tôi nghĩ đúng là định mệnh cho mỗi một con người trong cuộc sống.
Năm 1959, tôi hát hồi đó gọi là nhi đồng đó, và cuộc thi đầu tiên được tổ chức tại rạp Thống nhất, tôi còn nhớ lúc đó tôi hát bài "Ngày Trở Về" của nhạc sĩ Phạm Duy và được đậu thứ hai sau Quốc Thắng, nhưng mà sau này một thời gian thì Quốc Thắng tôi không còn gặp . Mà tôi bị đứt đoạn nhiều lần chứ không được hát liên tục .
Năm 62, tôi rời bỏ Sài Gòn tại vì ở Sài Gòn lúc đó rất ít ca sĩ và sự lựa chọn của khán thính giả rất là khắt khe dường như là khó có thể nào tìm cho mình được một cái chỗ giữa những tên tuổi đã sẵn có, tôi lại là 1 người không có thích phải tìm đến những cái chuyện khó khăn, do đó tôi nhận lời lên hát tại 1 cái Night Club ở Đà Lạt vào tháng 11 năm 62 và tôi đã ở đó trong suốt 5 năm .
………
Night Club tôi hát nằm ngay ở đầu con dốc đi vào Trại Hầm và từ đó trong cái khung cảnh thơ mộng đó, những đêm mưa, những ngày hè....... tôi luôn luôn có những người bạn, gặp nhau rất là bình thản hay gặp nhau một cách rất là ồn ào nhưng mà nói chung lại thì tôi được hầu hết những người ở Đà Lạt thương và xem tôi như người ở Đà Lạt.
2. Gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Và trong thời gian suốt 5 năm tôi ở Đà Lạt đó, tôi được dịp tiếp xúc, sống gần những người mà đối với thượng lưu trí thức đó thì họ sẽ không chú trọng lắm, không coi trọng lắm với những người đó, đó là một số anh chị em trong giới giang hồ . Nhưng chính ở họ tôi đã học được nhiều điều rất là hay mà trường học, sách vở ngay cả cha mẹ cũng không dạy tôi được điều đó . Tôi học được cái cách sống ở đời, tôi học được cách cho “Sống cho người, sống cùng với người, ở cùng với người".
Khác với Saigon, Đà Lạt là một thành phố du lịch đẹp, yên lành, tuy trong yên lành đó thỉnh thoảng nó cũng có cái xáo trộn nhỏ nhưng mà nó không ảnh hưởng gì nhiều đến cái đời sống của mình . Tôi yêu thích Đà Lạt nhiều vì người Đà Lạt cũng hiền nữa, cho nên tôi nghĩ là cái khoảng thời gian đó là khoảng thời gian thật là đẹp, mặc dù tôi tiếc là tôi không được ở Đà Lạt mãi mà chỉ ở được có 5 năm mà thôi.
Năm 64 vào một đêm mưa ở Đà Lạt, tôi gặp một người nhạc sĩ nghèo, anh đến với tôi cũng bình thản lắm và qua một vài câu chuyện chúng tôi trở thành hai người bạn . Đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh đề nghị tôi rất nhiều lần về Sài Gòn đi hát với anh nhưng tôi từ chối . Bởi vì tôi yêu Đà Lạt và cái sự yên tỉnh thanh bình của Đà Lạt, tôi không thích những chỗ đông người như Sài Gòn . Nhưng nếu nói là "định mệnh" thì cái định mệnh đó chắc cũng giống như là lịch sử là một sự tái diễn không có ngừng, bởi nó là định mệnh cho nên đến năm 67 tôi trở về Sài Gòn ở vào một sự tình cờ tôi gặp lại anh Trịnh Công Sơn trong cái giòng người của một buổi chiều trên đường Lê Thánh Tôn . Từ một cái đêm định mệnh gặp nhau tới một cái chiều gặp lại nhau tất cả nó bắt đầu từ đó. Từ buổi chiều đó ở trên một cái nền gạch đổ nát có một cái quán lá sơ sài được dựng lên với cái tên là Quán Văn . Tôi bắt đầu hát ở đó với anh Trịnh Công Sơn.
3. Ca Khúc Da Vàng.
Cùng với lúc những bản tình ca của Trịnh Công Sơn là những bài hát Da Vàng, anh Sơn viết đã lâu, tôi nghĩ là anh viết khoảng năm 65 và cùng với anh có rất nhiều nhạc sĩ viết những cái bài hát về chiến tranh Việt Nam, vì đó là lúc chiến tranh bắt đầu, bắt đầu leo thang ở Việt Nam, tôi rất yêu những bài hát này tại vì tôi cũng ở trong cái tâm trạng đó, tôi cũng có người yêu là lính và người yêu tôi cũng chết trong trận chiến, dĩ nhiên là cái chết của một người mình yêu thương nó gây cho mình một sự đau đớn xúc động không bao giờ nguôi cả.
Về cái chuyện "Nữ hoàng chân đất”, thật ra khi lần đầu tiên tôi xuất hiện trước một cái đám đông khoảng chắc là không dưới 1000 người, tôi không có bình tĩnh, tôi không giữ nỗi bình tĩnh tại vì lúc đó tôi có rất ít kinh nghiệm về ca hát, hay là kinh nghiệm về xuất hiện trước đám đông . Anh Sơn rất là khó tính, anh biết tôi cứ vịn vai anh hoài vì tôi đứng không vững, thì anh cứ la tôi: "Bỏ tay ra và đứng hát cho nghiêm chỉnh" lúc đó tôi run quá cho nên tôi bỏ đồi giày cao để đứng trên mặt đất, và tôi nghĩ rằng tôi sẽ lấy lại được bình tĩnh, và quả thật cái điều đó nó giúp cho tôi trình bày được tất cả những bài hát của anh Trịnh Công Sơn một cách hoàn toàn trong suốt cái đêm đó, vào khoảng từ ba đến bốn chục bài hát trong một đêm .
4. Chuyện đi Paris.
Hình như là mùa Thu năm 69, tôi cùng với Thanh Lan, anh Nguyễn Đức Quang, Ngọc Dung và một số các chị ở bên cổ nhạc, trong đó có Phương Oanh nữa, Phương Oanh đàn tranh đó, xuất ngoại lần đầu tiên và chúng tôi đến Pháp, từ Pháp chúng tôi hát tại Paris rồi từ Paris chúng tôi đi Thụy Sĩ, đi Bỉ, đi Đức hát cho sinh viên . Như vậy là tôi đã được cái may mắn đi nhiều nơi, tuy nhiên cái nơi tôi thích nhất vẫn là Paris mà chúng ta ngày xưa lúc ở nhà thường gọi là "Kinh đô ánh sáng" . Tại vì Đà Lạt nó có một phần nào đó của Paris . Và có thể tôi thích vì Paris nó vốn đẹp và nó còn làm cho mình nhớ lại Đà Lạt với những chiều một mình ở trên sân Cù, ở nhà Thủy Tạ hay lang thang giữa phố, đi mà không biết là đi đâu vì thành phố nó nhỏ như vậy, rốt cuộc chỉ biết đi lang thang một mình mà thôi .
5. Boat people.
Có lẽ tôi được may mắn hơn nhiều người nghĩa là tôi đi, tôi rời Việt Nam mười mấy tiếng đồng hồ trước khi Sài Gòn thay đổi với một đứa con gái trên lưng . Tôi đi bằng một chiếc xà-lan từ Khánh Hội qua sông Lòng Tảo tới Vũng Tàu rồi được Đệ thất Hạm đội của Mỹ vớt, tôi chỉ ở trên tàu một đêm và một nửa ngày trên chiếc xà-lan đó, ở trên tàu Mỹ 4 ngày, mặc dù chưa biết là mình sẽ đi tới đâu, điều đó thì không ai biết lúc đó cả. Nhưng chỉ có 4 ngày trên tàu mà thôi, tôi đã thấy cái khổ của những người chạy giặc. Có nhiều điều mà tôi không muốn nhắc đến nữa, bởi vì nếu tôi nhắc lại thì cái người buồn và đau đớn nhiều hơn hết lại chính là mình chứ không phải là người khác, cho nên tôi hiểu, tôi thông cảm cái tâm trạng của những người đi sau tôi, tôi cũng muốn chia sẻ với những người không may đã chết trên biển đông, những người lạc vợ, những người lạc con, những đứa trẻ mất cha mẹ
6. Nhìn về Việt Nam.
Dĩ nhiên là bất cứ một người dân nào có quê hương, dù là Mỹ, là Tây, là Đức, là Nga, là Tàu, không ai muốn sống xa quê, bởi vì không có một nơi nào dù hạnh phúc dù giàu sang mà bằng được quê hương. Cũng như mọi người tôi mơ ước được trở về Việt Nam, được hát tại Việt Nam, hát một cách tự do trên cả ba miền, Tuy nhiên có nhiều cách để về, về như thế nào ? về để làm gì ? có nhiều cách lắm . Ngày xưa khi đi tôi đã cùng mấy trăm ngàn người đi tất cả mọi người cùng đi, thì bây giờ khi nào tất cả mọi người cùng về tôi sẽ về, điều đó chắc chắn. Và tôi chỉ có một cái nhìn, một hướng đi . Nhìn về Việt Nam và đi về Việt Nam.
(Nguồn : DVD Khánh Ly - Một Đời Việt Nam)