Từ ấy

262 4 0
                                    

Nhà thơ Tố Hữu là cánh chim đầu đàn của nền thơ ca Cách mạng Việt Nam. Nhắc đến ông, ta không thể không nhắc đến tập thơ đầu tay "Từ ấy" của ông. Đây là tập thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Tố Hữu: thể hiện niềm vui của người thanh niên khi đến với Cách mạng. Bài thơ "Từ ấy" được rút từ phần một, phần "Máu lửa" của tập thơ, đây được coi là bài thơ hay nhất, ấn tượng nhất trong tập thơ.

Bài thơ được sáng tác vào tháng 7 năm 1938, với niềm vui sướng, say mê mãnh liệt trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cuộc sống của Tố Hữu. "Từ ấy" là sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm thanh, nhịp điệu và vần để tạo nên chất nhạc chứa đựng cảm xúc của thi nhân.

Mở đầu bài thơ là những kỷ niệm, những niềm vui không thể nào quên trong cuộc đời của người chiến sĩ Cách mạng trẻ:

  Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
  Mặt trời chân lí chói qua tim
  Hồn tôi là một vườn hoa lá
  Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

"Từ ấy" là mốc son son đánh dấu thời điểm Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản, đây cũng là thời điểm có sự chuyển biến lớn trong cuộc đời, trong thơ Tố Hữu. Cụm từ "bừng nắng hạ" là biểu tượng cảm xúc cho toàn bài thơ. "Bừng nắng hạ" là bừng lên niềm vui sướng hân hoan, bừng lên chân lý tỏa sáng cuộc đời. "Nắng hạ" là hình ảnh ẩn dụ, là nguồn sáng mở ra một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng và tình cảm trong tâm hồn của nhà thơ. Đối với Tố Hữu, lí tưởng Cách mạng tựa như "mặt trời" rực rỡ ấm áp , là một phần không thể thiếu đối với muôn loài, nó đem lại sự sống, soi đường dẫn lối cho con người thoát khỏi đêm đen u tối. Sự tác động của "nắng hạ" và "mặt trời" được cảm nhận càng rõ nét qua hai động từ "bừng", "chói". Lí tưởng Cách mạng "bừng lên" làm thức tỉnh trí tuệ, "chói" vào tâm tư tình cảm của con người.

Hai câu thơ tiếp theo được viết bằng bút pháp trữ tình lãng mạn cùng với những hình ảnh so sánh sinh động càng bộc lộ tâm trạng vui sướng của nhà thơ. "Vườn hoa lá", "đậm hương" và "rộn tiếng chim" là hình ảnh tượng trưng cho một thế giới tươi sáng, rộn rã, tràn đầy sức sống. Đối với Tố Hữu, lí tưởng Cách mạng không chỉ khơi dậy một sức sống mới mà còn mang lại niềm cảm hứng sáng tạo bất tận cho ông. Lí tưởng ấy khiến cho tâm hồn nhà thơ giờ đây là một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, với vẻ xanh tươi của cây lá. Khổ thơ đầu với ngôn ngữ giản dị, hình ảnh thơ mới mẻ, sáng tạo cùng giọng điệu sôi nổi đã bộc lộ tâm trạng vui sướng, niềm say mê khi đến với lí tưởng Cách mạng, thể hiện niềm tin yêu tuyệt đối của Tố Hữu vào Đảng.

Khi giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu có sự chuyển biến về mặt nhận thức và hành động:

     Tôi buộc lòng tôi với mọi người
     Để tình trang trải với trăm nơi
     Để hồn tôi với bao hồn khổ
     Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Động từ "buộc" thể hiện ý thức tự nguyện, tự giác, ý muốn vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để đến với nhân dân, gắn bó, gần gũi, chan hòa với nhân dân. Từ "trang trải" giúp ta cảm nhận sâu sắc hơn về tâm hồn của nhà thơ đang trải rộng với cuộc đời, tạo khả năng đồng cảm với hoàn cảnh của từng người trên khắp mọi miền đất nước, bất cứ nơi nào có những người cùng khổ. Với điệp cấu trúc " Để...với..." tác giả đã nhấn mạnh mục đích và đối tượng gắn bó đó là đem tình yêu thương đến với tất cả mọi người để đồng cảm, sẻ chia... từ đó tạo nên một mối quan hệ sâu sắc giữa người với người. "Khối đời" là hình ảnh ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ, cùng chung lí tưởng, đoàn kết với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng phấn đấu vì một mục đích chung: đấu tranh giành lại quyền sống và quyền độc lập dân tộc. Đây là yếu tố cốt lõi làm nên chiến thắng của dân tộc, cũng là mục đích sâu xa của người chiến sĩ Cách mạng khi đến với nhân dân. Bằng lối sử dụng từ ngữ chính xác, giàu ẩn ý, nhà thơ đã gửi gắm một cách sâu sắc về tư tưởng, tình cảm của mình vào đó. Đoạn thơ cũng là một lời khẳng định: khi cái tôi chan hòa với cái ta, khi cá nhân hòa vào tập thể thì sức mạnh sẽ được nhân lên gấp bội.

Khổ thơ cuối là sự chuyển biến toàn diện về mặt tình cảm trong quan hệ với quần chúng nhân dân:

          Tôi đã là con của vạn nhà
          Là em của vạn kiếp phôi pha
          Là anh của vạn đầu em nhỏ
          Không áo cơm, cù bất cù bơ.

Những từ "đã là", "là" dưới hình thức điệp từ đã nhấn mạnh và giải thích về mối quan hệ của tác giả với mọi người. Những đại từ "con, anh, em" dùng để chỉ mối quan hệ ruột thịt. Từ đó cho thấy sự gắn bó thiêng liêng trong mối quan hệ của tác giả với nhân dân: đó là một mối quan hệ không gì có thể chia cắt, hướng đến sự hy sinh vô điều kiện. Không những vậy, khi khẳng định mối quan hệ với nhân dân, Tố Hữu đã ý thức được trách nhiệm của mình. "Là con" phải yêu thương, bảo vệ, sẻ chia với gia đình. "Là em", là thế hệ đi sau, phải có trách nhiệm gánh vác, kế thừa sự nghiệp của cha anh để lại. "Là anh" cần nâng đỡ, dìu dắt, che chở cho các em, cho thế hệ mai sau. Ngoài ra, khi nói đến nhân dân, tác giả còn sử dụng những từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm: "kiếp phôi pha"- chỉ những kiếp người tàn phai, phôi pha, nghèo khổ; "cù bất cù bơ"- chỉ những đứa trẻ không cha, không mẹ, không của, không nhà, đói ăn khát uống. Từ đó bộc lộ sự yêu thương và đồng cảm của nhà thơ khi nói đến nhân dân.

Thứ tình cảm ấy càng trở nên cao quý hơn khi ta biết rằng nhà thơ Tố Hữu vốn thuộc tầng lớp tiểu tư sản, có lối sống đề cao cá nhân đã vượt qua rào cản giai cấp để đến với nhân dân, với những người lao động bằng tình cảm chân thành nhất. Trong khổ thơ này, tác giả không chỉ thể hiện những chuyển biến sâu sắc trong tâm tư tình cảm mà còn thể hiện tình yêu thương đối với "vạn nhà". Đó chính là tình cảm hữu ái giai cấp và tinh thần trách nhiệm lớn lao của những chiến sĩ cộng sản lúc bấy giờ. Không những thế, thứ tình cảm ấy còn chứng tỏ sức mạnh cảm hóa mạnh mẽ của lí tưởng Cách mạng đối với mọi người.

Bằng bút pháp tự sự kết hợp cùng trữ tình lãng mạn cũng như là giọng thơ sôi nổi hào hứng và tràn đầy yêu thương, cảm xúc, bài thơ đã cho ta cảm nhận sâu sắc hơn về tài năng sử dụng ngôn từ và các biện pháp nghệ thuật của Tố Hữu, tuy giản dị, gần gũi nhưng cũng đầy sáng tạo.

"Từ ấy" của Tố Hữu đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời ông. Bài thơ đã thể hiện một cách tinh tế sự thay đổi trong tâm trạng, nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một thanh niên yêu nước khi được giác ngộ lí tưởng Cách mạng và được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: May 20, 2020 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

Phân tích TỪ ẤYNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ