Hồi ký Trần Văn Giàu - kỳ 7

384 0 0
                                    

Phần thứ tư

TIẾN TỚI TỔNG KHỞI NGHĨA

Chương này ghi lại một phần những điều tôi đã nghĩ, đã làm, đã thấy trong khoảng thời gian từ sau khi chúng tôi lập lại Xứ ủy Nam Kỳ, tháng 10 năm 1943, đến trước khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Thời gian ngắn, chỉ 20 tháng, mà cuộc sống thì hết sức phong phú, sôi nổi nhất trong cuộc đời tôi, kể từ khi được sinh ra. Khó khăn chồng chất từ lâu, cao như núi; khó khăn mới thêm vào khó khăn cũ chưa giải quyết hết. Thuận lợi chỉ xuất hiện như kết quả sự nỗ lực kiên trì của tập thể anh chị em; lúc bấy giờ còn quá ít người, mà người nào cũng hoạt động không biết mệt, không ai “rớt đài” cả; thuận lợi cũng dồn dập đến với chiến thắng của Liên Xô và của Đồng Minh trên các chiến trường Âu châu và Thái Bình Dương. Thành công nhiều, mà về sau tai tiếng cũng lắm. Có sáng tạo cần thiết để ứng phó kịp thời với tình hình mà cũng không ít vấp váp, sai lầm. Vừa đánh kẻ thù trước mặt, lại vừa đỡ ngọn giáo của bạn bên hông. Mệt ơi là mệt! Nhưng, xét cho cùng, đời bằng phẳng chưa chắc là đáng sống hơn đời sóng gió. Tôi thích khoảng đời sóng gió mà cô đặc này; phần khác, vì thấy mình đóng vai của một người vo quần, cởi áo nhảy xuống sông, góp sức đẩy thuyền qua khúc cạn chớ không phải đứng trên thuyền “tiếp” đẩy cái mui, càng không phải đứng trên bờ mà vỗ tay cổ vũ hay là phẩy quạt phê bình.

Từ cuối năm 1943, tôi bám sát Sài Gòn, ít đi lục tỉnh. Lục tỉnh được sự chú tâm của tuyệt đại đa số các đồng chí trong Xứ ủy. Còn Sài Gòn là chiến trường mà tất cả bọn tôi đều xem như nơi quyết định sự thành bại của tổng khởi nghĩa, mà khi ấy, rất ít người kham. Anh em ta có nhiều kinh nghiệm về nông vận, hiếm đồng chí biết làm công vận, càng hiếm đồng chí làm được trí vận, binh vận. Cho nên, với ý thức nhận lãnh cái khó nhất về phần mình, tôi phải để hầu hết thời giờ và tâm trí vào Sài Gòn, mong có thể kịp thời xoay chuyển tình thế. Ta không hề xem nhẹ công tác nông thôn. Trong một xứ nông nghiệp lạc hậu như xứ ta, tuyệt đại đa số đồng bào là nông dân, ai đi làm cách mạng mà lại xem nhẹ công tác nông thôn bao giờ? Nhưng vào cuối năm 1943, qua đầu năm 1944, Đảng Cộng sản chưa có lực lượng đáng kể ở thành phố, cụ thể là ở Sài Gòn. Tại Sài Gòn, cơ sở ít và nhỏ; hệ thống tổ chức chưa hoàn chỉnh. Phong trào cách mạng như ở giữa hai làn sóng. Cán bộ thưa thớt như sao buổi sớm; anh em ở tù, ở căng chưa về; anh em ở ẩn phần nhiều chưa ra; số đồng chí có khả năng hoạt động thành phố như những người ở báo Le Peuple, Dân chúng, ở “Ủy ban sáng xuất công đoàn”, hồi 1937, 1938, 1939, đều cao bay xa chạy hay đều bị án “biệt xứ” không có phép đi Sài Gòn. Trong lúc đó thì chính đảng và giáo phái thân Nhật vừa nhiều, vừa mạnh, tập hợp ở thành phố dưới sự bảo trợ của sở Sen đầm Kempeitai[1]. Vấn đề được đặt ra là làm sao, trong một thời gian tương đối ngắn (tôi nhấn mạnh ở chữ “ngắn”), ta phải bám rễ chắc chắn trong Sài Gòn, phải đưa rất đông đảo công nhân, thanh niên, trí thức vào tổ chức yêu nước, phải thổi bừng lên một phong trào quần chúng cách mạng sâu rộng, phải làm cho Đảng Cộng sản theo kịp và mạnh hơn tất cả các chính đảng và giáo phái thân Nhật, thân Pháp cộng lại. Tôi không chủ quan lấy gàu tát sông đâu; khó khăn lớn lắm; nhưng nếu không làm được như vậy, nếu không nhảy vọt mà cứ phát triển từ từ thì sẽ không làm gì có cách mạng. Tôi lường được những nỗi khó khăn trước mắt và lâu dài; nhưng tôi không đến nỗi đơn thương độc mã; tôi lạc quan, lạc quan cách mạng vốn là bản tính của tôi. Tôi tin tưởng ở tài đức của số đồng chí đã tập hợp được, tin tưởng ở truyền thống nhạy bén chính trị và đấu tranh bất khuất của người dân Sài Gòn đặc biệt là của công nhân và thanh niên; tôi tin ở bản chất yêu nước và cách mạng của đồng bào nói chung, tin ở thế tất thắng của Hồng quân Liên Xô, khiến phong trào sắp có ngày đột biến và khiến tư tưởng chính trị của các tầng lớp nhân dân chuyển động rất mau về hướng cách mạng tức là về phía Đảng Cộng sản và mặt trận dân tộc thống nhất mà bọn tôi đang nỗ lực xây dựng.

Hồi Ký Trần Văn GiàuNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ