Hồi ký Trần Văn Giàu - kỳ 4

536 3 0
                                    

Phần thứ hai

ĐÀ LẠT, PHÚ LẠC, U MINH

Suốt đêm đầu tiên vượt ngục, chúng tôi thay phiên nhau bơi chiếc ghe lườn (xuồng lớn làm bằng cả một thân cây bị khoét ruột banh bìa), chúng tôi khiêng qua mấy cái thác; đến gần sáng, ước chừng đã xa trại giam ít nhất cũng mười lăm cây số đường chim bay, chúng tôi kiếm chỗ nước sâu để nhận chìm ghe; rồi, hành lý trên vai, anh em đi tìm nơi ẩn nấp sao cho có thể quan sát được xung quanh mà người khác thì khó trông thấy mình; đường đi không để dấu chân, không gãy cành khô, không bẻ cành non, không rơi vãi một chút giấy lộn; nơi ẩn đó phải có nước uống; tránh mưa không phải là vấn đề quan trọng, độ này là mùa nắng, điều quan trọng là phải xa xóm làng mà không xa đường 20. Chúng tôi ăn cơm khô, khỏi phải nấu cơm, khỏi sợ lộ vì khói. Nếu rủi bị dân làng trông thấy, thì họ cũng chỉ trông thấy vài người thôi; tụi tôi chia ra từng nhóm nhỏ vài người, nếu gặp rủi ro không bị tóm cả lũ. Chúng tôi có thừa thời giờ để bàn mọi kế hoạch hành động, trước tiên là kế hoạch an toàn về các tỉnh đồng bằng.

Mấy ngọn núi chúng tôi ẩn náu chắc là thuộc vùng Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, không xa ranh giới Biên Hoà là mấy. Từ đó ra đường 20 chỉ một khoảng không xa; có thể về Sài Gòn, lên Đà Lạt, qua Phan Thiết, xuống Bà Rịa, rồi từ Bà Rịa qua Cần Thơ đến Chợ Lớn, Gò Công, rộng đường lắm. Nhóm của Nhâm về Sài Gòn, có cách lấy ôtô rước nhóm của Phúc. Nhóm của tôi ngược lên Đà Lạt, tính rằng từ Đà Lạt có thể về Nam Kỳ bằng ôtô, bằng xe lửa, bằng ghe bầu, thuyền đánh cá, vòng vo tam quốc một chút, chẳng sao, miễn là an toàn.

Lên Đà Lạt

Tôi cho rằng, bởi vì từ 1930 đến 1935 tôi hoạt động ở Sài Gòn và Nam Kỳ lục tỉnh, chưa hề hoạt động ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ, và hoạt động toàn trong bí mật, nên quen biết không rộng; nhưng bởi vì tôi đã ở tù mấy lượt, đã dạy chính trị cho mấy trăm cán bộ và hội viên, nên tôi vẫn có thể bị nhận diện nơi này nơi khác. Địch truy tìm tôi thì chắc chủ yếu truy tìm ở Sài Gòn, ở Nam Kỳ. Vì vậy, tôi không về ngay Sài Gòn và lục tỉnh, mà đi ngược lên Đà Lạt, nhằm tìm nơi ẩn náu an toàn một thời gian bao lâu chưa định trước. Tôi chưa hề đi Đà Lạt, ở nơi “đất khách quê người” đó ít có khả năng tôi bị phát hiện dù là tình cờ; càng ít khả năng bị phát hiện nếu tôi không lui tới những nơi tụ họp của các tầng lớp trung lưu trong xã hội và nếu tôi thường ngày sinh sống trong các tầng lớp nhân dân lao động như trồng rau quả, làm thợ hồ, làm công nhân bắn đá, chở đá. Mật thám nào lại đi tìm ông Giàu ở những chỗ lam lũ cơ hàn đó? Trong lúc số đông đồng chí được tổ chức rước về Sài Gòn, lục tỉnh, thì tôi đi bộ và theo xe chở hàng ngược đường 20. Nhóm tôi gồm có Tô Ký, Châu Văn Giác và tôi. Lên Đà Lạt thì tiền mấy đồng chí còn lại chia ba, ba người mỗi người một nẻo, cốt tìm chỗ ở, chỗ làm, hẹn gặp nhau sau. Lạ nước lạ cái, Tô Ký bị bắt ngay, may quá, Tô Ký không khai là tôi ở đâu đó tại Đà Lạt, nếu chú ấy phản thì tôi khó bề thoát. Giác có bà con ở Đà Lạt sớm nhờ xe về lục tỉnh. Còn tôi thì lo chỗ làm, chỗ ở. Chỉ vài hôm sau khi lên tới Đà Lạt, tôi đi làm ở một hầm bắn đá, rồi từ đó tôi chuyển sang ngành thợ xây nhà, xây cống, suốt ngày ở trên sườn núi, ven rừng, dưới hố, tới chiều tối về ở đậu với thợ cả tại xóm Suối Cát, một xóm công giáo bên cạnh nhà thờ, hoặc tại ấp Hà Đông, hơi xa chợ một chút. Trong túi tôi ban đầu chỉ có mấy đồng bạc, nhưng dần dà tiền công ngày của tôi lên tới một đồng tư, khổ một tí mà sống được. Khổ một tí nhưng tương đối an toàn. Hồi 1929, 1930, cán bộ đi “vô sản hoá có ai kêu khổ đâu? Ngày tháng trôi qua chậm chạp, không hoạt động chính trị thì ngày tháng trôi qua mau sao được? Trong khoảng không đầy nửa năm ở Đà Lạt, ba chuyện tình cờ xảy ra với tôi, đáng nhớ nhất.

Hồi Ký Trần Văn GiàuNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ